Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Lào Cai, sáng 3/11, đại biểu Hà Đức Minh đã có tham luận được đánh giá là sâu sắc, sát thực.
Mở đầu tham luận, đại biểu Hà Đức Minh cho rằng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Ban soạn thảo chuẩn bị rất công phu, khoa học, kỹ lưỡng, đầy đủ nội dung, chất lượng; trong quá trình xây dựng đã tiếp thu, điều chỉnh có chọn lọc các ý kiến tham gia, đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Tham gia đóng góp vào nội dung Dự thảo Luật, đại biểu Hà Đức Minh nêu: Thứ nhất, tại Điều 80 dự thảo Luật quy định “căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích Quốc gia, công cộng”, trong đó có căn cứ theo điểm b, khoản 1 như sau: "Kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công, quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, quyết định chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ”. Nếu vậy, những dự án thực hiện theo Luật Đầu tư thuộc thẩm quyền của tỉnh (UBND tỉnh, Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất cấp tỉnh mà thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất (năng lượng, bệnh viện, trường học tư...) thì thực hiện như thế nào? Đề nghị Luật cần làm rõ thêm.
Thứ hai, tại Điều 105 có quy định 04 “trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất”, trong đó tại khoản 4 có nêu: "Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình xây dựng khác không còn sử dụng trước thời điểm có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền”. Việc quy định “không còn sử dụng” là chưa rõ ràng, nhất là khi xem xét bồi thường các công trình kỹ thuật phục vụ dự án đầu tư của doanh nghiệp.
Thứ ba, tại khoản 2, Điều 121 có quy định về Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong một số trường hợp; đặc biệt là đã mở rộng cho các dự án du lịch. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư các công trình cung cấp dịch vụ công như y tế, giáo dục, môi trường,... thì cần nghiên cứu đối tượng này được trả tiền thuê đất một lần vì không phải dự án xã hội hóa nào cũng được miễn 100% tiền thuê đất trong suốt thời hạn thuê. Việc mở rộng đối tượng như vậy sẽ góp phần đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế.
Thứ tư,tại khoản 3, Điều 125, dự thảo Luật quy định về các trường hợp Nhà nước cho thuê đất không thông qua đấu giá, trong đó có trường hợp: "Cho thuê đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với người được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm nhưng phải di dời ra khỏi vị trí cũ do ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật; hỗ trợ cho thuê đất để tiếp tục sản xuất kinh doanh đối với trường hợp thu hồi đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của người đang sử dụng" (Điểm đ).
Đại biểu dẫn chứng, tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 9, dự thảo Luật có quy định "Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản".
Như vậy, nếu để phát triển kinh tế xã hội mà nhà nước phải thu hồi đất thương mại, dịch vụ thì người bị thu hồi đất sẽ không được cho thuê đất để tiếp tục kinh doanh nữa mà muốn kinh doanh lại phải đi tìm đất, đấu giá. Nhưng nếu không đấu giá được (mà người khác trúng) thì đương nhiên người bị thu hồi đất phải dừng hoạt động, đóng cửa, sa thải người lao động. Vậy là không bảo đảm quyền tiếp cận đất đai của người đang sử dụng đất, không bảo đảm công bằng trong việc tiếp cận đất đai.
Từ lý do trên, đại biểu Hà Đức Minh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, mở rộng đối tượng cho thuê đất không qua đấu giá đối với trường hợp này để tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc: Thu hồi thì phải bố trí lại để tái sản xuất.
Cũng tại tham luận của mình, đại biểu Hà Đức Minh còn nêu, tại Khoản 5, Điều 73, dự thảo Luật quy định về các căn cứ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, trong đó có nêu "Có biến động về nguồn lực thực hiện quy hoạch, hình thành dự án trọng điểm phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng làm thay đổi định hướng sử dụng đất."
“Nếu quy định như trên thì những địa phương nghèo vốn đã khó khăn trong việc thu hút đầu tư sẽ rất khó điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để tiếp tục thu hút các dự án đầu tư phát sinh sau quy hoạch bởi Luật chỉ điều chỉnh xác định phải là dự án trọng điểm”, đại biểu Hà Đức Minh chỉ rõ”.