Ông Đào Văn Tâm, phụ trách Trạm Thú y huyện Bát Xát thông tin: Từ ngày 18 - 21/9/2024, tại gia đình ông Lù A Nguyên, tổ 13, thị trấn Bát Xát có chó chưa được tiêm phòng cắn 4 người (gồm bố đẻ, vợ của ông Nguyên và 2 người hàng xóm sang chơi). Ngay sau đó, cả 4 người đã đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.
Theo thông tin từ gia đình, con chó có biểu hiện ốm, bỏ ăn, ủ rũ trong khoảng thời gian trên, đến ngày 24/9 thì chết. Trạm Thú y huyện đã phối hợp Trung tâm Y tế huyện tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm chuyển Chi cục Chăn nuôi và Thú y để gửi đi xét nghiệm. Kết quả mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút dại.
Bà Nguyễn Thị Tím, tổ 13, thị trấn Bát Xát cho biết: Ngày 21/9, hai con của tôi có sang nhà ông Lù A Nguyên chơi. Khi về nhà thấy các cháu trong tình trạng sợ hãi, khóc nhiều, tôi hỏi và được biết các con bị chó cắn. Ngay ngày hôm sau, tôi đã đưa các cháu đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại tại Trung tâm Y tế huyện, đến nay, sức khỏe các cháu đã dần ổn định. Tuy nhiên, tâm lý của 2 cháu và nhiều người dân trong tổ vẫn lo lắng và bất an mỗi khi có việc phải ra đường vì sợ bị chó cắn.
Ngay sau khi phát hiện ca bệnh dại, các ngành chức năng của huyện Bát Xát, thị trấn Bát Xát và tổ dân phố 13 đã triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch theo Thông tư 07/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn. UBND huyện ban hành văn bản triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại. Ngành nông nghiệp huyện đẩy mạnh tiêm phòng triệt để vắc-xin dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn thị trấn; tổ chức phun khử trùng, tiêu độc tại ổ dịch, khu vực xung quanh và tất cả các tổ trên địa bàn thị trấn, các xã lân cận; giám sát chặt chẽ ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền trên loa phát thanh, họp thôn, tổ dân phố, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và thực hiện nghiêm việc khai báo với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn khi chó, mèo có biểu hiện ốm, chết không rõ nguyên nhân; không vận chuyển, bán hay giết mổ chó, mèo mắc bệnh.
Do diễn biến bất lợi của thời tiết, mưa lũ, ngập lụt xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện, dẫn đến công tác tiêm phòng vắc-xin cho vật nuôi gặp nhiều khó khăn. "Tính đến hết tháng 9, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo mới đạt khoảng 60% kế hoạch, trong khi cùng kỳ đạt hơn 85%. Trong tháng 10, đơn vị sẽ tập trung công tác tiêm phòng, phấn đấu đạt trên 90% số chó nuôi được tiêm phòng theo quy định", ông Đào Văn Tâm cho biết thêm.
Hiện đang là thời điểm giao mùa, bệnh dại dễ phát sinh, cộng thêm thói quen nuôi chó thả rông của nhiều hộ dân, tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, chưa đồng đều giữa các vùng khiến nguy cơ bệnh dại diễn biến phức tạp. Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình bệnh dại trên địa bàn cả nước diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 196 ổ dịch bệnh dại động vật tại 35 tỉnh, thành phố và 65 người tử vong vì bệnh dại (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).
Tại Lào Cai, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh phát hiện 6 trường hợp chó bị mắc bệnh dại (tại thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát), đặc biệt có 1 trường hợp tử vong do chó mang vi rút dại cắn nhưng chủ quan không đi tiêm phòng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tổng đàn chó của tỉnh khoảng 104.000 con, tỷ lệ tiêm phòng vắc- xin dại cho chó mới đạt khoảng 70% tổng đàn và không đồng đều giữa các khu vực (khu vực vùng sâu, vùng xa mới đạt khoảng 40 - 50%), chưa đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; việc quản lý, xử lý chó thả rông, chó không tiêm phòng chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc.
Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo Trạm Thú y các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền cơ sở rà soát, tiêm phòng bổ sung tại nơi có tỷ lệ tiêm phòng dại thấp, nơi nguy cơ cao.
Bà Trần Thị Thuyết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Thời gian qua, công tác phòng, chống bệnh dại khó khăn vì nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về bệnh dại và mức độ nguy hiểm của bệnh nên còn chủ quan. Nhiều hộ chưa chủ động tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó nuôi, không báo cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương khi chó nghi mắc bệnh dại, chỉ khi người có biểu hiện bệnh dại mới báo cho cơ quan thú y, y tế… Thậm chí không ít trường hợp bị chó cắn nhưng không đi tiêm phòng, nhất là ở các xã vùng cao.
Để công tác phòng, chống bệnh dại đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về bệnh dại và mức độ nguy hiểm của bệnh, từ đó người dân chủ động khai báo và phối hợp với cơ quan chuyên môn trong công tác phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng.