Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện các hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và các nước nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tập huấn công tác đối ngoại và bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế cho bảo hiểm xã hội 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc do Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức trong hai ngày 15-16/7 tại Hải Dương.
Chia sẻ thông tin về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV đã thông qua, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết nội dung về hợp tác quốc tế đã được bổ sung và đưa thành điều riêng là Điều 8 trong Luật Bảo hiểm xã hội. Việc bổ sung này đã tạo khung pháp lý, điều kiện thuận lợi để Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và thực hiện các hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và các nước.
Ngoài ra, ngày 25/4, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 436/QĐ-TTg về việc phê duyệt phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc về bảo hiểm xã hội. Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao triển khai thực hiện hiệp định đã ký ngày 14/12/2021 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội. Đây là nhiệm vụ mới, quan trọng, cần được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong phạm vi toàn ngành.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết thêm đây là hiệp định giữa Việt Nam và Hàn Quốc là hiệp định song phương đầu tiên của hai nước trong lĩnh vực an sinh xã hội và cũng là hiệp định song phương đầu tiên về bảo hiểm xã hội của Việt Nam với một quốc gia khác. Trên cơ sở nội dung ký kết, các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần chủ động rà soát, bổ sung nhiệm vụ thực hiện hiệp định và các thỏa thuận đã ký kết vào chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng cam kết, trách nhiệm và nghĩa vụ; đảm bảo quyền lợi của người lao động thuộc đối tượng điều chỉnh của Hiệp định…
Chia sẻ về kinh nghiệm vận dụng “ngoại giao cây tre” trong công tác thông tin, đối ngoại, Tiến sỹ Nguyễn Hải Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao cho rằng ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo và chủ động thích ứng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội và điều kiện thuận lợi của quá trình hợp tác, hội nhập quốc tế để phát triển ngành… Qua đó, từng bước khẳng định vị thế, hình ảnh Bảo hiểm xã hội Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng an sinh xã hội khu vực và quốc tế.
Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cho rằng trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp, khó lường, khó dự báo, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục mở rộng và phát triển các mối quan hệ đối ngoại với các tổ chức quốc tế và khu vực đi vào chiều sâu, ngày càng ổn định, bền vững nhằm chuyển tải kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ quốc tế vào hoạt động của ngành, góp phần đẩy nhanh quá trình đổi mới, phát triển ngành bảo hiểm xã hội theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, vì sự hài lòng của người tham gia.
Để tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành kế hoạch công tác đối ngoại năm 2024, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị ngành kịp thời cập nhật những vấn đề mới trong công tác đối ngoại đồng thời nâng cao kiến thức hội nhập quốc tế.
“Hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội nhằm phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập, tiến tới tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, mở ra nhiều cơ hội hội nhập quốc tế trong lĩnh vực an sinh xã hội cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cũng đòi hỏi cán bộ ngành cần được nâng cao, bồi dưỡng kiến thức và kĩ năng trong công tác đối ngoại”, ông Đào Việt Ánh nhấn mạnh.