Về vùng lũ A Lù

Bài cuối: Chung tay giúp Nhân dân vùng lũ A Lù sớm ổn định cuộc sống

Trận mưa bão kèm sạt lở đất kinh hoàng rạng sáng ngày 9/9/2024 đã gây ra bao đau thương và nhiều thiệt hại đối với Nhân dân các dân tộc xã A Lù, huyện Bát Xát. Sau khi trận lũ xảy ra, cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng đã khẩn trương người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

>>> Bài 2: Vùng lũ A Lù vẫn ngổn ngang sau 10 ngày bị cô lập vì mưa lũ

5 ngày đêm nỗ lực tìm kiếm những người mất tích

Với sự khẩn trương tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, đến ngày 13/9, huyện Bát Xát đã chỉ đạo xã A Lù và các lực lượng tìm thấy thi thể 7 nạn nhân xấu số trong vụ sạt lở đất tại thôn Phìn Chải 2, đồng thời động viên, thăm hỏi, hỗ trợ gia đình các nạn nhân an táng những người tử nạn. Điều đó góp phần xoa dịu nỗi đau đối với những thân nhân của người bị nạn do thiên tai gây ra.

Đến thời điểm này, khi thông tin liên lạc được kết nối lại, giao thông cơ bản được khắc phục một phần, thì câu chuyện về những nỗ lực của những lực lượng suốt 4 ngày dầm trong mưa gió để tìm kiếm những nạn nhân bị mất tích trong vụ sạt lở đất tại thôn Phìn chải 2, xã A Lù mới được kể lại.

1.jpg
2.jpg
Các lực lượng nỗ lực tìm kiếm những người mất tích trong vụ sạt lở.

Trên chuyến xe ngược lên thôn Phìn Chải 2, xã A Lù vào sáng sớm ngày 15/9/2024, ông Tô Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát nhớ lại: Hơn 3 giờ ngày 9/9, huyện nhận được thông tin về vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại xã A Lù. Đúng 4 giờ, một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập tại UBND huyện với sự tham gia của các lãnh đạo chủ chốt, các phòng, ban, lực lượng vũ trang của huyện. Tôi được giao nhiệm vụ cùng gần 50 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện khẩn trương lên đường hướng về vùng lũ A Lù với tinh thần quyết tâm cao nhất trong tìm kiếm, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho lực lượng và nhân dân.

“Hôm đó mưa gió dữ dội, rất nhiều đoạn đường bị sạt lở, nguy hiểm. Thật may đoàn xuất phát từ lúc 5 giờ sáng, đi theo hướng đường Trịnh Tường - Phìn Hồ lên Y Tý rồi đến A Lù nên không bị tắc đường. Ngay khi đến thôn Phìn Chải 2, đoàn công tác của huyện đã nắm thông tin từ UBND xã A Lù, khẩn trương phân chia lực lượng, tiếp cận hiện trường vụ sạt lở. Đoàn công tác phối hợp với lực lượng tại chỗ như Đồn Biên phòng Y Tý, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 345 và cán bộ, Nhân dân, công an, dân quân xã A Lù, mỗi ngày có từ 150 - 200 lượt người tham gia tìm kiếm, cứu nạn.

3.jpg
Sau 5 ngày - đêm vượt nhiều khó khăn, các lực lượng đã tìm được thi thể 7/7 người mất tích tại thôn Phìn Chải 2, xã A Lù.

Sau 5 ngày dầm trong mưa gió, đào đất bằng cuốc, xẻng, có vị trí phải đào sâu 2 - 3 m, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thi thể 7 người bị mất tích để bàn giao cho gia đình làm thủ tục mai táng. Những ngày ở lại Phìn Chải 2, trong hoàn cảnh giao thông bị ách tắc, mất điện, mất sóng điện thoại, thông tin liên lạc bị tê liệt, điều kiện ăn, ở khó khăn, công việc không kể hết nỗi vất vả, nhưng tất cả đều nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ” - ông Thanh cho hay.

Trung tá Khuất Quang Mạnh, Đồn Trưởng Đồn Biên phòng Y Tý cho biết: Ngay sau khi nắm được thông tin về vụ sạt lở đất tại thôn Phìn Chải 2, Đồn Biên phòng Y Tý đã cử lực lượng sang xã A Lù để hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn. Trong đó, đơn vị huy động 2 lượt cán bộ, chiến sĩ với 25 người có nhiều kinh nghiệm hành quân đi bộ vượt qua mưa lũ, sạt lở đất tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích; huy động 5 lượt cán bộ, chiến sĩ với 60 người tham gia giúp Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Trong thời gian tới, Đồn tiếp tục huy động lực lượng giúp dân dựng lại nhà ở, làm lại đường giao thông, thu hoạch lúa, khôi phục sản xuất sau bão lũ… Công việc tuy vất vả, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn cố gắng hết mình vì Nhân dân vùng lũ.

Những tấm lòng hướng về vùng lũ A Lù

Trong những ngày qua, cùng với làm tốt công tác tìm kiếm người mất tích do trận sạt lở đất ở thôn Phìn Chải 2, xã A Lù, thì câu chuyện về công tác cứu trợ đồng bào vùng lũ cũng không khỏi xúc động. Xã A Lù đã nhận được rất nhiều đoàn cứu trợ vượt đường xa đến đây mang theo nhiều hàng hóa hỗ trợ Nhân dân vùng lũ. Trong đau thương, khó khăn, bà con vùng lũ A Lù cũng đoàn kết, hỗ trợ cấp phát hàng cứu trợ đến với những hộ dân còn nhiều khó khăn do thiên tai gây ra.

6.jpg
20240915_170158.jpg
Nhiều đoàn thiện nguyện đến tận nơi chia sẻ khó khăn, hỗ trợ Nhân dân vùng lũ A Lù.

Ngày 15/9, tuyến đường từ xã Y Tý sang xã Ngải Thầu cũ nơi xảy ra vụ sạt lở đất tại thôn Phìn Chải 2 đã được thông. Trong những ngày tiếp theo, từng đoàn xe cứu trợ từ các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh đã nối nhau vượt chặng đường xa hàng trăm km tới đây hỗ trợ bà con vùng lũ. Đáng quý là có nhiều đoàn xe cứu trợ đến từ những tỉnh miền Nam, miền Trung như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Huế, các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội…

Anh Nguyễn Mẫn, thành viên trong đoàn thiện nguyện “Ánh sáng từ bi” đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Đăk Lăk cho biết: Nghe tin tỉnh Lào Cai chịu nhiều đau thương, thiệt hại do thiên tai gây ra, đoàn thiện nguyện đã huy động sự đóng góp của các nhà hảo tâm, cùng chung tay ủng hộ vùng lũ Lào Cai. Dù đường xa, khó khăn, đoàn chúng tôi cũng quyết tâm đến với xã A Lù để hỗ trợ phần nào cho bà con nơi đây. Cùng với các nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm, bánh kẹo, lương khô, đồ dùng sinh hoạt như quần áo, chăn, màn, nhiều thành viên trong đoàn còn ủng hộ tiền mặt cho bà con, với tổng số tiền và hiện vật giá trị hơn 80 triệu đồng.

5.JPG
4.jpg
Các tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ đồng bào vùng lũ A Lù vượt qua khó khăn.

Là đại diện truyền thông cho Tập đoàn Trường Tươi, tỉnh Bình Phước đến chia sẻ khó khăn với Nhân dân vùng lũ xã A Lù, anh Lê Văn Bình cho biết: Để giúp bà con vùng lũ A Lù sớm vượt qua khó khăn, Tập đoàn Trường Tươi sẽ hỗ trợ các gia đình gia đình có 5 người tử vong 50 triệu đồng; 2 gia đình bị sập nhà hoàn toàn ở thôn Phìn Chải 2 tổng số 20 triệu đồng.

Cùng với đó, Tập đoàn Trường Tươi cũng sẽ khảo sát làm nhà cho 4 hộ dân bị sập nhà tại thôn Phìn Chải 2 và nhận đỡ đầu đối với 2 em Thào A De (17 tuổi) và Thào Thị Nhè (15 tuổi) mồ côi cả bố lẫn mẹ sau vụ sạt lở đến năm các em 18 tuổi. Tập đoàn cũng hỗ trợ địa phương, các đơn vị tham gia khắc phục hậu quả thiên tai tổng số 30 triệu đồng.

Để vùng cao, biên giới Bát Xát không còn thương đau do thiên tai

Nhìn lại trận mưa lũ, sạt lở đất lịch sử gây ra nhiều đau thương, thiệt hại tại xã A Lù nói riêng, huyện vùng cao, biên giới Bát Xát nói chung trong những ngày vừa qua, ông Lồ A Sính, Bí thư Đảng ủy xã A Lù cho biết: Qua đợt mưa lũ lịch sử, bài học quan trọng được rút ra là cần làm tốt công tác rà soát, phòng ngừa thiên tai. Minh chứng là để đảm bảo an toàn cho Nhân dân trong cơn bão số 3, trước khi xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng, chiều tối 8/9/2024, xã A Lù đã kịp thời tuyên truyền, vận động gần 180 hộ dân có nhà ở sườn núi dốc, có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét tại các thôn Phìn Chải 1, Cán Cấu, 1 nửa thôn Ngải Thầu Hạ di chuyển đến các nhà văn hóa, điểm trường học, nhà người thân đảm bảo an toàn tại các thôn để tránh trú.

8.jpg
Lãnh đạo huyện Bát Xát chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại xã A Lù.

Vì thế, tại thôn Cán Cấu và một số thôn khác có 25 ngôi nhà bị sập hoàn toàn do mưa lũ, nhưng không có thương vong. Riêng ở thôn Phìn Chải 2 không nằm trong vùng được các cơ quan chức năng xác định là thiên tai, nguy hiểm, trận lũ và sạt lở đất ập xuống quá bất ngờ gây ra cảnh đau thương, chúng tôi cũng rất đau lòng. Tuy nhiên, trước đó, xã và thôn đã kiểm tra, rà soát, khẩn cấp di chuyển 1 hộ dân ở khu vực tiềm ẩn nguy hiểm với 7 nhân khẩu xuống điểm trường học an toàn, trước khi trận sạt lở đất làm đổ sập ngôi nhà lúc hơn 2 giờ sáng ngày 9/9.

9.jpg
7.jpg
Đồng chí Nguyễn Trung Triều, Bí thư Huyện ủy Bát Xát nhắc nhở đội ngũ cán bộ xã và cơ sở làm tốt nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trực tiếp đến xã A Lù và các xã khác chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai, đồng chí Nguyễn Trung Triều, Bí thư Huyện ủy Bát Xát cho rằng, trong công tác phòng, chống thiên tai, để không xảy ra những hậu quả đau lòng như ở xã A Lù thì trước hết các đơn vị, địa phương cần đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền để Nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng tránh thiên tai; làm tốt công tác dự báo, phòng ngừa thiên tai; kịp thời di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Còn khi xảy ra thiên tai, cần kịp thời ứng cứu, tổ chức lực lượng phù hợp, việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” là vô cùng quan trọng vì có thể xảy ra tình trạng cô lập về giao thông, mất điện, tê liệt hệ thống thông tin liên lạc khó chỉ đạo, ứng cứu từ xa như những ngày qua.

Nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai rất quan trọng, cần phát huy tốt vai trò của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu. Vừa qua, trong cơn bão số 3, huyện Bát xát đã kiên quyết xử lý, ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 2 cán bộ là ông Lý A Khoa, Chủ tịch UBND xã Pa Cheo và ông Má A Chúng, Chủ tịch UBND xã Trung Lèng Hồ do lơ là, cố tình đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không có mặt tại trụ sở UBND xã từ ngày 8 - 12/9/2024 để thực hiện công tác trực ứng phó hoàn lưu bão số 3 theo chỉ đạo của huyện. Đây cũng là bài học cho những cán bộ khác cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

10.JPG
11.jpg
Công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện Bát Xát sẽ còn rất nhiều khó khăn, cần sự quyết tâm, cố gắng của cả hệ thống chính trị.

Trong thời điểm trước mắt, huyện Bát Xát đang ưu tiên và dốc sức cho công tác cứu trợ, hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai tại xã A Lù và các xã khác vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống. Huyện đã phát động, kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ đồng bào vùng lũ; chỉ đạo sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ, cứu trợ của Trung ương, của tỉnh và cán bộ, Nhân dân trong huyện ủng hộ để hỗ trợ kịp thời, đúng nơi, đúng đối tượng, quyết tâm không để cho hộ dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở sau mưa lũ. Thời gian tiếp theo, mặc dù còn rất nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn đang đặt ra, nhưng công tác khắc phục hậu quả thiên tai cần được tiến hành khẩn trương, cụ thể, để xây dựng lại nhà cửa, các công trình, sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Nhiều ý kiến tham gia vào nội dung đề tài nghiên cứu khoa học của Đảng ủy Khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh

Nhiều ý kiến tham gia vào nội dung đề tài nghiên cứu khoa học của Đảng ủy Khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh

Ngày 3/10, Đảng ủy Khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tham gia ý kiến vào nội dung nghiên cứu các chuyên đề của Đề tài nghiên cứu khoa học “Giải pháp phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai”.

Rực rỡ thành phố biên cương

Rực rỡ thành phố biên cương

Những ai gắn bó với thành phố Lào Cai đều mang trong mình nhiều cảm xúc về sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ của mảnh đất nơi biên cương Tổ quốc. Hơn 30 năm qua là sự phấn đấu phát triển không ngừng nghỉ, khẳng định vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của thành phố trẻ.

Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị góp ý Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định 212

Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị góp ý Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định 212

Chiều 1/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định 212-QĐ/TW ngày 30/12/2019 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện.

fbytzltw