Về phía ta: 2 giờ ngày 2/5, Trung đoàn 209 tiêu diệt hoàn toàn hai cứ điểm 505 và 505A, chấm dứt sự tồn tại của trung tâm đề kháng Dominique. Trên cánh đồng phía Tây, trận đánh tiêu diệt cứ điểm 811A của Trung đoàn 88 diễn ra rất nhanh chóng. Chiến thuật đánh lấn tiếp tục được phát huy. Với những đường hào đã đào xuyên qua hàng rào cứ điểm, bộ đội ta bất thần tổ chức xung phong. Toàn bộ Đại đội Âu Phi vừa tới thay quân để tăng cường phòng thủ cứ điểm này, bị diệt gọn trong vòng chưa đầy 80 phút.
Tại Hồng Cúm, trận vây ép đánh lấn khu C của Trung đoàn 57 đã tiêu hao nhiều binh lực địch, nên sáng 2/5, địch phải rút chạy khỏi đây. Những đường hào thọc sâu của bộ đội ta trên cánh đồng phía Tây, đều nhắm thẳng về phía Sở chỉ huy De Castries. Tập đoàn cứ điểm đã bị dồn lại trong cái "ô vuông" cuối cùng.
Về phía địch: Ngày 2/5, Navarre vội vã từ Sài Gòn bay ra Hà Nội. Navarre triệu tập họp khẩn cấp bàn cách cứu vãn tình thế. Dự họp có Navarre, Cogny và những sĩ quan thuộc lực lượng lục quân ở chiến trường Bắc Việt Nam. Cuộc chiến ở Điện Biên Phủ đã kéo dài 50 ngày đêm. Không biết lúc này Navarre đã nhận ra sai lầm lớn nhất của mình là đã phân tán hầu hết lực lượng cơ động tập trung tại Đồng bằng sông Hồng trước khi trận đánh bắt đầu. Ngoài những tiểu đoàn tinh nhuệ đưa lên Tây Bắc, 3 binh đoàn cơ động của Bắc Bộ vẫn bị cầm chân ở Trung Lào. Suốt thời gian qua, những mưu toan cứu nguy cho Điện Biên Phủ đều không thể thực hiện vì thiếu lực lượng, đặc biệt là lực lượng nhảy dù và không quân. Nếu ném những tiểu đoàn dù ít ỏi vào những cuộc hành binh giải tỏa thì không còn lực lượng tăng viện để duy trì cuộc sống của tập đoàn cứ điểm. Nếu huy động không quân vào những cuộc hành binh Xenophon, Condor thì không còn lực lượng yểm trợ, tiếp tế hằng ngày cho Điện Biên Phủ. Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đi vào thời điểm quyết định khi Navarre chỉ còn trong tay một tiểu đoàn dù.
Hội nghị Geneva đã khai mạc, nhưng còn bàn về vấn đề Triều Tiên. Đại diện của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa chưa có mặt. Hy vọng cuối cùng của Pháp lúc này là đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Điện Biên Phủ.
Nhưng muốn được như vậy, ít nhất "con nhím" Điện Biên Phủ phải có thêm thời gian. Chính phủ Pháp hoàn toàn không muốn thấy một cuộc đầu hàng ở Điện Biên Phủ. Những bức điện của De Castries và Langlais mới gửi về đều mang những lời lẽ gay gắt và tuyệt vọng. Số phận của Điện Biên Phủ chỉ còn tính từng ngày. Có thể ngay ngày mai nếu không có quân tiếp viện. Cogny một lần nữa lại đưa ra ý kiến mở một cuộc hành binh đánh vào sau lưng đối phương. Đây chỉ là sự suy nghĩ thiển cận.
Lấy đâu ra lực lượng để mở một cuộc hành binh như vậy lúc này. Tất cả các binh đoàn cơ động đang sa lầy ở Đồng bằng Bắc Bộ, ở Trung Lào, ở miền Trung. Muốn điều động chúng cũng không còn thời gian. Và làm cách nào tiếp tế đạn dược, lương thực cho một cuộc hành binh mới trong lúc toàn bộ lực lượng không quân vận tải với cả những máy bay hạng nặng của Mỹ đã không thể bảo đảm những yêu cầu khẩn thiết của riêng Điện Biên Phủ.
Navarre tuyên bố: "Không cần phải tiếp tục cuộc chiến ở Điện Biên Phủ. Navarre quyết định tiến hành một cuộc hành binh phá vây khác với những kế hoạch rút chạy lần trước (Xenophon huy động 15 tiểu đoàn, Condor huy động 7 tiểu đoàn), cuộc hành binh phá vây mang bí danh Albatros (Hải âu lớn) lần này chỉ dựa vào bản thân lực lượng đồn trú tại Điện Biên Phủ với sự hỗ trợ tạo một hành lang của một lực lượng biệt kích địa phương nhỏ ở Lào. Navarre cho rằng cuộc hành binh có thể thực hiện trong hai hoặc ba ngày bằng sức mạnh, hoặc bí mật, khôn khéo, vì Việt Minh không có phương tiện hậu cần ở Lào, phải 24 giờ sau mới có thể đối phó". Navarre quyết định bỏ lại thương binh và sĩ quan quân y, vì tin chắc là họ sẽ được Việt Minh trao trả. Do tính chất của cuộc hành binh như vậy nên nó được trao cho De Castries tự mình vạch ra kế hoạch.
Navarre đồng ý với Cogny tăng viện thêm cho Điện Biên Phủ một tiểu đoàn dù. Đây là tiểu đoàn dù cuối cùng. Từ trước tới nay Navarre vẫn sử dụng lực lượng này rất dè dặt, theo nguyên tắc không hy sinh vô ích một tiểu đoàn nào. Nhưng lần này Navarre nhận thấy muốn phá vây con nhím Điện Biên Phủ phải được tăng thêm sức mạnh.
(lược trích)
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.
2. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
3. Chiến dịch Điện Biên Phủ - Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.
4. Điện Biên Phủ - nhìn từ hai phía, Nxb Thanh Niên, 2004.
5. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.