Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 23, chiều 9/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.
Luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu
Trình bày Tờ trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về các tổ chức tín dụng (TCTD), xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Các TCTD hiện hành; luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD; xây dựng công cụ để quản lý các TCTD, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của TCTD; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành TCTD... Dự thảo Luật được bố cục gồm 13 Chương, 195 Điều. Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản trị, điều hành của TCTD như: sửa đổi, bổ sung quy định về người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan tại TCTD...
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu, Hội đồng thành viên của TCTD là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để thống nhất với pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử như: bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử; giao Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng… Để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, hạn chế sở hữu chéo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD … Dự thảo Luật cũng rà soát, điều chỉnh kỹ thuật một số nội dung để đảm bảo rõ ràng, phù hợp, thống nhất với các Luật hiện hành.
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.
Đáng chú ý, dự thảo Luật đã luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Cụ thể, dự luật kế thừa các quy định: Bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; Mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án.
Dự thảo Luật quy định việc tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD (bao gồm cả TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài) , bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân; được thỏa thuận với TCTD phân chia phần giá trị còn lại (nếu có) của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý.
Dự luật cũng bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; bổ sung quy định về việc hoàn trả tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu bị tạm giữ.
Cân nhắc việc sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng
Thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng. Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị khá công phu, đầy đủ theo danh mục quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, để có thêm cơ sở nghiên cứu, xem xét các quy định tại dự thảo Luật, đề nghị tiếp tục hoàn thiện một số tài liệu và làm rõ đã sửa đổi, bổ sung và giữ nguyên bao nhiêu điều so với Luật hiện hành. Để bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát dự thảo Luật với quy định tại các luật liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật, khắc phục tối đa những vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện quy định của Luật.
Về giới hạn cấp tín dụng, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc việc sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng. Bởi lẽ việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro. Việc mở rộng định nghĩa về người có liên quan đồng thời với việc thu hẹp tổng mức tín dụng được cấp cho một khách hàng và người có liên quan sẽ gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng. Báo cáo đánh giá tổng kết chưa nêu rõ thực trạng cấp tín dụng của các TCTD cũng như các rủi ro chủ yếu hiện nay, cũng như chưa thuyết minh việc đề xuất các tỷ lệ thay thế tại Luật hiện hành. Cũng theo cơ quan thẩm tra, thông lệ quốc tế (quy định của các nước: Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia...) đều quy định ở mức tỷ lệ cao hơn so với quy định tại dự thảo Luật.
Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, UBKT thấy rằng việc luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42 trên cơ sở phát huy những kết quả tích cực về xử lý nợ xấu trong thời gian thí điểm của Nghị quyết và phù hợp với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 63/2022/QH15, tạo cơ sở pháp lý nhằm xử lý nhanh nợ xấu, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, Nghị quyết số 42 là nghị quyết thí điểm được ban hành trong bối cảnh nợ xấu cao, phức tạp, vì vậy, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42 cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong bối cảnh các quy định pháp luật hiện nay đã được hoàn thiện rõ ràng, đầy đủ hơn. Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hóa quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm hài hòa, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế.