Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News

"Cõng" chữ lên non

“Cõng” chữ lên non (3).jpg
418d655610f2c6ac9fe3.jpg

“Sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã Khánh Yên Thượng (Văn Bàn), bố mẹ và các anh chị quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, khi học lên trung học phổ thông, bố mẹ đã động viên em cố gắng học tập, thi đỗ vào trường chuyên nghiệp nào đó để không phải “nối nghiệp” gia đình”, câu chuyện cô giáo Phan Thị Vịnh kể cho tôi bắt đầu như vậy.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, Phan Thị Vịnh đăng ký thi tuyển và đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Tuy nhiên, do gia đình khó khăn, nếu đi học ở Hà Nội sẽ rất tốn kém, thương bố mẹ, Vịnh quyết định rời cổng trường đại học trong sự nuối tiếc của bạn bè để về học gần nhà. Năm 2017, Vịnh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, ngành Giáo dục tiểu học. Tháng 1/2018, cô tham gia thi tuyển viên chức và trúng tuyển, sau đó được phân công về dạy học tại Trường Mầm non và Tiểu học số 2 Nậm Xây (đóng tại thôn Mà Sa Phìn) từ đó đến nay.

“Cõng” chữ lên non (11).jpg

Nhắc đến Mà Sa Phìn - địa danh xa lắc xa lơ, đầy gian khó, nếu ai đã từng đặt chân đến đây một lần sẽ không muốn trở lại. Tuyến đường từ trung tâm xã Nậm Xây lên Mà Sa Phìn chưa đầy 20 km nhưng là thử thách cực đại đối với cả những tay lái chuyên nghiệp, bởi tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, đá “mọc” ngổn ngang trên mặt đường, nhiều đoạn lầy lội phải đổ trấu để chống trơn trượt. Khó khăn là vậy, nhưng đầu tuần đi, cuối tuần về, cô giáo Phan Thị Vịnh vẫn vững vàng vượt qua tuyến đường này dù nắng bụi, mưa phùn gió bấc để “gánh cái chữ” lên non.

9D724CDC-CC17-4994-BD26-74755BA5F646.jpeg

Nói thì dễ nhưng để làm được, cô giáo, đảng viên Phan Thị Vịnh, Tổ phó Tổ chuyên môn khối lớp 1, 2, 3 phải cố gắng rất nhiều. Nhận thấy khả năng tiếp thu của các em còn hạn chế, cô giáo Phan Thị Vịnh đã nghiên cứu, đưa ra một số sáng kiến, như “Một số biện pháp hình thành kỹ năng viết đoạn văn cho học sinh lớp 2C, Trường Mầm non và Tiểu học số 2 Nậm Xây”, “Một số biện pháp phát huy tính tích cực trong học tập cho học sinh lớp 1C và 2C, Trường Mầm non và Tiểu học số 2 Nậm Xây”, “Một số biện pháp rèn kỹ thuật viết chữ đúng cho học sinh lớp 1C, Trường Mầm non và Tiểu học số 2 Nậm Xây”... Các sáng kiến này khi áp dụng vào thực tế đã nâng cao nhận thức, tính tích cực của học sinh, mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác giảng dạy tại vùng cao Nậm Xây.

Với nhiệt huyết, tận tâm với sự nghiệp “trồng người” ở mảnh đất Mà Sa Phìn nghèo khó, xa xôi, cô giáo Phan Thị Vịnh đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, 3 năm học liên tiếp từ 2020 - 2023 được công nhận là Chiến sĩ thi đua cơ sở.

d499f74282e654b80df7.jpg

Cô giáo Lồ Kim Thủy sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Mường Khương - nơi có trên 80% dân cư là người dân tộc thiểu số sinh sống. Ngay từ ngày còn học phổ thông, chứng kiến nhiều em nhỏ trong độ tuổi đi học không được đến trường vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Thủy đã ước mơ trở thành giáo viên. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hùng Vương, chuyên ngành Mầm non, cô được phân công công tác tại Trường Mầm non số 1 thị trấn Mường Khương.

“Cõng” chữ lên non (9).jpg

Nhớ lại những ngày đầu làm cô nuôi dạy trẻ, cô Thủy kể: Tôi được phân công về điểm trường Dê Chú Thàng, tuy chỉ cách trung tâm thị trấn 4 km nhưng toàn bộ là đường đất trơn trượt, dốc lên dốc xuống, không thể đi xe máy mà phải cuốc bộ. Ngày mưa, để đến được trường rất vất vả, cơ cực. Điểm trường Dê Chú Thàng có khoảng 15 học sinh lớp mẫu giáo ghép 2, 3 độ tuổi, 100% là người Mông, học nhờ tại một góc trường tiểu học…

5.jpg

Ngày nào cũng vậy, cô Thủy ra khỏi nhà từ tờ mờ sáng đi nhận thực phẩm cho các em, đến giờ lên lớp dạy học. Dạy học sinh đến giữa buổi, cô xuống bếp nấu cơm chuẩn bị bữa trưa. Giờ ăn, một mình cô xoay như chong chóng, hết bón cơm cho em này lại lấy canh, chia thức ăn cho em kia. Trò ăn xong, cô ăn vội ăn vàng bát cơm, rồi cho các em đi ngủ. Đến khi học sinh ngủ ngon giấc, cô lại lúi húi nơi góc bếp rửa bát, cọ giày dép cho các em. Dọn xong thì cũng đến giờ học buổi chiều. Đánh thức bọn trẻ dậy, rửa mặt cho các con, chải đầu buộc tóc cho các bé gái, rồi dạy các con múa hát, kể chuyện và dạy chữ. Một ngày cứ vậy trôi qua, cô Thủy vừa là cô vừa là mẹ của từng đó em nhỏ.

Hiện tại, cô Thủy đang dạy học tại điểm trường chính với điều kiện thuận lợi hơn. Vì vậy, cô có thời gian và điều kiện để tìm tòi các phương pháp giáo dục mới. Cô Thủy cho biết: Ngay khi nhận lớp, tôi đã lên kế hoạch chi tiết, cụ thể cho các hoạt động, cũng như nắm đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, từ đó phối hợp với giáo viên cùng lớp, cha mẹ các em tìm phương pháp giáo dục phù hợp. Những năm trước, khi dịch Covid-19 phức tạp, trẻ không thể đến trường, tôi đã thiết kế bài giảng, làm video hướng dẫn cha mẹ trẻ dạy con ở nhà để kịp tiến độ chương trình, thậm chí đến tận gia đình khó khăn, không có điều kiện lắp mạng internet để hướng dẫn trực tiếp cho phụ huynh và học sinh.

A356B284-0B35-4B4C-973C-B54058144B2D.jpeg

Nhiệt huyết với nghề, cô giáo Lồ Kim Thủy đã gặt hái nhiều thành công trong giảng dạy, chăm sóc, giáo dục trẻ; nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Cô là 1 trong 2 giáo viên của tỉnh Lào Cai được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023 do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức.

cdef062e738aa5d4fc9b.jpg

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái, chuyên ngành Mỹ thuật, cô giáo Hoàng Thị Thủy, sinh năm 1991, sinh ra và lớn lên ở Yên Bình (Yên Bái) đã bỏ qua cơ hội làm việc ở nơi thuận lợi để lên xã vùng cao Sín Chéng (Si Ma Cai), tiếp tục hiện thực hóa ước mơ trở thành giáo viên từ khi còn nhỏ.

Nói về cô giáo Thủy, các đồng nghiệp tại Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng luôn coi là “người hùng sáng kiến”, bởi cô luôn có nhiều ý tưởng sáng tạo qua những bức bích họa thể hiện tình thầy - trò, tình yêu quê hương, gia đình rất độc đáo, sâu sắc, giàu ý nghĩa, giúp học sinh cảm thấy ở trường cũng như ở nhà, lớp học trở nên gần gũi với học trò.

Không chỉ dừng lại ở sự sáng tạo về trang trí không gian trường, lớp, các đồng nghiệp còn ngưỡng mộ cô Thủy bởi tinh thần cầu thị, luôn tìm tòi những phương pháp giảng dạy khoa học, khơi gợi sự say mê học tập, kích thích sự chủ động, tích cực, sáng tạo để học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vượt qua tự ti chinh phục đỉnh cao tri thức.

“Cõng” chữ lên non (12).jpg

Từ năm 2016 đến nay, cô Thủy hướng dẫn học sinh của trường đoạt nhiều giải cao tại các cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật. Năm 2018, cô đã hướng dẫn 2 học sinh làm mô hình “Rô bốt nông dân” đoạt giải Nhì cấp quốc gia. Năm 2019 và năm 2021, cô hướng dẫn 4 học sinh làm mô hình “Cộng đồng các dân tộc huyện Si Ma Cai” và mô hình “Gia đình em” đều đoạt giải Nhất cấp quốc gia. Từ một ngôi trường bình thường nay trở thành điểm sáng về nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Cô giáo Hoàng Thị Thủy từ năm 2018 đến nay đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh nhiều lần tặng Bằng khen. Mặc dù có nhiều thành tích nhưng cô Thủy luôn khiêm tốn: Tôi xác định, thành tích đạt được chỉ là động lực để tôi và đồng nghiệp tiếp tục cống hiến, tạo ra những sản phẩm giáo dục hoàn thiện hơn, giúp học sinh vùng cao nơi đây chinh phục đỉnh cao tri thức.

9.jpg

Hơn 11 năm công tác ở vùng cao, cô Thủy luôn coi Sín Chéng như quê hương thứ hai. Với cô giáo Hoàng Thị Thủy, hạnh phúc lớn nhất chính là mỗi ngày đến lớp, đứng trên bục giảng truyền dạy kiến thức cho học sinh…

Cô giáo Phan Thị Vịnh, Lồ Kim Thủy, Hoàng Thị Thủy chỉ là 3 trong số rất nhiều giáo viên trong tỉnh đang miệt mài dành tâm sức cho sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao, như lời bài hát “Gieo cái chữ trên non”: Tuổi thanh xuân em dâng trái tim hồng/Đến với bản nghèo gieo cái chữ trên non/Như hoa ban trắng khát khao dâng đời/Cõng theo cái chữ lên ngàn xa xa.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

“Nả” Hương ở Lũng Pô

“Nả” Hương ở Lũng Pô

Sẩm tối, anh Lù Seo Súa mới chân thấp chân cao, tất tả ngược dốc đến điểm Trường Mầm non Lũng Pô đón con gái Lù Ánh Dương về nhà. Thấy bố, cô bé mừng reo hớn hở nhưng vẫn không quên khoanh tay lễ phép chào “nả” Hương, rồi mới ùa ra, gọn trong vòng tay của bố. Có lẽ, với cô giáo Hương, đó là niềm vui và phần thưởng lớn nhất khi gắn bó cả thanh xuân của mình ở vùng đất biên cương.

Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa

Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tổng Bí thư Tô Lâm tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Cán bộ quản lý tâm huyết

Cán bộ quản lý tâm huyết

26 năm công tác, trong đó có 10 năm làm cán bộ quản lý, thầy giáo Đỗ Hải Tùng được biết đến là người luôn tâm huyết với công việc.

Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Vững chuyên môn, hòa đồng, giản dị, đó là nhận xét của Ban Giám đốc, đồng nghiệp và học sinh tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh về cô giáo Chử Thanh Tâm.

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh giành giải Nhất vòng loại Cuộc thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy cho học sinh khu vực Tây Bắc

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh giành giải Nhất vòng loại Cuộc thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy cho học sinh khu vực Tây Bắc

Sáng 12/11, tại thành phố Lào Cai, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai tổ chức vòng loại Cuộc thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy cho học sinh khu vực Tây Bắc năm 2024.

fbytzltw