Theo đó, qua kết quả kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và đảm bảo an toàn đập, hồ chứa trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh giao:
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan tiếp tục chủ động rà soát hiện trạng, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thải quặng đuôi thuộc các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn; có giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2023 và các năm tiếp theo đối với các dự án tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Tăng cường chỉ đạo các chủ sở hữu các công trình đập, hồ chứa thủy điện, hồ thải quặng đuôi thực hiện quản lý, bảo trì, bảo dưỡng mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa, xây dựng thực hiện phương án quản lý...
Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoàn thiện các hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thuỷ văn theo quy định của pháp luật và các nghị định, thông tư liên quan.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác tập huấn, chỉ đạo kiện toàn các tổ chức khai thác công trình đập, hồ chứa thủy lợi đảm bảo năng lực theo quy định; chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện kiểm định an toàn đập; xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa theo đúng quy định...
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm phạm vi bảo vệ an toàn đập, hồ chứa trên địa bàn theo phân cấp được giao quản lý; tăng cường phối hợp với các chủ thể quản lý đập, hồ tổ chức tuyên truyền Nhân dân hiểu, nắm rõ các quy định của pháp luật, không có các hoạt động vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình, trong lòng hồ chứa cũng như vùng hạ du khi xảy ra mưa lũ và trong thời gian phát điện của công trình thuỷ điện. Người đứng đầu các địa phương để xảy ra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Đối với 6 hồ đập, hồ chứa thủy lợi được kiểm tra, đề nghị UBND huyện Văn Bàn xem xét tổ chức rà soát, lập kế hoạch đầu tư sửa chữa, nâng cấp đối với: hồ Bô, hồ Làn, hồ Noong Chai; chỉ đạo UBND các xã Khánh Yên Hạ, Khánh Yên Trung khẩn trương khắc phục các tồn tại đã được chỉ ra.
Đối với các đơn vị chủ sở hữu, chủ quản lý khai thác công trình đập hồ chứa cần tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn đập, hồ chứa; thực hiện rà soát, hoàn thiện các nội dung còn thiếu/chưa thực hiện đã được nêu trong biên bản của đoàn kiểm tra; thường xuyên kiểm tra, giám sát an toàn đập hồ chứa và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan về đảm bảo an toàn đập, hồ chứa.
Toàn tỉnh hiện có 107 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ nước khoảng 11 triệu m3, điều tiết đảm bảo tưới cho 1.902 ha ruộng lúa và cung cấp nước cho nuôi thủy sản. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 2 đập, hồ loại lớn và 7 đập, hồ loại vừa; 54 đập, hồ chứa loại nhỏ và 44 đập, hồ chứa rất nhỏ được phân cấp cho UBND cấp huyện, xã quản lý. Có 22 đập, hồ chứa do ngành Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc các nhà máy tuyển quặng apatit, đồng, sắt và 3 bãi chứa, 1 đê bao của 2 đơn vị sản xuất hóa chất, phân bón; có 72 dự án thủy điện đã đi vào vận hành, với tổng công suất 1.138,85MW.