Thách thức trên “ghế nóng”

Cộng hòa Séc chính thức tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu, hay còn gọi là Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1-7.

Đây là lần thứ hai kể từ khi gia nhập EU năm 2004, Séc ngồi trên “chiếc ghế nóng” này với một loạt thách thức, đặc biệt là những tác động từ cuộc chiến ở Ukraine hiện nay.

5 ưu tiên lớn

Nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Séc bắt đầu từ ngày 1-7 đến hết 31-12-2022. Để tiếp quản cương vị này, Séc đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ hơn hai năm trước. Phát biểu tại lễ tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên EU từ Pháp, Thủ tướng Séc Petr Fiala nhấn mạnh, với khẩu hiệu “Châu Âu như một bổn phận: Nghĩ lại, xây dựng lại, nâng cao năng lực”, Chính phủ Séc xác định 5 ưu tiên trong lần thứ hai đảm nhiệm cương vị này.

Ưu tiên đầu tiên và cũng là thách thức lớn của EU hiện nay là đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn và tái thiết Ukraine sau chiến tranh. Cuộc khủng hoảng người tị nạn do xung đột ở Ukraine gây ra được Séc đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, do đó cần huy động mọi nguồn lực để ứng phó.

Tầm nhìn xa hơn được Chủ tịch EU nhiệm kỳ nửa cuối năm 2022 nêu ra là kế hoạch tái thiết Ukraine hậu chiến. Séc cũng tuyên bố ưu tiên thúc đẩy tiến trình kết nạp Kiev vào EU. 

Thách thức trên “ghế nóng”
Thủ tướng Séc Petr Fiala (ngoài cùng bên trái) tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên EU từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa). 

Trọng tâm thứ hai trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Séc là bảo đảm an ninh năng lượng, theo đó khắc phục sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu mỏ và than đá của Nga; nhấn mạnh vai trò của năng lượng hạt nhân trong an ninh năng lượng châu Âu cũng như trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu của EU.

Bên cạnh đó, Séc ưu tiên tăng cường năng lực quốc phòng và an ninh trên không gian mạng của EU. Cụ thể, EU thúc đẩy hợp tác với NATO, mở rộng cơ sở công nghiệp quốc phòng châu Âu và thực hiện các mục tiêu được xác định bởi “la bàn chiến lược”.

Ưu tiên thứ tư của Séc trong 6 tháng tới là khả năng phục hồi chiến lược của nền kinh tế EU. Séc sẽ khuyến khích khả năng cạnh tranh về công nghệ trên cơ sở năng lực sản xuất của châu Âu, đồng thời thúc đẩy thương mại tự do với các “quốc gia dân chủ” trên thế giới. Cuối cùng, Séc sẽ thúc đẩy minh bạch hóa nguồn tài chính của các đảng phái chính trị, ủng hộ sự độc lập của truyền thông và tiếp tục đối thoại với công dân châu Âu.

Theo Văn phòng Chính phủ Séc, trong nhiệm kỳ 6 tháng, nước này sẽ tổ chức khoảng 300 sự kiện. Đại diện 27 chính phủ các nước thành viên EU sẽ gặp nhau ít nhất 14 lần tại Séc, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU dự kiến diễn ra tại Praha từ ngày 6 đến 7-10 tới.

Theo Thủ tướng Petr Fiala, hội nghị trên sẽ thảo luận về tăng cường hợp tác giữa EU với các quốc gia không phải là thành viên, hỗ trợ Ukraine và giải quyết hậu quả của cuộc xung đột tại Ukraine như lạm phát và giá năng lượng tăng cao.

Bước ngoặt đi kèm thách thức lớn

Phát biểu tại Praha chỉ một ngày trước khi Cộng hòa Séc chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch EU trong nửa cuối năm 2022, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel nhấn mạnh, nhiệm kỳ 6 tháng tới của Séc là “bước ngoặt” đối với châu Âu trong bối cảnh EU chưa bao giờ phải đối mặt với “những thách thức lớn như vậy”.

Ông Michel tin tưởng Séc sẽ thành công trong vai trò Chủ tịch EU với những ưu tiên đã được đề ra. Về phần mình, Thủ tướng Fiala nhấn mạnh, mỗi quốc gia châu Âu riêng lẻ không thể tự giải quyết những thách thức trên, do đó cần tìm giải pháp chung cho toàn châu Âu.

Trên thực tế, những vấn đề chính trị-kinh tế ở Séc được cho là rào cản lớn khi nước này thực hiện những ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU. Xung đột tại Ukraine đang khiến Séc phải vật lộn với vô vàn khó khăn như giá năng lượng leo thang, lạm phát tăng vọt, thâm hụt ngân sách cao trong khi thu nhập thực tế của người dân giảm...

Bên cạnh đó, những bất đồng và mâu thuẫn nội bộ của EU cũng là thách thức không nhỏ khi mà 27 quốc gia thành viên vẫn đang tranh cãi về vấn đề người di cư, dán nhãn năng lượng xanh, căng thẳng với Ba Lan về cải cách tư pháp, thậm chí quan điểm rất khác nhau liên quan đến xung đột Ukraine và quan hệ với Nga.

Giới chuyên gia cho rằng, năng lực “điều hướng” của Séc trong 6 tháng tới sẽ phụ thuộc đáng kể vào sự ổn định chính trị nội bộ của nước này và khả năng đoàn kết EU cùng lúc trên nhiều mặt trận. Thử thách cam go cũng là cơ hội để quốc gia Trung Âu với hơn 10 triệu dân này khẳng định vị thế và tiếng nói của mình, thúc đẩy những lợi ích riêng trong lợi ích chung của EU khi phải đối mặt với một thế giới đầy biến động.

Nguồn: QĐND

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cuộc bầu cử định hướng phát triển Ấn Độ

Cuộc bầu cử định hướng phát triển Ấn Độ

Đạt thành tựu tích cực về phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường vị thế trên trường quốc tế, song Ấn Độ vẫn đối mặt nhiều thách thức. Cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Ấn Độ được đánh giá có vai trò định hướng sự phát triển của quốc gia đông dân nhất thế giới, ít nhất trong 5 năm tới.

Nhà sử học Anh đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo

Nhà sử học Anh đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo

Những hy sinh to lớn làm nên chiến thắng quyết định ở Điện Biên Phủ năm 1954 là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo, xuất phát trực tiếp từ những phẩm chất cá nhân và trí tuệ xuất chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được vận dụng và phát triển trong tập thể Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo nên con đường bền vững đi đến tự do, duy trì và nâng cao cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Hàn Quốc: Lãnh đạo đảng cầm quyền và Thủ tướng đệ đơn từ chức

Hàn Quốc: Lãnh đạo đảng cầm quyền và Thủ tướng đệ đơn từ chức

Chủ tịch Ủy ban ứng phó khẩn cấp của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền Han Dong-hoon ngày 11/4 đã tuyên bố từ chức để chịu trách nhiệm về thất bại nặng nề của đảng PPP trong cuộc tổng tuyển cử trước đó một ngày. Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cũng đệ đơn từ chức trong cuộc họp nội các sáng cùng ngày.

fb yt zl tw