![z6310490073383-21ed3cb5a0b874bedd13ae236f09862b.jpg](https://cdn.baolaocai.vn/images/b81bdff0947110d1fa28fa9c9efd3860dae815af6a159f6cd3e50f46f891bf1361e61bfbc4a0f815dc3b64cb4689a94c19972086898da3cb0c4023c6a8d8a0330a5778354b7c90bfecef25048016ac11/z6310490073383-21ed3cb5a0b874bedd13ae236f09862b.jpg)
Tôi biết đến hương vị trà Bản Liền có dễ đến hơn chục năm rồi. Lần đầu đặt chân đến mảnh đất Bản Liền, tôi nghĩ, người dân nơi này chắc không mặn mà với cây chè, nên để những đồi chè mọc thưa thớt, không chăm sóc, cây thì lêu ngêu, lá để già, lác đác mới thấy có cây có vài búp non. Không nói ngoa, thoạt nhìn như đồi chè “hoang”. Khác với suy nghĩ trước khi đến Bản Liền của tôi là sẽ thấy những đồi chè đốn thẳng tắp, hàng lối ngay ngắn như vốn dĩ ở những nơi canh tác chè đều vậy. Tò mò với mục sở thị của mình, tôi “lân la” câu chuyện với bà con người Tày mới vỡ lẽ… vì hướng đến mục tiêu canh tác và chế biến ra sản phẩm trà hữu cơ, nên cây chè không xanh tốt búp non mơn mởn như những vùng trà khác.
Bà con người Tày Bản Liền nói vui, trà ở đây chỉ “uống nắng, ngậm sương và hít thở tinh khí của trời đất” để ra búp thôi. Nhưng mà, ra búp nào là ngọt thơm, chất lượng búp đó, cho ra thứ trà ngon, thức uống an toàn cho sức khỏe… Lần này, tôi gặp Vàng A Bình, khi anh đang tất bật dán tem cho những ống trà lam để gửi đi cho khách hàng làm quà Tết Nguyên đán Xuân Ất Tỵ. Bên bếp lửa ấm, Bình nhanh tay đun nước rồi pha trà mời chúng tôi “thẩm” đặc sản trà lam gác bếp Bản Liền.
![Vàng A Bình vừa làm du lịch, vừa duy trì làm trà lam ống nứa gác bếp trong mấy năm gần đây. z6310549884413-2d58c682bbb0ebe78f0672ee6c294ce0.jpg](https://cdn.baolaocai.vn/images/b81bdff0947110d1fa28fa9c9efd3860556ec322bf58395be63d7986ec8d5652820dfed448fc968f23cc3fc0b703936a7835078b4294179022942705e7cb8df9749dbe87183cc86cf77ad5b0d84a27c0/z6310549884413-2d58c682bbb0ebe78f0672ee6c294ce0.jpg)
Vừa rót trà ra chén, Bình bảo: Tôi lớn lên đã thấy bố, thấy ông nội, ông ngoại và người lớn trong bản đều lam trà như thế này rồi. Từ bé, tôi đã theo mẹ lên nương hái búp chè về lam. Không chỉ ở những nương chè thấp, tôi còn được xem người lớn treo lên những cây chè cổ thụ để hái búp chè và lá chè về sao tay. Cách sao trà thủ công bằng chảo gang, rồi cho vào ống nứa lam trên gác bếp Bình được bố, được ông bà chỉ dạy, nên tôi biết làm. Thế nhưng, trước đây, những mẻ trà sao tay rồi lam trong ống nứa cũng chỉ để uống trong gia đình. Vụ chè xuân, hái được nhiều búp, thì sẽ lam trà và để dành đến Tết mới đem ra uống và mời khách thưởng trà khi đến chơi nhà.
Vàng A Bình vừa làm du lịch, vừa duy trì làm trà lam ống nứa gác bếp trong mấy năm gần đây. Sản phẩm trà của Bình cũng đã tham gia triển lãm tại các hội chợ thương mại và được ghi nhận tại các cuộc thi sáng tạo thanh niên khởi nghiệp. Mỗi vụ trà, Bình cũng đã làm ra hàng nghìn ống trà lam để bán cho du khách gần xa. Giá bán mỗi ống trà lam 150 nghìn đồng/ống trà (300 gram), đem lại nguồn thu nhập chính đáng cho gia đình.
Không phải bây giờ mọi người mới biết đến, bởi từ lâu trà Bản Liền đã có danh tiếng khi là sản phẩm trà hữu cơ vượt được qua những tiêu chuẩn khắt khe để bước chân vào thị trường khó tính bậc nhất Châu Âu. Trà Bản Liền có tên trên bản đồ trà thế giới, cũng là sản phẩm trà duy nhất của Lào Cai đã đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 5 sao cấp tỉnh.
![z6310389903290-6fbc3b1af3b5cbecc48611e5f662bfb0.jpg](https://cdn.baolaocai.vn/images/b81bdff0947110d1fa28fa9c9efd3860b42cfd4edc30d35c529f09f206e18d09b61a637d4f2f4b91fdd6285a03c2df4786f6dd9ae45686b9b69a7047411cdecb0a2e5cdba005f7ae97b81c0cfec9cc82/z6310389903290-6fbc3b1af3b5cbecc48611e5f662bfb0.jpg)
Hơn 20 năm qua, kể từ khi thành lập Hợp tác xã Chè Bản Liền cho đến nay, toàn bộ chè của người dân làm ra đều được bao tiêu sản phẩm. Từ hơn 100 thành viên ban đầu, đến nay đã có 310 hộ liên kết trồng chè và bán chè búp tươi cho Hợp tác xã Chè Bản Liền. Các hộ sản xuất chè đều có mã số, ghi chép và chứng nhận sản xuất chè hữu cơ, canh tác tự nhiên không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt, bà con Bản Liền tuân thủ đầy đủ 25 tiêu chuẩn nghiêm ngặt do các tổ chức quốc tế quy định trong canh tác, chế biến các sản phẩm trà. Hiện tại, sản phẩm trà bánh của Bản Liền là sản phẩm duy nhất xuất khẩu sang châu Âu để sử dụng trong ngành thực phẩm, mỹ phẩm.
Song hành với thương hiệu trà hữu cơ, các sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ sao thủ công, trà lam gác bếp, giờ đây người Tày ở Bản Liền đã học hỏi và tạo ra nhiều sản phẩm trà, thêm lựa chọn cho người yêu trà, nhưng cũng là cách có thêm nguồn thu từ những đồi chè Shan tuyết.
![Người Tày Bản Liền thu hái nụ chè, hoa chè và sấy khô để làm trà hoa khô làm nên một sản phẩm trà cũng rất đặc trưng, được nhiều người sành trà ưa chuộng. len-ban-lien-vao-mua-hoa-che-shan-tuyet-no-moi-nguoi-se-duoc-thuong-thuc-tra-hoa.jpg](https://cdn.baolaocai.vn/images/b81bdff0947110d1fa28fa9c9efd3860ec2f99459256ff0d2600d25ded19d64421c12001c6e3cbdea099a20d0510e70e3a057cbf5a73f43f2b08a040d7337563dda00a8373adc98f7edaf7fb3c5253ef90c2bbdd23f45ec8e29103d971506f6283ff05691589ebb0c710ef0a670e895f/len-ban-lien-vao-mua-hoa-che-shan-tuyet-no-moi-nguoi-se-duoc-thuong-thuc-tra-hoa.jpg)
Đến Bản Liền vào mùa hoa chè, người thích uống trà hoặc du khách nghỉ dưỡng tại các homestay sẽ được gia chủ mời uống một thứ trà mang hương vị rất riêng, đó là những cốc trà được pha từ những bông chè, nụ chè hái từ trên những cây chè Shan tuyết cổ thụ đang vào vụ nở hoa. Mùi thơm dịu nhẹ, vị ngọt của trà hoa tươi đầy cuốn hút, rất dễ bị mê hoặc dù là lần đầu thưởng thức.
Chị Vàng Thị Thông cười bảo: Mùa hoa chè Shan tuyết, ai đến Bản Liền đều được những gia đình người Tày nơi đây mời uống trà hoa Shan tuyết tươi. Cũng chỉ có mùa hoa mới được thưởng thức thêm một thứ trà ngon từ những cây chè Shan tuyết canh tác theo phương thức hữu cơ ở Bản Liền.
Với hương thơm nhẹ nhàng từ hoa chè Shan tuyết và vị ngọt thanh tự nhiên, trà hoa tươi thích hợp để tạo nên gu thưởng trà tinh tế của phụ nữ hiện đại. Trà hoa tươi không chỉ là thức uống thư giãn mà còn mang lại lợi ích tuyệt vời như: thanh lọc cơ thể, giữ gìn vóc dáng…,
![Trà hoa tươi. tra-hoa-tuoi-khong-chi-la-thuc-uong-thu-gian-ma-con-mang-lai-loi-ich-tuyet-voi-nhu-thanh-loc-co-the-giu-gin-voc-dang.jpg](https://cdn.baolaocai.vn/images/b81bdff0947110d1fa28fa9c9efd38603ab9842d0a5177a4dd382319a74a2f74eebe9b1811e9fb1d3352f4fa0f4a776f9bf876ac3ba47b6e503b41f27c8d9b3206cb8e00afb0bcad6c653b42b98d78f811f35b49709a7c28b2d354dffadcb4ee8a4975e85f77859505f2d8c518cb55d1224ae7a3bc30223c7abc9a65258a22d534d595f975b2514b64ede01c47de037e8c91794c3be7daf08be5fcc2acf4587b/tra-hoa-tuoi-khong-chi-la-thuc-uong-thu-gian-ma-con-mang-lai-loi-ich-tuyet-voi-nhu-thanh-loc-co-the-giu-gin-voc-dang.jpg)
Thú vị hơn, bà con người Tày đã học cách chế biến lá chè già cho ra một thức uống mới từ chè Shan tuyết cổ thụ. Chẳng là, từ trước tới nay, cứ vào mùa đông, búp chè ngừng phát triển, người trồng chè ở Bản Liền thường đối mới với thời kỳ thu nhập bấp bênh. Bởi lúc này, những chiếc lá chè già, còn gọi là lá chè trưởng thành, thường bị bỏ qua trong quá trình chế biến. Tuy nhiên, từ sự hỗ trợ của dự án KisStartup, người dân Bản Liền đã ứng dụng công nghệ chế biến lá chè trưởng thành, giảm vị chát tự nhiên, giữ trọn dưỡng chất và cho ra đời trà Shan tuyết khử chát - sản phẩm mang dấu ấn đặc biệt của Bản Liền.
Anh Lâm A Nâng, thôn Đội 3, xã Bản Liền chia sẻ: Cây chè Shan tuyết cổ thụ đã gắn bó với người dân Bản Liền hàng trăm năm qua. Người dân thường thu hái búp chè để chế biến trà từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch. Thế nhưng, từ tháng 10 âm lịch, bước vào mùa đông lạnh giá, búp chè ngừng phát triển, những chiếc lá chè già trên cây, vốn chỉ được coi là phế phẩm, không mang lại giá trị kinh tế, thường bị bỏ đi. May mắn thay, tham gia dự án KisStartup, tôi đã học được cách tận dụng lá chè già, áp dụng công nghệ mới, làm giảm vị chát tự nhiên trong lá chè, đồng thời giữ lại toàn bộ dưỡng chất quý giá.
![Những chiếc lá chè già giờ đây được chế biến thành các sản phẩm độc đáo như bột trà, lá trà khô, gối thảo mộc. 20230415-104203.jpg](https://cdn.baolaocai.vn/images/b81bdff0947110d1fa28fa9c9efd3860fa3b3b986ea7dbfd9496c1a205e6ca878f5ba2e4ecf491345b33fcd189ca4749/20230415-104203.jpg)
Những chiếc lá chè già giờ đây được chế biến thành các sản phẩm độc đáo như bột trà, lá trà khô, gối thảo mộc. Điều này không chỉ mang lại thu nhập cho bà con vào mùa đông mà còn giúp khai thác tối đa giá trị của cây chè Shan tuyết. Theo đánh giá từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Hà, hướng đi mới này không chỉ là bước tiến cho kinh tế địa phương mà còn giúp bảo tồn cây chè cổ thụ, gìn giữ một phần bản sắc của Bản Liền. Những chiếc lá chè trưởng thành đã thực sự chuyển mình đầy tiềm năng. Bà con trồng chè sẽ không phải lo lắng về mùa đông không có thu nhập, thay vào đó là niềm vui từ giá trị bền vững mà cây chè mang lại. Hành trình khám phá giá trị của lá chè già không chỉ là cách nâng cao thu nhập mà còn là niềm tự hào khi lưu giữ hương vị bền vững cho tương lai.
Chúng tôi chia tay Bản Liền khi mùa xuân đã về trên khắp nương chè. Anh Vàng A Bình, chị Vàng Thị Thông, anh Lâm A Nâng và nhiều bà con Bản Liền nữa đang chuẩn bị bước vào vụ thu hái chè xuân, với mong muốn mang đến cho mọi nhà những ấm trà ngon và khát vọng bảo tồn, phát triển vùng chè Shan tuyết cổ thụ bền vững. Hành trang mang về phố đơn giản là những ấm trà Shan tuyết hữu cơ trên nương núi Bản Liền để uống trong dịp Tết...