Ông Vũ Đức Nghĩa, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bảo Yên cho biết, trong năm 2020 - 2021, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng lao động đi làm ngoài huyện trở về địa phương khoảng 8.000 người. Chính vì vậy, huyện xác định đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động dân tộc thiểu số là mục tiêu quan trọng, đây cũng là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Thời gian qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bảo Yên đã đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Năm 2022, đơn vị đã phối hợp tổ chức 8 lớp đào tạo nghề cho 275 lao động nông thôn tại các xã Lương Sơn, Minh Tân, Tân Tiến, Xuân Thượng, Bảo Hà, Phúc Khánh; mở 40 lớp truyền thông giáo dục nghề nghiệp cho học sinh tại các trường THPT, THCS và người lao động trên địa bàn với 2.314 người tham gia; cấp phát 19.568 tờ rơi truyền thông về giáo dục nghề nghiệp; treo 90 áp phích truyền thông về giáo dục nghề nghiệp tại các trường THCS, THPT, trụ sở UBND các xã, thị trấn.
Sau khi được hướng dẫn, đào tạo về kỹ thuật trồng quế, anh Lò Trọng Huynh (dân tộc Tày) ở thôn Nậm Pạu, xã Vĩnh Yên đã áp dụng thành thạo vào việc trồng, chăm sóc 14 ha quế của gia đình. Đến nay, bình quân mỗi năm, gia đình anh có thu nhập gần 140 triệu đồng từ bán vỏ, cành, lá quế.
Trồng quế chỉ vất vả 2 - 3 năm đầu do phải chăm sóc kỹ lưỡng và phòng, trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, khi cây khép tán thì có thể tỉa lá bán dần, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình"
Để giải “bài toán khó” về đất sản xuất đối với lao động dân tộc thiểu số, huyện Bảo Yên xác định đào tạo nghề, chuyển đổi nghề là giải pháp quan trọng. Huyện đã triển khai đào tạo nghề ngắn hạn như xây dựng, thêu may thổ cẩm... Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, huyện kết nối với các hợp tác xã, doanh nghiệp để tạo việc làm tại chỗ cho người lao động ngay tại địa phương.
Sau gần 1 tháng tham gia lớp đào tạo ngắn hạn về nghề thêu may thổ cẩm do UBND xã Cam Cọn (Bảo Yên) phối hợp với Trung tâm Dạy nghề tư thục Phú Minh tổ chức, bà Trương Thị Đối (dân tộc Dao) cùng một số lao động khác tại thôn Cam 2 đã tự tin hơn khi nắm được kỹ thuật thêu may và đã có sản phẩm do chính mình làm ra.
Từ nguồn vốn của các chương trình phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong năm 2023, huyện Bảo Yên đề ra mục tiêu tổ chức 35 lớp đào tạo nghề cho hơn 1.000 lao động nông thôn, đặc biệt là lao động dân tộc thiểu số được hỗ trợ học nghề; giải quyết việc làm cho lao động sau khi được học nghề để tạo sinh kế bền vững ngay tại địa phương.
Trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, sự thay đổi lớn nhất chính là tư duy, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên. Phần lớn lao động qua học nghề đã nắm được kiến thức để áp dụng vào thực tế, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập cho gia đình.
Lao động được đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,74%; trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đạt 2,52%, tương đương giảm 536 hộ nghèo, bằng 58,60% kế hoạch cả năm.
Tạo việc làm cho người lao động mang nhiều ý nghĩa, không chỉ tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hơn hết, đào tạo nghề sẽ góp phần hình thành ý thức, kỹ năng và tác phong làm việc của người lao động theo hướng công nghiệp, từ đó thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mới, thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương.