Dự đại hội có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Văn Bàn và 150 đại biểu đại diện cho hơn 81.000 đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Giai đoạn 2019 – 2024, có 5 chính sách lớn về công tác dân tộc được triển khai tại huyện Văn Bàn, với tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp hàng trăm tỷ đồng. Trong đó: hỗ trợ phát triển sản xuất 5,8 tỷ đồng; bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc dân tộc 2,9 tỷ đồng; xây dựng cơ sở hạ tầng 7,4 tỷ đồng... Qua đó góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển chung của huyện và các chương trình mục tiêu quốc gia; diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn chỉnh; thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên.
Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện theo chuẩn nghèo đa chiều đạt 5,09%; hệ thống điện chiếu sáng, đường giao thông, trường học, trạm y tế được đầu tư kiên cố.
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường ghi nhận, biểu dương những kết quả huyện Văn Bàn đạt được trong công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc thời gian qua.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, trong giai đoạn 2024 – 2029, Văn Bàn tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, địa phương; tập trung thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025....
Đại hội đã thảo luận làm rõ những kết quả cũng như hạn chế trong công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc; biểu dương, khen thưởng 11 tập thể, 26 cá nhân tiêu biểu trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; bầu 23 đại biểu đi dự đại hội cấp trên.
Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, đại hội đã thông qua quyết tâm thư thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2024 – 2029, với mục tiêu: tiếp tục triển khai có hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; không còn thôn đặc biệt khó khăn; phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số theo hướng đảm bảo số lượng theo tỷ lệ được giao, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, nhất là đội ngũ cán bộ nữ; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo an ninh, quốc phòng...