
'Tông thẳng vào!' – Mệnh lệnh giữa thời khắc lịch sử
Trưa 30/4/1975, kíp xe tăng mang số hiệu 390, thuộc Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2, nhận lệnh tiến vào Dinh Độc Lập - cứ điểm cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Trên xe lúc đó có bốn người: Trưởng xe Vũ Đăng Toàn, pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng và lái xe Nguyễn Văn Tập.
“Lúc đó, xe tăng 843 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận đi trước đã rẽ trái tiếp cận cổng phụ. Xe chúng tôi từ đường Lê Duẩn áp sát cổng chính. Lái xe Nguyễn Văn Tập quay sang hỏi tôi: ‘Thế nào anh?’. Tôi ra lệnh dứt khoát: ‘Chú tông thẳng vào!’”, ông Vũ Đăng Toàn nhớ lại.
Tiếng động cơ gầm lên, chiếc xe tăng 390 không do dự húc tung cánh cổng sắt Dinh Độc Lập, ghi dấu bước chân đầu tiên của quân Giải phóng vào trung tâm đầu não chế độ cũ. Cùng thời điểm ấy, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận, người mang theo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, cũng vừa chạy tới. Biết rằng lá cờ được cắm trên nóc Dinh chính là biểu tượng chiến thắng, ông Toàn vội nhảy khỏi xe, cầm theo khẩu AK yểm trợ cho ông Thận thực hiện nhiệm vụ trên.

“Hai anh em chúng tôi cứ thế lao thẳng vào Dinh. Không ai nghĩ đến chuyện sẽ bị bắn. Chúng tôi chỉ muốn cắm được lá cờ thật nhanh để báo hiệu chiến thắng, để đồng bào và đồng đội không còn phải đổ máu nữa!”, ông Toàn xúc động kể lại.
Cùng chung ký ức hào hùng, ông Nguyễn Văn Tập - người lái xe tăng 390, chia sẻ: “Không dễ gì để xe tăng của chúng ta tiến được đến cổng Dinh Độc Lập. Trước đó, biết bao chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống để mở đường cho chúng tôi có mặt tại thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975”.
Ký ức không thể phai
Khi xe tăng tiến vào bên trong Dinh Độc Lập, người đầu tiên ông Toàn gặp là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. “Ông ấy thông báo Tổng thống vẫn còn ở lại và mời chúng tôi lên làm việc”, ông Toàn kể lại.
“Trong phòng nội các, khoảng 60 người lặng lẽ ngồi chờ. Họ rất lo sợ khi thấy chúng tôi bước vào, người cầm súng, người mặc quân phục, nhưng không ai nổ súng. Chúng tôi chỉ giữ trật tự, chờ chỉ huy cấp trên đến để làm việc với Tổng thống Dương Văn Minh. Đó là khoảnh khắc chuyển giao đầy xúc động: Chấm dứt một cuộc chiến, mở ra kỷ nguyên hòa bình và thống nhất đất nước”, ông Toàn bồi hồi nhớ lại.
Lẽ ra trong lần gặp mặt kỷ niệm 50 năm thống nhất năm nay, cả bốn người lính xe tăng 390 sẽ lại có mặt trước Dinh Độc Lập như năm nào. Thế nhưng, pháo thủ Lê Văn Phượng đã không còn kịp chờ đến ngày ấy. “Chuyến đi lần này chỉ còn lại ba người chúng tôi. Thiếu anh Phượng, thấy trống vắng lắm”, ông Ngô Sỹ Nguyên nghẹn ngào.

Sau chiến tranh, ba người lính xe tăng 390 còn lại sống ở ba nơi khác nhau, nhưng mỗi dịp 30/4, họ lại cố gắng hội ngộ, cùng nhau ôn lại ký ức một thời hoa lửa. “Chiến tranh mang đến nhiều mất mát, nhưng cũng cho chúng tôi những người anh em - tuy không cùng mẹ sinh ra nhưng có thể giỗ cùng ngày. Trong thời chiến, chúng tôi đã từng kề vai sát cánh qua nhiều trận đánh ác liệt, vẫn lạc quan sống và chiến đấu. Suốt 50 năm qua, chúng tôi chứng kiến con cháu trưởng thành, chia sẻ cả những niềm vui lẫn nỗi buồn. Tình đồng đội ấy gắn bó keo sơn, không chỉ trong chiến tranh mà cả thời bình”, ông Ngô Sỹ Nguyên chia sẻ.
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ thời khắc chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, những người lính năm xưa nay tóc đã bạc, dáng đi chậm rãi, nhưng ánh mắt vẫn sáng lên mỗi khi nhắc về ngày lịch sử ấy. Ông Vũ Đăng Toàn xúc động nói: “Chúng tôi đã giành lại Tổ quốc bằng biết bao xương máu của đồng bào, đồng chí. Mong thế hệ trẻ hôm nay biết giữ gìn, phát triển đất nước để xứng đáng với tầm vóc của những người đã ngã xuống”.
Chính sự hiện diện của những cựu binh xe tăng 390 tại Hội trường Thống Nhất - Di tích lịch sử Dinh Độc Lập trong những ngày tháng Tư này là minh chứng sống động cho sự hy sinh, tinh thần yêu nước và một khát vọng không đổi: Đất nước mãi mãi độc lập, hòa bình và phát triển.
Trong không khí xúc động và thân tình, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chia sẻ: “Trưa 30/4/1975, hình ảnh xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập, lá cờ chiến thắng tung bay và những người lính lặng lẽ giữ trật tự bên trong tòa nhà ấy đã trở thành biểu tượng khép lại chiến tranh, mở ra hòa bình. Hôm nay, câu chuyện từ họ vẫn tiếp tục truyền lửa, tiếp nối tinh thần một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của thế hệ cha anh”.