>>> Bài 1: Vụ sạt lở đất tại xã A Lù qua lời kể của người dân thôn Phìn Chải 2
Chuyện chưa kể ở “rốn lũ” Phìn Chải 2
Trong 7 ngày qua (từ ngày 9 - 15/9/2024), mưa lũ đã gây ra tình trạng chia cắt giao thông và mất điện, mất thông tin liên lạc trên địa bàn xã A Lù nói riêng và nhiều xã vùng cao khác của huyện Bát Xát nói chung. Do đó, những thông tin ban đầu chỉ là trận lũ đã cuốn trôi 4 ngôi nhà và làm 7 người mất tích, sau 4 ngày đã tìm thấy thi thể. Tưởng như điều đó đã là quá nhiều thiệt hại và đau thương đối với người dân thôn Phìn Chải 2, xã A Lù.
Tuy nhiên, ngày 15/9, khi các điểm sạt lở trên tuyến Tỉnh lộ 158 từ xã Mường Hum - Y Tý - Ngải Thầu cũ được khắc phục tạm thời, giao thông tạm thông tuyến, chúng tôi mới tới được thôn Phìn Chải 2, xã A Lù. Thời điểm này, sau nhiều nỗ lực, các lực lượng đã tìm thấy thi thể của 7 người mất tích sau vụ sạt lở đất và các gia đình cũng đã an táng cho các nạn nhân. Vậy nhưng, bầu không khí đau thương vẫn bao trùm bản Mông trên núi Ngải Thầu.
Ông Lồ A Sính, Bí thư Đảng ủy xã A Lù đưa chúng tôi đến điểm xảy ra vụ sạt lở đất rạng sáng 9/9. Tuy đường đến trung tâm xã Ngải Thầu cũ (nay là xã A Lù) đã thông tuyến, ô tô đi lại được, nhưng từ đây lên điểm trên cùng của vụ sạt lở đất tại thôn Phìn Chải 2 khoảng 4 km vẫn còn nhiều đoạn bị đứt gãy, chỉ có thể đi được bằng xe máy.
Tận mắt chứng kiến hiện trường vụ sạt lở mới thấy hết sự khốc liệt và bất ngờ của thiên tai. Khu vực sạt lở đất từ mặt đường bê tông thôn Phìn Chải 2 xuống dưới khe núi chừng 300 m nhìn như một cái phễu khổng lồ, bóc đi toàn bộ những cây tống quá sủ, rừng tre, rừng trúc và vùi lấp hoàn toàn 4 ngôi nhà phía dưới. Điều đáng nói là nếu nhìn bằng mắt thường, khu vực phía những ngôi nhà ở dưới cách xa điểm sạt lở, lại được che chắn bằng rừng tre, rừng trúc. Cách vị trí này chỉ khoảng 300 m cũng xảy ra một vụ sạt lở tương tự, nhưng may mắn không gây thiệt hại về người, chỉ làm hư hỏng một số công trình phụ của trường học.
Bí thư Đảng ủy xã A Lù cho biết: Trận sạt lở đất tại thôn Phìn Chải 2 làm 7 người tử vong là nỗi đau thương, mất mát lớn đối với bà con nơi đây. Ngoài ra, trận mưa lũ và sạt lở đất đêm 9/9 đã làm 6 ngôi nhà ở thôn Phìn Chải 2 bị sập hoàn toàn.
Ngoài thôn Phìn Chải 2, theo rà soát ban đầu, đến ngày 17/9/2024, trên địa bàn xã bị thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ, với 29 ngôi nhà, 9 bếp của người dân bị sập hoàn toàn (thôn Phìn chải 1 có 6 ngôi nhà, thôn Phìn Chải 2 có 6 ngôi nhà; thôn Cán Cấu có 10 ngôi nhà; thôn Tả Suối Câu 3 ngôi nhà; còn thôn Ngải Thầu Hạ, Ngải Thầu Thượng, Chin Chu Lìn, Khu Chu Lìn mỗi thôn 1 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn). Cùng với đó, sau mưa lũ, trên địa bàn xã có 55 ngôi nhà có nguy cơ sạt lở, tập trung chủ yếu ở các thôn: Cán Cấu, Ngải Thầu Thượng, Ngải Thầu Hạ, Phìn Chải 2.
Thôn Cán Cấu bên “miệng tử thần”
Trong các thôn, bản của xã A Lù chịu thiệt hại do mưa lũ gây ra mấy ngày qua, thôn Cán Cấu may mắn không bị thiệt hại về người nhưng lại là thôn chịu nhiều thiệt hại nhất về tài sản của người dân và cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm do thiên tai gây ra.
Nếu chỉ qua những con số thống kê và qua lời kể của người dân thì chưa thể hình dung hết được sự tàn phá của mưa lũ. Vì thế, sau khi đến hiện trường vụ sạt lở tại thôn Phìn chải 2, chúng tôi tiếp tục ngược dốc khoảng 2 km để đến thôn Cán Cấu. Mưa lũ đã làm đoạn đường đầu thôn bị sạt lở nghiêm trọng, chỉ những chiếc xe máy dã chiến của bà con mới chật vật qua được điểm sạt lở nên chúng tôi phải đi bộ khoảng 1 km để vào thôn.
Thôn Cán Cấu có 64 hộ dân đều là đồng bào Mông. Từ xa nhìn, thôn có những ngôi nhà nhỏ của đồng bào Mông nằm trên một triền núi dốc, phía dưới là những rừng tre, rừng trúc xanh tốt. Nhìn khung cảnh bình yên như vậy, ít ai nghĩ nơi này đã được cảnh báo là vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất vì từ lâu đã xuất hiện những vết nứt dài cắt ngang phía cuối thôn. Tuy nhiên, mấy năm qua, việc di dời những hộ dân khỏi nơi này vẫn chưa thực hiện được và người dân vẫn sống bên cạnh “miệng tử thần”.
Những mối nguy hiểm ấy không thể miêu tả hết được bằng lời. Trên đoạn đường qua thôn chỉ khoảng 500 m đã có ít nhất 4 vết sạt lở nghiêm trọng, trông như những con trăn mốc khổng lồ trườn từ trên núi xuống, cuốn theo những gốc cây cổ thụ, bùn, đất, đá ngổn ngang. Có những ngôi nhà bị lũ bùn vùi lấp hoàn toàn, có những ngôi nhà chỉ còn bức tường đất trống trơ.
Anh Sùng A Địa thất thần nhìn ngược lên phía ngôi nhà cũ của mình trên triền núi dốc, giờ chỉ còn là vệt đất bị bóc tan hoang và kể: “Ngày 7 và 8 tháng 9, có mưa lớn kéo dài nên xã đã chỉ đạo Nhân dân trong thôn di chuyển người và tài sản đến điểm trường học để đảm bảo an toàn. Chiều 9/9, khi tôi đang đi giúp mấy hộ dân cách nhà mình khoảng 700 m chở thóc ra khỏi nhà thì nghe thấy âm thanh như tiếng nổ lớn, cùng với đó là tiếng đá lăn, nước chảy ầm ầm. Nhìn về phía ngôi nhà cấp 4 của gia đình, tôi thấy trận lũ cuốn phăng không còn dấu tích gì. Một số ngôi nhà trong thôn của các gia đình như hộ ông Vàng A Tớ, Sùng A Lử, Sùng A Súng, Sùng A Sính… cũng bị sập đổ hết, giờ không ở được nữa. Đường vào thôn thì ngổn ngang bùn đất vì đâu cũng sạt lở.
Ngày 15/9, trời đã nắng lên, nhưng ở một số vết sạt lở lớn tại thôn Cán Cấu, bùn đất vẫn còn ướt nhão và dòng nước đục ngầu trên núi vẫn chảy xuống. Ông Sùng A Lử, thành viên Tổ bảo vệ an ninh cơ sở thôn Cán Cấu trở về để kiểm tra tình hình các hộ dân và cho đàn lợn, đàn gà ăn sau đợt mưa bão. Ông Lử nhớ lại: Trong 2 ngày, từ mùng 7 đến 8/9, nhận thấy lượng mưa rất lớn và nguy cơ sạt lở rất cao, tôi cùng với Trưởng thôn Sùng A Tu, Thôn Đội trưởng Vàng A Phà và các đoàn thể của thôn đã thông báo vào nhóm zalo yêu cầu bà con di chuyển đến nơi an toàn và cùng giúp nhau chuyển người, đồ đạc. Tuy nhiên, đến đêm 8/9 vẫn còn một số hộ chưa di chuyển khỏi thôn. Mặc dù trời tối, mưa lớn và sương mù, gần 12 giờ đêm, chúng tôi mới đưa được hết người dân đến nơi tránh trú an toàn.
Thật may, rạng sáng 9/9 thôn xảy ra 4 vụ sạt lở lớn nhưng chỉ làm sập đổ nhà cửa, làm hỏng đường giao thông, không gây thiệt hại về người. Hiện nay, thôn Cán Cấu vẫn đang xuất hiện nhiều vết nứt lớn phía trên và dưới thôn, nguy cơ sạt lở lớn là rất cao, vì thế, buổi tối bà con vẫn phải di chuyển đến ở tạm tại điểm trường học của thôn.
A Lù - xã duy nhất của huyện Bát Xát vẫn còn bị cô lập
Sau 1 tuần xảy ra vụ sạt lở đất thương tâm tại thôn Phìn Chải 2, xã A Lù, đến ngày 15/9 thì tuyến Tỉnh lộ 158 từ xã Mường Hum đến xã Y Tý sang trung tâm xã Ngải Thầu cũ (cách vị trí thôn Phìn Chải 2 khoảng 4 km) mới được thông tuyến, xe ô tô có thể đến được đây. Tuy nhiên, từ trung tâm xã Ngải Thầu cũ đến xã A Lù hiện nay, các phương tiện vẫn chưa thể lưu thông do lượng đất, đá sạt lở xuống quá lớn, chưa thể khắc phục được.
Cùng với đó, tuyến đường từ xã A Mú Sung lên đến xã A Lù cũng trong tình trạng tương tự. Điều đó khiến cho A Lù (khu vực trung tâm xã) trở thành xã duy nhất của huyện Bát Xát vẫn bị cô lập sau 10 ngày xảy ra mưa lớn do hoàn lưu của cơn bão số 3.
Thầy giáo Vũ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS A Lù cho biết: Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS A Lù có điểm trường chính và 3 phân hiệu tại các thôn Tả Suối Câu, Chin Chu Lìn, Séo Phìn Chư. Những trận mưa lớn do hoàn lưu của cơn bão số 3 làm sạt taluy của điểm trường Tả Suối Câu với khối lượng khoảng 30m3 đất, đá, làm hư hỏng hệ thống tường rào của nhà trường. Tuy nhiên, vụ sạt lở không gây thiệt hại về người.
Hiện nay, tuyến đường vào thôn Tả Suối Câu, Khu Chu Lìn có nhiều điểm sạt lở, tuy đã được khắc phục tạm thời nhưng rất khó đi, bà con chủ yếu phải đi bộ rất vất vả. Trường có 489 học sinh, trong đó 216 học sinh ở bán trú tại trường, nhiều học sinh thuộc hộ nghèo, nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn sau bão lũ. Trong hai ngày qua, 98% học sinh đã đi học trở lại, nhưng do đường chưa thông nên các đoàn thiện nguyện vẫn chưa thể vận chuyển nhu yếu phẩm, hàng hóa hỗ trợ nhà trường.
Ông Lồ A Sính, Bí thư Đảng ủy xã A Lù cho biết thêm: Hiện nay, xã A Lù đã có điện, có sóng điện thoại để thông tin liên lạc. Tuy nhiên, tình trạng bị cô lập khiến đời sống Nhân dân 7 thôn khu vực trung tâm xã không khỏi khó khăn về thực phẩm, các nhu yếu phẩm sinh hoạt, xăng dầu…. Cấp ủy, chính quyền và Nhân dân mong muốn các điểm sạt lở sớm được khắc phục để việc lưu thông hàng hóa thuận tiện, hai trường học và Nhân dân khu trung tâm xã được đón các đoàn cứu trợ đến chia sẻ khó khăn, hỗ trợ bà con vùng lũ sớm ổn định cuộc sống.