Ngay sau khi thành lập, Đảng ta luôn chủ động xây dựng, điều chỉnh đường lối lãnh đạo, từng bước tổ chức và tập hợp quần chúng, đưa quần chúng lên vũ đài đấu tranh chính trị từ thấp đến cao để rèn luyện quần chúng làm cơ sở tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Sự lãnh đạo của Ðảng, trước hết ở sự bổ sung, phát triển hoàn chỉnh hệ thống các quan điểm về cách mạng giải phóng dân tộc; đó là sự lựa chọn hình thức và phương pháp cách mạng phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể; sự tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng, bao gồm lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang (LLVT); sự nhận thức tình thế và thời cơ cách mạng để đưa quần chúng vào hành động cách mạng; sự chỉ đạo kiên quyết, tập trung, thống nhất trong giờ phút có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi. Quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền đã diễn ra với 3 cao trào cách mạng có ý nghĩa như 3 cuộc tổng diễn tập chuẩn bị cho cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là: Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô-viết - Nghệ Tĩnh; cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) và cao trào giải phóng dân tộc dẫn tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (1939-1945). Qua thực tiễn đấu tranh đã kiểm nghiệm chính xác vai trò quyết định của liên minh công-nông do Đảng lãnh đạo; thành lập các đội vũ trang nòng cốt cho phong trào; tập hợp đông đảo quần chúng trong Việt Nam độc lập đồng minh hội (Mặt trận Việt Minh) là một thành công lớn của Đảng ta. Đây cũng là cơ sở chính trị quyết định để Đảng lãnh đạo toàn dân tộc giành chính quyền thành công trong Cách mạng Tháng Tám 1945.
70 năm đã qua, song bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nóng hổi, đó là: Xác định đúng đắn mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng; linh hoạt các hình thức tuyên truyền vận động quần chúng; kết hợp xây dựng lực lượng chính trị và LLVT đều khắp trên các địa bàn; tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, tập dượt, diễn tập kiểm nghiệm khả năng; chớp thời cơ lãnh đạo toàn dân tộc đứng lên Tổng khởi nghĩa.