Do diện tích rừng lớn, phân bố không tập trung, địa hình chia cắt, hiểm trở, phức tạp, hạ tầng còn chưa đồng bộ; các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp thường xảy ra ở địa bàn đặc thù (rừng núi, vùng xa, địa bàn giáp ranh nhiều huyện, nhiều tỉnh) trong khi lực lượng bảo vệ rừng nói chung còn mỏng, bình quân một công chức kiểm lâm phải bảo vệ 2.000 - 3.000 ha rừng… đã gây khó khăn, áp lực đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Trước thực tế đó, ngành kiểm lâm tỉnh xác định đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các phần mềm và thiết bị hiện đại để cập nhật chính xác những thay đổi bất thường, biến động về rừng và đất lâm nghiệp; phát hiện sớm các điểm cháy để kịp thời ngăn chặn.
Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phục vụ công tác quản lý tài nguyên rừng. Đó là phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh; phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng; phần mềm bản đồ FRMS để cập nhật theo dõi diễn biến rừng; phần mềm Smartphone giúp kiểm lâm tuần tra, kiểm tra, quản lý đến từng lô rừng một cách hiệu quả.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã đầu tư trang bị cho mỗi kiểm lâm địa bàn 1 máy tính bảng/điện thoại thông minh có cài ứng dụng bản quyền (vTools) để hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng. Năm 2024, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã đầu tư 12 biển cấp dự báo cháy rừng tự động, 13 thiết bị bay không người lái (Flycam).
Ông Nguyễn Việt Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định: Lào Cai là một trong những tỉnh đi đầu về đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng.
Có thể kể đến việc sử dụng phần mềm bản đồ trên Smartphone giúp kiểm lâm địa bàn tuần tra, kiểm tra, quản lý đến từng lô rừng một cách hiệu quả nhất. Hoặc ứng dụng phần mềm FRMS trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, sử dụng ảnh vệ tinh giúp cập nhật chính xác, kịp thời những biến động về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn (hằng năm cập nhật trên 20.000 ha rừng và đất lâm nghiệp có thay đổi); kịp thời phát hiện những khu vực bị mất rừng để xác định nguyên nhân, ngăn chặn, xử lý theo quy định (6 tháng đầu năm 2024 đã phát hiện, xử lý 86 vụ); các điểm cháy được phát hiện sớm, kịp thời hạn chế thiệt hại do cháy gây ra.
Ông Trần Văn Hùng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát cho biết: Huyện Bát Xát có hơn 61.000 ha rừng, trong đó có hơn 56.000 ha rừng tự nhiên, trải dài trên địa bàn 21 xã, thị trấn. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đơn vị đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng nhiều phần mềm vào hoạt động nghiệp vụ, trong đó có phần mềm FRMS desktop, FRMS Mobile và đang tiếp tục triển khai phần mềm FRMS 4.0.1.
“Việc sử dụng phần mềm FRMS cho độ chính xác cao do sử dụng ảnh vệ tinh và công nghệ giải đoán hình ảnh, phản ánh hiện trường tin cậy. Đặc biệt, phần mềm FRMS cho phép tích hợp và sử dụng song song kết quả, số liệu của các phần mềm khác. Quan trọng hơn cả, phần mềm FMRS giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực và chính xác hơn so với sử dụng phương pháp thủ công như trước để cập nhật diễn biến rừng do phải dùng bản đồ giấy, đo vẽ, xác định vị trí hoàn toàn bằng thủ công nên độ chính xác không cao”, ông Trần Văn Hùng khẳng định.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng các phần mềm quản lý, bản đồ số lâm nghiệp… sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý và phát triển sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống internet, các phần mềm chuyên ngành, ứng dụng công nghệ GIS nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và nhiệm vụ chuyên môn được giao; tập trung ứng dụng ảnh vệ tinh, công nghệ viễn thám để hoàn thành công tác điều tra kiểm kê rừng giai đoạn 2024 - 2025. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ trong toàn lực lượng sử dụng thành thạo các phần mềm, thiết bị công nghệ cao được trang bị.
Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng để đánh giá hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số và áp dụng công nghệ vào hoạt động, bởi thiết bị, công nghệ có hiện đại như thế nào nhưng năng lực của người vận hành, sử dụng hạn chế thì sẽ không phát huy được.