LCĐT - Sau trận mưa rào, đường lên thôn Tùn (Tùn trên) của xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn vốn đã khó đi lại càng thêm trở ngại. Sau gần 30 phút gồng mình điều khiển chiếc xe Win dã chiến, ông La Xuân Thắm, Bí thư Đảng ủy xã Dương Quỳ cũng đưa được tôi đến trung tâm thôn.
![]() |
Xã Dương Quỳ ngày càng phát triển. |
Khác với tưởng tượng của tôi, thôn Tùn thật thanh bình với những ngôi nhà đáp ứng theo tiêu chuẩn “3 cứng”, 95% số hộ có công trình vệ sinh đạt yêu cầu. Xa xa, trên những khu đồi xanh cỏ, từng đàn đại gia súc nhởn nhơ gặm cỏ. Trong câu chuyện với Trưởng thôn Triệu Vạn Thăng, tôi được biết thôn Tùn có 57 hộ (100% là đồng bào Dao đỏ). Những năm qua, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của cấp ủy đảng và chính quyền xã về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thôn Tùn đã đạt được nhiều kết quả. Hiện nay, thôn chỉ còn 9 hộ nghèo, kinh tế chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp manh mún, tự phát sang sản xuất hàng hóa, trong đó tập trung chăn nuôi đại gia súc và trồng rừng.
Để minh chứng cho sự phát triển của thôn, Bí thư Đảng ủy xã và Trưởng thôn Tùn dẫn tôi đến một số hộ. Nơi đầu tiên chúng tôi đến là gia đình ông Triệu Phúc Yên - hộ đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc. Trước đây, gia đình ông Yên chỉ trồng trọt với quy mô nhỏ. Ngay khi xã Dương Quỳ có chủ trương khuyến khích người dân chăn nuôi đại gia súc tại một số thôn có điều kiện phù hợp, ông Yên đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi. Sau gần 10 năm phát triển kinh tế theo hướng này, kinh tế gia đình ông dần được cải thiện. Hiện tại, ông Yên có gần 20 con ngựa, hơn 10 con trâu và đàn dê gần 20 con. “Nuôi ngựa không tốn công chăm sóc, thức ăn hoàn toàn tự nhiên, hơn nữa có khả năng kháng bệnh cao, giá bán trung bình khoảng 20 triệu đồng/con. Gia đình tôi rất yên tâm với vật nuôi này và dự định sẽ tăng đàn để nâng cao thu nhập”, ông Yên cho biết.
Có lợi thế hơn các hộ khác là nhà gần đường trục chính và ở ngay trung tâm thôn nên gia đình anh Triệu Vạn Khuôn có cơ hội phát triển kinh tế đa dạng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Khuôn cho hay: Trước đây, cũng như nhiều hộ khác, gia đình tôi chỉ cấy lúa nên nhiều năm nằm trong danh sách hộ nghèo. Được cán bộ xã tuyên truyền, vận động, năm 2015, tôi vay vốn ngân hàng để mua ngựa giống về nuôi. Sau khi xuất bán lứa ngựa đầu tiên (năm 2017), gia đình tôi không những trả hết nợ mà còn dành được một khoản tiền để tiếp tục đầu tư mua giống gia súc và mở cửa hàng nhỏ.
Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều hộ ở thôn Tùn có cuộc sống no ấm hơn nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đảng ủy xã Dương Quỳ. Để công tác lãnh đạo đạt hiệu quả cao nhất, Đảng bộ xã đã xây dựng đề án về đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa và có kế hoạch triển khai theo từng năm. Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp, xã tập trung thực hiện cánh đồng một giống, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào gieo cấy và phòng, trừ sâu bệnh; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Đảng ủy chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng sản xuất; chuyển diện tích trồng sắn, ngô sang trồng quế, mỡ, trẩu và các loại cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao, đồng thời phát huy lợi thế tự nhiên của địa phương, phát triển đàn ngựa và dê để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo ông La Xuân Thắm, Bí thư Đảng ủy xã, trước khi xây dựng đề án, nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã và các bộ phận chuyên môn xây dựng kế hoạch, khảo sát về tiềm năng, thế mạnh của các loại cây trồng, vật nuôi. Sau khi có những phân tích, báo cáo cụ thể mới đưa vào kế hoạch để chỉ đạo, triển khai và tất cả các nội dung đều lấy ý kiến của người dân. Ví dụ như trước khi đưa giống ngựa vào chăn nuôi, xã đã chỉ đạo các chi bộ, thôn tổ chức họp để phân tích những ưu điểm của giống vật nuôi này, khi người dân đồng thuận, Đảng ủy mới xây dựng kế hoạch triển khai...
Nhờ sự chỉ đạo, điều hành sát sao của cấp ủy đảng, chính quyền, những năm gần đây, kinh tế của Dương Quỳ đã có nhiều chuyển biến. Trên những chân ruộng 1 vụ, giờ đã được phủ kín bằng các loại rau, màu; nhiều cây trồng mới được đưa vào trồng theo dự án liên kết như gấc, khoai tây.
Cơ cấu đàn vật nuôi ngày càng phong phú, thay vì chỉ nuôi trâu, bò, lợn như trước, Dương Quỳ đã có thêm ngựa, dê. Năm 2015, thu nhập bình quân của xã mới đạt 14 triệu đồng/người thì năm 2018 đã đạt 24 triệu đồng/người, xã phấn đấu năm 2019, con số này là 33 triệu đồng. “Để đạt mục tiêu đề ra, Đảng bộ đã tăng cường lãnh đạo nhân dân triển khai nhiều mô hình, dự án phát triển kinh tế phù hợp với thực tế từng thôn. Cụ thể, phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi dê, trồng rừng tại các thôn vùng cao như Tùn, Nậm Hốc; thực hiện liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tại các thôn có diện tích đất ruộng lớn như Tông Pháy, Khuân Đo, thôn 8; vận động nhân dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; tích cực sản xuất vụ 3... Với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh như hiện nay, địa phương hoàn toàn tin tưởng sẽ đạt mục tiêu theo tiến độ đề ra” - ông La Xuân Thắm cho biết thêm
Với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh như hiện nay, xã hoàn toàn tin tưởng đạt mục tiêu về đích nông thôn mới vào năm 2019.