Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cả nước từ đầu năm đến nay đạt thấp thì ngược lại, tại Lào Cai, việc huy động vốn và cho vay tiếp tục tăng trưởng khá so với cuối năm 2023.
Đến 8/3/2024, huy động vốn trên địa bàn đạt gần 46,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay đạt hơn 56 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với 31/12/2023. Dư nợ tín dụng tăng trưởng đều qua từng tuần, phù hợp với diễn biến kinh tế - xã hội cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trước, trong và sau kỳ tết Nguyên đán. Chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn tiếp tục ổn định và giảm nhẹ, đặc biệt là sau tết Nguyên đán, mức lãi suất cho các kỳ hạn đều giảm khoảng 0,5%/năm so với 31/12/2023, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
“Đó là tín hiệu tốt, phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế cũng như hiệu quả các giải pháp về tín dụng triển khai trên địa bàn”, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai - ông Trương Thanh Xuân nhận định.
Để tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt theo mục tiêu, kế hoạch đề ra, NHNN Chi nhánh tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn bám sát diễn biến kinh tế - xã hội của tỉnh để chủ động, kịp thời đáp ứng vốn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tăng cường huy động vốn, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư) theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới...
Tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp; cho vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại vùng nông thôn, vùng sâu, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, tín dụng chính sách, như cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đặc biệt là Chương trình tín dụng ưu đãi giảm lãi suất 120 nghìn tỷ đồng (nay là 125 nghìn tỷ đồng) của 4 hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước (120 nghìn tỷ đồng) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (5 nghìn tỷ đồng) dành cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…; Chương trình tín dụng 15 nghìn tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản…
Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số; nghiên cứu đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa nhưng đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật; nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng; chủ động trao đổi với khách hàng để hướng dẫn quy trình, thủ tục cụ thể, đảm bảo khách hàng đủ điều kiện, có nhu cầu đều được vay vốn; đẩy mạnh truyền thông về các chương trình, cơ chế, chính sách, sản phẩm tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân…
Ngành ngân hàng tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đề ra, đến 31/12/2024, tổng nguồn vốn huy động tại địa bàn đạt 50,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2023; tổng dư nợ đạt 61,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với 31/12/2023; đầu tư tăng thêm của ngành ngân hàng cho nền kinh tế trên 5,6 nghìn tỷ đồng.