Nhận lương mới ngay từ đầu tháng 7, sớm hơn so với kì tăng trước, với bà Trần Thị Hòa và những cán bộ hưu trí ở phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai là một niềm động viên lớn khi tuổi xế chiều. Niềm vui càng nhân lên khi mỗi đồng lương tăng thêm không phải chạy đua với giá cả thị trường mà trực tiếp cải thiện cuộc sống.
“Nhu cầu của những người nghỉ hưu chủ yếu để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày nên tôi thấy giá cả như hiện nay là phù hợp, không biến động nhiều so với trước kia. Như rau vẫn rất rẻ, cuối vụ lên 15.000 đồng, còn bình thường chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, còn giá thịt thì tăng nhẹ”, bà Trần Thị Hòa nói.
Thị trường tiêu dùng thiết yếu ở Lào Cai chưa có biến động lớn về giá.
Theo ông Phạm Văn Hồng, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Lào Cai, tăng lương là niềm mong mỏi bao lâu của gần 18.000 lao động trong ngành, chủ yếu là giáo viên, song bên cạnh đó cũng là nỗi lo tăng giá. Chưa kể với đặc thù của Lào Cai, nhiều khu vực chi phí vốn dĩ đắt đỏ hơn mặt bằng chung và ở tất cả những nơi đó đều có sự hiện diện của các thầy cô giáo là những người chịu tác động trực tiếp.
“Chẳng hạn ở những khu du lịch như Sa Pa, Bắc Hà, đương nhiên phải tiêu thụ và sinh hoạt như khách du lịch. Còn ở những nơi vùng sâu, vùng xa, chi phí vận chuyển hàng hóa lên đó tất nhiên phải đắt đỏ hơn những địa bàn thuận lợi. Chúng tôi rất mong muốn làm sao có thể duy trì được giá cả thị trường như dịp này thì việc tăng lương sẽ tác động hết sức tích cực tới đời sống của nhà giáo”, ông Phạm Văn Hồng cho biết.
Chia sẻ với nỗi lo của người lao động, ông Ngô Đức Ảnh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lào Cai cho biết, trước mắt, giá cả thị trường Lào Cai vẫn nằm trong ngưỡng ổn định, thể hiện bằng thước đo đánh giá lạm phát là chỉ số giá tiêu dùng CPI của Lào Cai 6 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 1,59% so với cùng kì năm trước.
Theo ông Ảnh, ngoài những nỗ lực kiểm soát của địa phương, chính sách tài khóa, tiền tệ của trung ương cùng với nguồn cung hàng hóa ngày một phong phú là những yếu tố đã và đang góp phần bình ổn thị trường: “Đặc biệt, từ sau đại dịch Covid-19, xu hướng cung ứng – tiêu dùng sản phẩm qua hệ thống thương mại điện tử phát triển, nhờ đó cũng hạn chế khả năng giá cả bị đẩy lên từ những giao dịch trực tiếp ngoài thị trường”.
Lực lượng Quản lý Thị trường Lào Cai kiểm tra việc chấp hành các quy định về giá.
Theo bà Ngụy Phí Kiều Vân, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Lào Cai, để việc tăng lương có ý nghĩa, đồng thời không gây mất cân bằng thị trường, giá các loại dịch vụ công ở địa phương giai đoạn này cũng sẽ giữ nguyên, đặc biệt ở nhóm y tế, giáo dục.
“Ngay cả ở trung ương đợt này còn có một số loại phí, lệ phí điều chỉnh giảm đi nên không có lý do gì mình lại quy định tăng lên cả. Chính vì thế, có thể khẳng định việc tăng lương cơ sở không đồng nghĩa với việc tăng các loại giá dịch vụ cũng như phí, lệ phí”, bà Ngụy Phí Kiều Vân cho hay.
Theo ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, dù đối tượng được tăng lương chiếm tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế nhưng cũng dễ gây hiện tượng “tăng giá theo tâm lý” của thị trường, do đó cần phải kiểm soát.
Nhằm thực hiện Công điện 61 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, điều hành giá, mới đây, UBND tỉnh Lào Cai cũng đã có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động giải pháp không để xảy ra tình trạng đột biến về giá, đặc biệt đối với các nhóm hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm, vật liệu xây dựng, nhà ở, sản phẩm du lịch…
“Vẫn phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, trên quan điểm là nếu có sai phạm đều phải xử lý nghiêm minh, kịp thời để khi tăng lương vẫn đảm bảo đời sống của người dân, doanh nghiệp, chứ không phải vì tăng lương mà tâm lý lại tăng giá”, ông Trịnh Xuân Trường khẳng định.