Cách đây vài năm, khi xã Cam Đường (thành phố Lào Cai) tổ chức lớp nghiệp vụ chế biến món ăn, chị Nguyễn Thị Hường ở thôn Vạch là 1 trong số hơn 30 hội viên, phụ nữ đăng ký tham gia. Đây cũng là lớp nghề đầu tiên liên quan đến dịch vụ ăn uống được tổ chức trên địa bàn xã. Sau khi học xong, chị Hường tiếp tục đi làm thuê cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống để nâng cao tay nghề. Năm 2021, bằng số vốn và kinh nghiệm tích lũy được, chị tự tin mở cơ sở kinh doanh của riêng mình tại quê nhà, với sự tham gia của hơn 20 người, chuyên nhận phục vụ dịch vụ ăn uống trong và ngoài tỉnh.
Dịp cuối năm, số lượng đơn đặt hàng thường tăng, bình quân tháng cao điểm, cơ sở của tôi nhận khoảng 12 đám cỗ, tháng ít nhất chừng 5 đám. Tính ra, thu nhập bình quân của tôi đạt 7 - 8 triệu đồng/tháng, các chị em khác tham gia cùng ở mức 4 - 5 triệu đồng/tháng. Việc tham gia lớp học nghề giúp tôi có cơ hội tốt hơn để phát triển kinh tế.
Trước đây, việc đào tạo nghề ở xã Cam Đường chủ yếu mở các lớp liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Khoảng 5 năm gần đây đã có nhiều thay đổi, địa phương mở nhiều hơn các lớp liên quan đến dịch vụ.
Chị Trần Thị Dinh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cam Đường cho rằng, điều này phù hợp với sự chuyển dịch kinh tế của một địa phương đang trong tiến trình đô thị hóa mạnh mẽ. Xã Cam Đường đang phấn đấu xây dựng trở thành phường trong tương lai, khi đó quỹ đất sản xuất nông nghiệp dần thu hẹp thì kinh tế dịch vụ sẽ là hướng phát triển chính. Vì vậy, việc thay đổi hướng đào tạo nghề tập trung nhiều vào lĩnh vực dịch vụ cho người dân, trong đó có hội viên phụ nữ là nhằm đón đầu xu thế để không bị lỡ nhịp trong cuộc chuyển đổi từ “nông dân” sang “thị dân”. Trong năm 2023, xã Cam Đường có 2 lớp nghề được tổ chức với 70 học viên đều liên quan đến dịch vụ ăn uống.
Tại xã Quang Kim (huyện Bát Xát), địa phương vừa phối hợp tổ chức 1 lớp trồng rau an toàn với 35 hội viên, phụ nữ tham gia. Lớp học trang bị cho các học viên quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch rau theo hướng an toàn, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Năm 2023, xã tổ chức 4 lớp đào tạo nghề, trong đó học viên phần lớn là hội viên, phụ nữ. Các lớp đào tạo nghề được tổ chức dựa trên nhu cầu của người dân và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của địa phương, như nghề may, trồng rau, chăn nuôi, thủy sản…
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động chị em tham gia các lớp đào tạo nghề. Năm 2023, có hơn 1.900 hội viên, phụ nữ tham gia 62 lớp học nghề do hội phụ nữ các cấp phối hợp mở tại các địa phương, trong đó huyện Bát Xát, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai... là những địa phương có nhiều hội viên, phụ nữ tham gia học nghề.
Để công tác đào tạo nghề thực sự phát huy hiệu quả, các lớp học nghề được mở dựa trên nhu cầu, trình độ của người dân, tiềm năng phát triển, lợi thế của từng khu vực.
Sau đào tạo, có nghề trong tay, nhiều chị em tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp, có thêm kiến thức, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập của gia đình. Đây thực sự là “chìa khóa” để phụ nữ mở cánh cửa việc làm, mạnh dạn và tự tin khẳng định mình trong gia đình và xã hội.