Cũng giống các ngành kinh tế khác, năm 2021, ngành nông nghiệp nước ta tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn do dịch COVID-19 gây ra. Hoạt động sản xuất, nhất là tại các vùng dịch gặp nhiều khó khăn. Việc chuyên chở, vận chuyển hàng hóa trong các đợt dịch bùng phát cũng ảnh hưởng lớn đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Song, ngành nông nghiệp đã xuất sắc “về đích”. Không chỉ phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản năm 2021 còn đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra.

Xứng đáng vai trò “trụ đỡ” ảnh 1
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 15,6 tỉ USD. (Ảnh: TH). 

Theo thống kê, năm 2021, có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỉ USD là gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, caosu. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 15,6 tỉ USD; xuất khẩu thủy sản cũng đạt giá trị kim ngạch 8,9 tỉ USD; xuất khẩu các mặt hàng rau quả, hạt điều đạt trên 3,6 tỉ USD, rau quả đạt trên 3,5 tỉ USD, caosu đạt khoảng 3,2 tỉ USD...

Đặc biệt, dù dịch COVID-19 phức tạp nhưng sản lượng lúa năm 2021 vẫn đạt 43,86 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá gạo xuất khẩu tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021. Bên cạnh đó, quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Đồng thời, tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành…

Xứng đáng vai trò “trụ đỡ” ảnh 2
Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo. (Ảnh: ĐM). 

Theo các chuyên gia kinh tế, điểm nhấn nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam năm 2021 đó là sự khởi sắc của xuất khẩu nông sản. Xuất khẩu hàng hóa của ngành nông nghiệp đã được mở rộng ra nhiều thị trường hơn, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỉ USD. Giá trị kinh tế thu được từ xuất khẩu của ngành nông nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho nông dân. Hàng vạn nông dân đã có thêm cơ hội vươn lên làm giàu từ bàn tay, khối óc của mình. Mặt khác, hiệu quả từ hoạt động xuất khẩu nông sản còn trực tiếp góp phần tăng nguồn thu ngân sách; tăng cường các tiềm lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cả nước và từng địa phương. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tại Hội nghị Tổng kết Ngành Nông nghiệp năm 2021 vừa được tổ chức vào sáng ngày 29/12: “Những điểm sáng kinh tế đã được thể hiện qua các số liệu. Với mức tăng trưởng dương, vượt 6,6 tỷ USD so với kế hoạch, thu đủ chi, xuất đủ nhập, trong một năm khó khăn, ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ và có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế”.

Có thể thấy, những kết quả của ngành nông nghiệp đạt được là rất đáng trân trọng, nhất là trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Những thành tích ấn tượng đó có được, xuất phát từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, các hợp tác xã, bà con nông dân cả nước. Minh chứng cụ thể đó trong năm 2021, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các địa phương đã chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; các cấp đã hoàn thành rà soát 443 văn bản, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế 96 văn bản kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do tác động của dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, chỉ tính từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tình trạng “đóng băng” trong nhiều lĩnh vực sản xuất đã được tháo gỡ. Hầu hết các lĩnh vực nông nghiệp đều khởi sắc mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Sự phát triển của ngành nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Ngành nông nghiệp phát triển chưa bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ hay chuyển đổi số chưa đi vào chiều sâu; chưa chủ động thích ứng linh hoạt với diễn biến mới, tình hình mới. Công nghệ sau thu hoạch chưa thực sự được chú trọng. Số nông sản xây dựng được thương hiệu mang tính quốc tế chưa nhiều. Thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc một số thị trường. Điển hình là tình trạng hàng ngàn container nông sản đang ún ứ tại cửa khẩu trong những ngày gần đây.

Do đó, để ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy tốt vai trò “trụ đỡ” của đất nước, đòi hỏi khách quan đặt ra là cần nỗ lực, sáng tạo đổi mới. Trọng tâm là đồng hành, hỗ trợ nông dân trong các điều kiện khó khăn, dịch bệnh; đẩy mạnh quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao năng lực chế biến các mặt hàng nông sản. Đặc biệt, ngành nông nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy cạnh tranh sản phẩm bằng cách đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với dự báo thị trường; tăng cường đầu tư công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số; thực hiện thu hút và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư trong nông nghiệp.

Việt Nam được biết đến là một nước có nhiều tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp. Chú trọng phát triển nông nghiệp sẽ vừa giúp chúng ta phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế sẵn có; vừa là cơ sở để ngành nông nghiệp khẳng định rõ vai trò “trụ đỡ” của đất nước, trực tiếp góp phần nâng cao thu nhập, phát triển đời sống nông dân.