Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Lê Hoài Trung, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư.
Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban đã nỗ lực, cố gắng chủ trì xây dựng và hoàn thành một khối lượng lớn các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Công tác triển khai thực hiện các Đề án được tổ chức khoa học, bài bản, hoàn thành đúng thời hạn và bảo đảm chất lượng. Các nghị quyết do Ban Kinh tế Trung ương tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay cũng như các nội dung Ban đang tiếp tục nghiên cứu để trình trong thời gian tới đã và sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, đồng thời góp phần xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng, triển khai thực hiện các chỉ đạo mới của Trung ương.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề mang tính chiến lược, những vấn đề có tính thời sự, cấp bách liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội còn chưa nhiều. Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; chủ yếu mới triển khai được công tác giám sát, chưa triển khai được công tác kiểm tra theo chức năng được giao. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của Ban còn chậm, thiếu đồng bộ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả mà Ban Kinh tế Trung ương đã đạt được.
Tổng Bí thư khẳng định, với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong những vấn đề lớn liên quan đến lĩnh vực kinh tế-xã hội, hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, gần 40 năm qua, Ban Kinh tế Trung ương đã có rất nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn quan trọng về quản lý kinh tế- xã hội, góp phần đưa đất nước ta đạt được những thành tựu phát triển kinh tế đầy ấn tượng và đáng tự hào.
Nhiệm kỳ khóa XIII, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì tham mưu ban hành 19 Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận về các lĩnh vực kinh tế-xã hội và là một trong những Ban Đảng tham mưu ban hành được nhiều văn bản nhất.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư nêu rõ, Ban chưa thực sự phát huy hết vai trò của cơ quan tham mưu chiến lược hàng đầu của Đảng về kinh tế-xã hội. Ban chưa tạo ra kênh dẫn đường, mở lối, dẫn dắt thực tiễn phát triển phù hợp với xu thế mới của thời đại; năng lực nghiên cứu, dự báo, tham mưu còn hạn chế, chưa có nhiều đề xuất có tính đột phá trong phát triển. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện một số chủ trương, chính sách của Đảng hiệu quả chưa cao, chưa kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng để đề xuất điều chỉnh.
Quán triệt nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh, thách thức lớn nhất của Việt Nam về mặt kinh tế là làm sao thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và thu hẹp khoảng cách phát triển so với các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Chúng ta phải đặt ra mục tiêu tăng trưởng cụ thể trong 5 năm, 10 năm, 20 năm tới là bao nhiêu; giải pháp đột phá là gì để đạt được các mục tiêu này? Làm gì để nâng cao năng lực công nghệ, nhất là trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, sự ra đời của trí tuệ nhân tạo. Đây chính là điều kiện tiên quyết để tăng năng suất và từ đó nâng cao mức sống cho người dân. Trong khi đó, nền kinh tế đang tồn tại nhiều nút thắt lớn hạn chế sức phát triển, khiến cho tiềm năng không được giải phóng, trong đó thể chế phát triển được xem là nút thắt lớn nhất.
"Vấn đề cốt yếu nhất vẫn nằm ở tư duy. Nếu không đổi mới tư duy thì dẫu có điều chỉnh thể chế phát triển thì cũng không thể tạo ra sự đột phá; cho nên phải có con người mới với tư duy mới, phải có bộ máy mới với tư duy mới".
- Tổng Bí thư Tô Lâm
Tổng Bí thư cho rằng, vấn đề cốt yếu nhất vẫn nằm ở tư duy. Nếu không đổi mới tư duy thì dẫu có điều chỉnh thể chế phát triển thì cũng không thể tạo ra sự đột phá; cho nên phải có con người mới với tư duy mới, phải có bộ máy mới với tư duy mới. Ban Kinh tế Trung ương cần cách mạng về tư duy; cách mạng về tổ chức bộ máy, phương thức làm việc để tạo đột phá về hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới.
Việc này gắn với mục tiêu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị mà Trung ương đang đề ra. Bộ máy của Ban phải gọn, phải quy tụ được những chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của đất nước, những người có kinh nghiệm thực tiễn phong phú.
Ban cần phải trở thành một cơ quan nghiên cứu tham mưu chiến lược hàng đầu của Đảng về kinh tế-xã hội, có uy tín quốc tế, không ngừng kế thừa những thành tựu đã có và phát triển lên tầm cao mới, trên cơ sở thấm nhuần sâu sắc những nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm xuyên suốt của Đảng, nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Ban Kinh tế Trung ương cần không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, tăng cường năng lực hoạch định chiến lược, năng lực nghiên cứu, phân tích, dự báo trước các xu hướng lớn của thế giới như cách mạng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, các thách thức về an ninh, nhất là an ninh phi truyền thống, tình hình địa kinh tế-chính trị khu vực và quốc tế, từ đó đề xuất chủ trương, chính sách, giải pháp phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo về kinh tế-xã hội của Đảng.
Không ngừng nâng cao năng lực, chất lượng thẩm định các đề án lớn trình Trung ương, Bộ Chính trị và năng lực đánh giá, giám sát tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, bảo đảm các nghị quyết của Đảng được cụ thể hóa và được triển khai nhanh và hiệu quả.
Tổng Bí thư đề nghị, Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa với cơ quan hành pháp, cơ quan lập pháp, các ban của Đảng, các địa phương trong công tác sơ kết, tổng kết các chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế, xã hội (trước mắt là tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tổng kết thành quả 40 năm đổi mới đất nước); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất đường lối, chủ trương về kinh tế-xã hội trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chủ động hợp tác quốc tế với các cơ quan nghiên cứu, lý luận của các Đảng anh em; hợp tác với các tổ chức quốc tế, trường đại học, viện nghiên cứu về chính sách hàng đầu trên thế giới; vừa học tập những kinh nghiệm phát triển hay của nước bạn; đồng thời chia sẻ, lan tỏa những kinh nghiệm phát triển thành công của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Để đạt được các yêu cầu nhiệm vụ nêu trên, Tổng Bí thư nhấn mạnh, điều cốt lõi là Ban Kinh tế Trung ương phải hình thành đội ngũ nghiên cứu cao cấp, chuyên sâu, phải kết nối được để sử dụng chất xám của những nhà trí thức thực sự, các chuyên gia, nhà khoa học có năng lực và có tâm huyết; xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ công chức có chất lượng cao, năng lực nghiên cứu độc lập, có bản lĩnh, kinh nghiệm, trình độ.
Bên cạnh đó, Ban phải thu hút, tập hợp được những nhân tài, chuyên gia giỏi, tập trung nâng cao chất lượng các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, nhất là phát triển lực lượng sản xuất mới, hiện đại gắn với hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, tiên tiến.