Thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La từ lâu được biết đến là nơi có nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao, nhất là các loại hoa quả như mận, xoài, chuối, hồng giòn… Phát huy điều này, nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thị trấn đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của Thị trấn Nông trường Mộc Châu đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Điển hình là các sản phẩm như: Mận sấy mật ong, mận sấy thảo dược, rượu mận, xoài sấy dẻo, hồng giòn sấy dẻo…

Chị Lương Thị Thanh, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thanh ở Tiểu khu Khí Tượng, Thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu chia sẻ: “Từ khi phát triển các sản phẩm OCOP, bà con đã yên tâm gắn bó hơn với các loại cây trồng đặc sản của địa phương vì thị trường tiêu thụ được mở rộng, đầu ra của sản phẩm cũng được bảo đảm hơn trước đây”.

Tìm hiểu được biết, không chỉ ở Thị trấn Nông trường Mộc Châu mà tại hầu hết các địa phương khác ở Sơn La, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" đã mang đến “làn gió” mới cho sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm OCOP đã và đang dần trở thành động lực để người dân thi đua phát triển sản xuất, liên kết tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, phục vụ hiệu quả cho Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Từ năm 2018, các cấp, các ngành đã thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước khẳng định thương hiệu. Đồng thời, xác định các sản phẩm OCOP có vai trò quan trọng, là “hạt nhân” thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.

Sơn La chú trọng phát triển sản phẩm OCOP ảnh 1
Tỉnh Sơn La đã xây dựng được 6 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản vùng miền.

Nét nổi bật trong phát triển sản phẩm OCOP ở Sơn La đó là bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được xác định là giải pháp quan trọng để mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 6 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản vùng miền tại các huyện Mộc Châu, Thuận Châu, Quỳnh Nhai và Thành phố Sơn La.

Việc phát triển sản phẩm OCOP còn được thực hiện theo hướng liên kết với các hoạt động tour, tuyến du lịch, lễ hội… tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội liên kết vùng, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp. Kết nối tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP lan tỏa rộng rãi trên thị trường tạo động lực để các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm; tạo lập cầu nối giữa doanh nghiệp, người dân và thị trường; tăng doanh thu bán hàng…

Hằng năm, UBND tỉnh Sơn La đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, theo kế hoạch, “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022” sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 5/2022 tại tỉnh Sơn La. Đây là dịp thuận lợi để quảng bá giới thiệu các loại nông sản nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng của nông dân Sơn La đến với người tiêu dùng cả nước.

Sau hơn 4 năm triển khai, tính đến đầu năm 2022, tỉnh Sơn La đã xây dựng được 28 sản phẩm OCOP. Trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao, 19 sản phẩm đạt 3 sao theo Bộ tiêu chí OCOP quốc gia. Theo đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Chương trình OCOP đã tạo cơ sở để phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát triển sản phẩm của địa phương, tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Khi được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, bà con nông dân đều có ý thức sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn, thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn, nhất là liên kết chuỗi, tạo thành vùng hàng hóa bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Nhìn chung, việc chú trọng phát triển sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, tạo sản phẩm du lịch nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thực hiện có kết quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Mục tiêu của tỉnh Sơn La là phấn đấu có trên 200 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, từng bước xây dựng sản phẩm OCOP Sơn La thành thương hiệu có khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội tiêu và từng bước hướng tới xuất khẩu. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới. Từ đó, khuyến khích các chủ thể mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương.

Đồng thời, nghiên cứu, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, tạo vùng nguyên liệu bền vững cho chế biến sản phẩm, tạo điều kiện để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhân rộng các mô hình phát triển sản phẩm OCOP, mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, đẩy mạnh triển khai chương trình ký kết các hợp đồng chế biến, tiêu thụ tại các Hội nghị Kết nối giao thương, tuần hàng nông sản an toàn, Hội chợ, triển lãm các sản phẩm nông nghiệp… nhằm nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP trong nước và xuất khẩu…/.