Trước đây, khi mùa mưa đến, nước suối Ngòi Đường dâng cao ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, nhất là khi đi qua các ngầm tràn. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, những cây cầu vững chãi, kiên cố vắt ngang suối Ngòi Đường đã được Nhà nước đầu tư xây dựng nên việc đi lại của người dân xã Cam Đường và khu vực lân cận được an toàn, thuận lợi. Anh Phùng Văn Chinh ở thôn Dốc Đỏ, xã Cam Đường cho biết: Trước đây, hạ tầng giao thông trên địa bàn xã Cam Đường còn hạn chế, đặc biệt vào mùa mưa, việc đi lại qua các ngầm tràn rất nguy hiểm. Đã có người khi đi qua ngầm tràn trên địa bàn xã Cam Đường bị nước lũ cuốn trôi mất tích, tử vong. Được Nhà nước đầu tư xây dựng những cây cầu kiên cố, hai bên bờ suối được kè đá chống sạt lở và tạo cảnh quan, giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân thuận lợi, an toàn suốt 4 mùa.
Tuyến đường trục chính từ Quốc lộ 4E dẫn vào cầu làng Vạch, xã Cam Đường đang được nâng cấp, với hệ thống cống thoát nước, vỉa hè, điện chiếu sáng, hạ tầng viễn thông… được đầu tư bài bản. Anh Vũ Văn Dũng, dân cư ở phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai khi qua đây nhận xét: Khi đường trục chính xã Cam Đường hoàn thành chắc chắn sẽ rất đẹp, quan trọng hơn cả là giúp việc đi lại của người dân thuận lợi, an toàn hơn và diện mạo xã Cam Đường sẽ thay đổi đáng kể.
Ngoài đường trục chính, những tuyến đường liên thôn trong xã Cam Đường cũng được mở rộng, đổ bê tông kiên cố. Một số tuyến đường còn được người dân lắp đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, trồng hoa tạo cảnh quan.
Mặc dù đã có bằng tốt nghiệp Đại học Mỏ địa chất Hà Nội, nhưng anh Nguyễn Tuấn Anh, thôn Dạ 2, xã Cam Đường lại không xin vào làm tại các nhà máy, xí nghiệp hoặc cơ quan, đơn vị Nhà nước, mà lựa chọn gắn bó với con ốc nhồi để phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho hàng chục người dân. Anh Tuấn Anh tâm sự: Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Cam Đường nên muốn lập nghiệp trên chính quê hương mình. Công việc nuôi ốc tuy vất vả nhưng bù lại có thể chủ động về thời gian và thu nhập cũng đảm bảo cuộc sống gia đình. Hiện nay, tôi bán ốc giống, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua lại ốc thương phẩm cho người dân, cùng họ phát triển kinh tế.
Mặc dù nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của xã Cam Đường, nhưng những năm gần đây, một số lĩnh vực như thương mại, dịch vụ của xã rất phát triển, tạo việc làm ổn định cho nhiều người dân địa phương. Xã Cam Đường đã quy hoạch đất xây dựng chợ trung tâm, khu đất thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, một số hộ đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng các mô hình nghỉ dưỡng, câu cá thư giãn, ẩm thực… thu hút đông khách hàng.
Dạo quanh một vòng các thôn trên địa bàn xã Cam Đường, điều chúng tôi ấn tượng là những ngôi biệt thự bề thế. Anh Nguyễn Văn Thức ở thôn Dạ 2, xã Cam Đường cho biết: Vợ chồng tôi sản xuất nông nghiệp, những ngày nông nhàn thì đi làm thuê xây dựng. Công việc vất vả nhưng bù lại có thu nhập đều và tích lũy được. Năm 2023, vợ chồng tôi quyết định dỡ bỏ căn nhà cũ, xây dựng căn nhà mới rộng 140 m2, tổng chi phí hơn 1,6 tỷ đồng.
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, đến thời điểm này, xã Cam Đường đã đạt các tiêu chí để thành lập phường Cam Đường. Ông Nguyễn Văn Cường, Quyền Chủ tịch UBND xã Cam Cường cho biết: Với sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực từ phía người dân, diện mạo xã Cam Đường đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ phía người dân, xây dựng thành phường Cam Đường. Đây là cơ sở để tiếp tục đưa vùng đất cách mạng Cam Đường ngày càng phát triển.
Vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng đã cơ bản đạt các tiêu chí, sẵn sàng cho ngày chính thức trở thành phường, đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực phía Nam thành phố biên cương Tổ quốc.
Ngày 5/3/1947, Đảng bộ tỉnh Lào Cai ra đời, một trong những nhiệm vụ hàng đầu tại thời điểm đó là phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở. Sau hơn 1 năm chuẩn bị, ngày 10/10/1948, Chi bộ Cam Đường được thành lập, là dấu mốc ra đời chi bộ nông thôn đầu tiên trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai.