Các đồng chí: Trần Sỹ Pha, Trưởng Ban Công tác Xã hội - Quản lý thảm họa (Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam), Giám đốc Dự án; Vũ Viết Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Giám đốc Dự án tỉnh Lào Cai chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có lãnh đạo Văn phòng Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; lãnh đạo thành viên Ban Điều hành dự án Trung ương Hội; lãnh đạo Hội Chữ Thập đỏ các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Đắk Nông; lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai; Thường trực Thành ủy Lào Cai, UBND huyện Bảo Thắng; lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ một số địa phương tại Lào Cai hưởng lợi dự án.
Dự án “Viện trợ quốc tế khẩn cấp để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau lũ quét năm 2023” do Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ, triển khai từ cuối tháng 8/2023 đến nay cho 4 tỉnh: Đắk Nông, Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái. Tổng nguồn lực thực hiện hơn 9,3 tỷ đồng.
Sau gần 7 tháng triển khai, dự án đã hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho hơn 38 nghìn người tại 4 tỉnh; tổ chức 18 buổi cấp tiền mặt cho 6.025 người để mua lương thực, thực phẩm thiết yếu; cấp tiền cho 100 gia đình để sửa nhà, tổng trị giá 1,5 tỷ đồng; cấp tiền tạo điều kiện phục hồi sinh kế cho 330 hộ; cấp bồn nhựa dung tích 1.500 lít cho 150 hộ... Bên cạnh đó, hàng nghìn hộ được thông tin, chia sẻ kiến thức về nước sạch; xây nhà, phòng chống dịch bệnh trong tình huống khẩn cấp và phục hồi sinh kế dựa vào thiên nhiên.
Tại tỉnh Lào Cai, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã lựa chọn các xã Bản Cầm (huyện Bảo Thắng) và 3 xã Cam Đường, Cốc San, Tả Phời (thành phố Lào Cai) để triển khai dự án. Ban Điều hành dự án tỉnh phối hợp với Bưu điện huyện Bảo Thắng, Bưu điện thành phố Lào Cai tổ chức 8 buổi cấp phát tiền có điều kiện và không điều kiện cho 420 gia đình tại 4 xã, tổng trị giá hơn 1,4 tỷ đồng.
Tại hội nghị, lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ, Ban Điều hành dự án các tỉnh đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trong quá trình thực hiện. Đồng thời, đại biểu đã nêu, phân tích những khó khăn trong quá trình triển khai và vướng mắc về thủ tục hành chính, công tác đảm bảo tiến độ khi giải ngân các nguồn lực nằm trong dự án.
Tỉnh Lào Cai: Ban Điều hành dự án tỉnh tổ chức 25 cuộc đối thoại trực tiếp với các hộ tại 35 thôn hưởng lợi, khuyến khích người dân đặt những vấn đề quan tâm, trao đổi để hiểu hơn về ý nghĩa của dự án. Đối với truyền thông nước sạch, môi trường, Ban Điều hành trực tiếp giám sát, hỗ trợ 24 thôn hưởng lợi... Đội ngũ cán bộ thực hiện dự án bám chắc cơ sở, đi sâu vào thực tế để dự án được triển khai hiệu quả.
Tỉnh Lai Châu: Địa phương xác định dự án là nhiệm vụ trọng tâm công tác hội năm 2023. Quá trình triển khai xác định vướng mắc ở đâu thì đối thoại, tháo gỡ đến đấy; cần phải vận động, phát huy tốt vai trò đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín để tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, đồng thời để dự án được triển khai sâu rộng.
Tỉnh Yên Bái: Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Ban Điều hành dự án tổ chức nắm bắt thông tin xuất phát từ nhu cầu của người dân nhằm kịp thời khắc phục khó khăn, tạo sinh kế phục hồi sản xuất. Đồng thời, bày tỏ mong muốn Trung ương Hội tiếp tục nghiên cứu triển khai các dự án ứng phó với sự cố khẩn cấp, không chỉ hỗ trợ người dân mà còn tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ làm công tác chữ thập đỏ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Tỉnh Đắk Nông: Có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với Ban Điều hành dự án tỉnh và Hội Chữ thập đỏ các cấp để dự án được triển khai thuận lợi. Tỉnh Đắk Nông triển khai nhiều giải pháp trong công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí để lan tỏa thông tin dự án; tổ chức sự kiện truyền thông. Việc triển khai dự án bảo đảm chặt chẽ, khoa học để tất cả nguồn tiền trực tiếp đến tay người dân.
Để dự án đi đến thành công, đồng chí Trần Sỹ Pha, Trưởng Ban Công tác Xã hội - Quản lý thảm họa (Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) đề nghị Hội Chữ thập đỏ các tỉnh trong thời gian tới xây dựng kế hoạch hành động, bám sát kế hoạch của Trung ương Hội, đồng thời sắp xếp phù hợp với các hoạt động của địa phương nhằm tăng tính hiệu của của dự án kết hợp với các hoạt động của phong trào; phát huy hơn nữa công tác phối hợp nhằm tăng hiệu quả của dự án.
Đồng chí Trần Sỹ Pha đề nghị các địa phương thực hiện tốt công tác báo cáo, thanh toán, quyết toán đúng theo đúng tiến độ, đảm bảo việc báo cáo tài chính với nhà tài trợ đúng hạn, đề cao tính giải trình. Các hoạt động truyền thông cần đa dạng và lan tỏa, tạo đồng thuận cao trong cộng đồng...