Sau khi thu hoạch lúa mùa, nông dân các địa phương trong tỉnh đã tích trữ rơm rạ, gieo trồng ngô mật độ dày, trồng cỏ... đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông.
Với đặc trưng địa hình núi cao, thời tiết khắc nghiệt gây bất lợi cho việc chăn thả và nguồn thức ăn xanh trong tự nhiên khan hiếm, từ giữa tháng 9, nông dân các địa phương trong tỉnh đã chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc.
Gặt xong, gia đình ông Giàng A Làn, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai đã mang lúa về nhà tuốt để lấy rơm tích trữ. Ông Làn cho biết: Với 5 con trâu, gia đình tôi phải dự trữ khoảng 1 tấn rơm khô cho đàn trâu. Trước khi tích trữ, chúng tôi phải phơi rơm thật khô, sau đó gác lên mái chuồng và che chắn cẩn thận để rơm không bị ướt, ẩm mốc. Ngoài rơm khô, tôi cũng chuẩn bị 3 tạ ngô hạt để bổ sung thức ăn tinh, giúp đảm bảo sức khỏe cho trâu trong những ngày rét đậm, rét hại.
Không chỉ gia đình anh ông Làn, hầu hết gia đình nuôi gia súc (trâu, bò, ngựa…) ở các địa phương vùng cao như thị xã Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương… cũng rất chủ động trong việc tích trữ rơm, rạ, thức ăn xanh, thức ăn tinh cho đàn gia súc vượt qua mùa đông giá rét.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có hơn 160 nghìn con đại gia súc (trâu, bò, ngựa…). Từ đầu tháng 9, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi dự trữ thức ăn thô, xanh thức ăn tinh; vận động người dân tận dụng đất để gieo ngô mật độ dày, trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông.
Việc chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển tổng đàn gia súc, ổn định kinh tế cho người dân, giảm tỷ lệ gia súc chết do đói, rét trong mùa đông.