Khách hàng giao dịch tại BAOVIET Bank Hoàn Kiếm, Chi nhánh Hà Nội.
Đây là thông tin được Phó Thống đốc cho biết tại hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023 để bàn về các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng năm nay, diễn ra chiều 25/4.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, tại cuộc họp này, 4 ngân hàng TMCP Nhà nước đã đồng thuận cao về chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Trong thời gian tới, định hướng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống để góp phần giúp các ngân hàng hạ mặt bằng lãi suất.
Theo ông Phạm Chí Quang, trong thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước liên tục ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân và tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp như tăng cung tiền, giảm lãi suất, mua giấy tờ có giá; liên tục giảm lãi suất trên thị trường mở từ 6% nay chỉ còn 5%.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng mua lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối... Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần giảm các loại lãi suất điều hành, lãi suất cho vay mới đã giảm 0,6% so với cuối năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, dù mặt bằng lãi suất đã có điều chỉnh giảm nhưng đâu đó vẫn có những ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân cao bất thường.
Phó Thống đốc đã chỉ ra một số ngân hàng có mức lãi suất cho vay cao và đề nghị các ngân hàng này phải nêu giải thích rõ lý do tại sao lại có mức chênh lệch như thế.
Ngân hàng đầu tiên Phó Thống đốc nêu đích danh là Ngân hàng Kiên Long (KienlongBank), có mức lãi suất cho vay bình quân lên đến 14,63%.
“Hệ số chênh lệch đầu vào - đầu ra lên đến 9,9% thì dù làm ngân hàng đến 30 năm tôi cũng không hiểu được. Đề nghị giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Kiên Giang đánh giá bức tranh lãi suất của KienlongBank và phải có báo cáo giải trình tới Ngân hàng Nhà nước trong tuần sau” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Ngoài KiênlongBank, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng chỉ ra các ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân 12% - 13% như ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (Việt Á)… và đề nghị cơ quan thanh tra giám sát phải theo dõi chặt tình hình lãi suất của các ngân hàng này.
Trước đó, chỉ trong hai tuần cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố một loạt quyết định giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi. Cụ thể, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn giảm lần lượt là 1 điểm % và 0,5 điểm % trong tháng qua.
Một số lãi suất định hướng khác cũng giảm như trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn từ 1-6 tháng giảm 0,5 điểm % về lần lượt là 0,5%/năm và 5,5%/năm; trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên cũng giảm 1 điểm % về còn 4,5%/năm…