Không thể tách rời Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh

Bài 3: Từ âm mưu hạ bệ C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin tới Hồ Chí Minh - những bài học lịch sử

Thực tiễn cho thấy, các thế lực thù địch không từ âm mưu, thủ đoạn nào để hạ bệ thần tượng C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh, kể từ khi Chủ nghĩa Mác-Lênin ra đời cho tới nay. Nhận diện đúng và đề ra giải pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn đó là trách nhiệm chính trị, là lương tâm, mệnh lệnh cuộc sống đặt ra với mỗi chúng ta hiện nay.

>>> Bài 1: Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế tục, phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin lên tầm cao mới

>>> Bài 2: Hồ Chí Minh có phải là người theo chủ nghĩa dân tộc?

Những bài học lịch sử đắt giá

Mở đầu Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản-tác phẩm đánh dấu sự ra đời của Chủ nghĩa Mác năm 1848, C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu: Bóng ma chủ nghĩa cộng sản. Tất cả những thế lực của châu Âu cũ: Giáo hoàng và Nga hoàng, Mét-téc-ních và Ghi-dô, bọn cấp tiến Pháp và bọn cảnh sát Đức, đều đã liên hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó” (1). Như vậy, từ rất sớm, Chủ nghĩa Mác-Lênin là đối tượng chống phá của các thế lực thù địch ngay từ khi ra đời.

Vừa là người sáng tạo, vừa là người phát triển học thuyết của chính mình, C.Mác và Ph.Ăngghen còn thường xuyên đấu tranh với chủ nghĩa chống cộng, chủ nghĩa cơ hội, xét lại với mọi màu sắc bảo vệ tính khoa học, cách mạng của vũ khí lý luận tiên phong của giai cấp công nhân (GCCN) quốc tế. Thế nhưng, khi C.Mác và Ph.Ăngghen mất, như “nấm độc mọc sau cơn mưa rào”, kẻ thù tư tưởng của Chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa cơ hội, xét lại ngay trong phong trào công nhân. Chúng không những xuyên tạc học thuyết mà còn bôi nhọ thân thế, sự nghiệp vĩ đại của hai ông. Chính vì vậy, phong trào công nhân tuy phát triển mạnh mẽ, nhưng đội tiền phong của nó ở một số nước (trừ Đảng Xã hội-Dân chủ Nga) lại bị chủ nghĩa cơ hội, xét lại lũng đoạn cùng với Quốc tế II. Chúng đã dùng những giáo điều cũ rích và lỗi thời để hoài nghi, xét lại và phủ nhận Chủ nghĩa Mác. Chúng tìm cách công khai hoặc ngấm ngầm đòi xét lại hoặc xuyên tạc những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác. Chúng biến tổ chức chính trị của giai cấp vô sản không còn là đảng nữa mà là đảng đoàn trong nghị viện.

Rước cờ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Rước cờ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mặc dù, V.I.Lênin cùng những người cộng sản qua các kỳ đại hội: 1896, 1900, 1904, 1907, 1910 và 1912 đã liên tục đấu tranh, vạch mặt bọn cơ hội trong Quốc tế II, giữ vững và bảo vệ Chủ nghĩa Mác. Tuy nhiên, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) nổ ra, đã lộ rõ sự phản bội của những lãnh tụ Quốc tế II là những kẻ đã đưa Đệ nhị quốc tế đến chỗ phá sản. Về sự kiện này, V.I.Lênin chỉ rõ: Đệ nhị quốc tế đã chết vì bị chủ nghĩa cơ hội đánh bại. Đệ nhị quốc tế đã phân thành nhiều đảng xã hội-dân chủ, đảng này đấu tranh với đảng kia. Sự phản bội của Quốc tế II trong chiến tranh, việc lãnh tụ quốc tế đó công khai chạy sang phe giai cấp tư sản đế quốc chủ nghĩa, là kết quả tất nhiên của con đường của tất cả những đảng trong Quốc tế II đã nuôi dưỡng chủ nghĩa cơ hội trong nội bộ mình.

Kế tục sự nghiệp vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăngghen, từ nghiên cứu, tiếp thu Chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin đã thực sự bắt tay vào hoạt động lý luận và viết nhiều tác phẩm “bút chiến” có giá trị, tiêu biểu như: “Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người xã hội-dân chủ ra sao?”; “Cách mạng vô sản và tên phản bội Cauxky” (tháng 10-1918); “Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản” (năm 1920); “Thà ít mà tốt” (năm 1923)... Trong đó, V.I.Lênin đã nhắc nhở: “Bổn phận của chúng ta, nếu chúng ta vẫn muốn còn là những người xã hội chủ nghĩa, là phải đi sâu, đi sát hơn vào quần chúng thật sự: Đấy là toàn bộ ý nghĩa của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội và toàn bộ nội dung cuộc đấu tranh đó”(2). Cùng với hoạt động lý luận, V.I.Lênin còn là nhà tổ chức và hoạt động thực tiễn thiên tài. Người không những đấu tranh không khoan nhượng chống bọn cơ hội, xét lại dưới mọi màu sắc trong Quốc tế II, cũng như ở nước Nga, mà còn tích cực truyền bá Chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân Nga, chuẩn bị thành lập đảng kiểu mới của GCCN; đặc biệt, lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi, mở ra thời đại mới cho nước Nga và xã hội loài người-thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên phạm vi toàn thế giới.

Thế nhưng, sau khi V.I.Lênin mất, những người kế tục sự nghiệp của Lênin ở Liên Xô và Đông Âu dần đần xa rời những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin, phớt lờ những cảnh báo trước đây của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin. Kết quả đau xót là: Năm 1991, sau 74 năm tồn tại với những thành tựu vĩ đại, Liên Xô (trước đó là Đông Âu) và cùng với nó là CNXH hiện thực mô hình Xô-viết sụp đổ; phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lâm vào thoái trào. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của một “công trình” vĩ đại tưởng như rất bền vững như thế? Gần 30 năm qua, đã có rất nhiều nhà nghiên cứu, chính trị gia, rất nhiều bài báo, cuốn sách phân tích về những vấn đề này. Phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tiếp cận và luận giải nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự sụp đổ của CNXH hiện thực mô hình Xô-viết bắt nguồn từ việc một số đảng cộng sản và công nhân đã phạm sai lầm về nhận thức lý luận, đó là: Nhận thức lý luận về cách mạng vô sản, lý luận về chủ nghĩa cộng sản và lý luận về thời kỳ quá độ; nhận thức lý luận về xây dựng nhà nước và quản lý xã hội dẫn đến sai lầm trong mô hình thiết kế, cơ chế vận hành của Nhà nước Xô-viết; đặc biệt, sai lầm trong nhận thức lý luận còn thể hiện ở phương pháp không đúng khi tiếp cận với Chủ nghĩa Mác-Lênin; sự bảo thủ, hẹp hòi trong thái độ ứng xử với những giá trị của văn minh nhân loại, nhất là những gì liên quan đến chủ nghĩa tư bản. Thêm vào đó là “sự độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ và chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân cản trở, không cho phép phát triển hệ thống lý luận khoa học, khách quan, đúng đắn trong điều kiện CNXH hiện thực mô hình Xô-viết” (3).

Khi nói về học thuyết của mình, C.Mác nhiều lần nhấn mạnh rằng, học thuyết đó không phải là những giáo điều khô cứng mà là một học thuyết mở mang bản chất sáng tạo và phải được phát triển không ngừng cùng sự phát triển của thực tiễn xã hội. Sau này, V.I.Lênin nhấn mạnh: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa (XHCN) cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(4). Một sự thật hiển nhiên là: Làm trái những nguyên lý phổ biến của Chủ nghĩa Mác-Lênin ắt dẫn đến thất bại. Đây là bài học đắt giá cho chúng ta hôm nay trong vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin nhằm tránh lặp lại “vết xe đổ” của quá khứ. Từ đó cảnh báo và đặt ra vấn đề nhận diện, đấu tranh phòng, chống âm mưu giải thiêng, xuyên tạc, hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh ở Việt Nam hiện nay.

Nhận diện âm mưu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh

Không khó để nhận ra, những năm gần đây, nhất là trước thềm Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên internet và các trang mạng xã hội, diễn đàn… xuất hiện một số quan điểm sai lệch đề cập đến chủ thuyết phát triển của Việt Nam, đến nền tảng tư tưởng của Đảng ta: Hoặc là phủ nhận hoàn toàn nền tảng tư tưởng của Đảng và của xã hội Việt Nam, như: “Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không thể là nền tảng xây dựng và phát triển của xã hội Việt Nam hiện nay” hay “Văn hóa Việt Nam với các giá trị vốn có là tài sản tinh thần duy nhất để xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh”; hoặc là tuyệt đối hóa hay tách rời Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh như: “Nền tảng tư tưởng của xã hội Việt Nam hiện nay chỉ cần Chủ nghĩa Mác-Lênin là đủ” hay “Chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ làm nền tảng tư tưởng phát triển của xã hội Việt Nam”... Không những xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng còn rắp tâm xuyên tạc, bôi nhọ cả về thân thế, sự nghiệp của Người; cho rằng, Hồ Chí Minh không có di sản nào, thay vào đó là những “di họa”. Chúng gán cho Hồ Chí Minh là “người bị buộc phải gánh vác tư tưởng”. 

Để hiện thực hóa âm mưu đen tối “hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh”, chúng lợi dụng tự do tư tưởng, ngụy trang dưới nhiều hình thức tinh vi, có lúc trắng trợn, có lúc ẩn sâu dưới vỏ bọc “nhà dân chủ”, “nhà bất đồng chính kiến” để nêu lên cái gọi là “ý kiến”, “kiến nghị”, “thư ngỏ”, tổ chức họp báo, tọa đàm, hội thảo… trong từng giới, từng lớp người. Đồng thời, đối lập cực đoan giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với các học trò xuất sắc của Người (như Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng…), những người hoạt động cùng thời; giữa hoàn cảnh lúc sinh thời với hiện tại... Mục đích của họ là để hậu thuẫn cho những quan điểm phản động và đưa mọi người đến chỗ hiểu sai về Hồ Chí Minh. Nguy hiểm hơn, mục đích của họ là tác động vào lớp trẻ, những người có năng lực, thông minh, nhiệt huyết, nhưng ý thức chính trị còn có những hạn chế, còn thiếu sự trải nghiệm và cảm nhận thấu đáo về cách mạng Việt Nam và Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với vai trò là lý luận của sự phát triển, nguồn năng lượng dồi dào cho dân tộc Việt Nam trên bước đường hội nhập, toàn cầu hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là những thủ đoạn rất tinh vi, thâm độc, nhằm làm sai lệch bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh, trực tiếp công kích, đả phá nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ ta. Thực chất là họ muốn “giải thiêng”, hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh-biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Mệnh lệnh cuộc sống

Từ giá trị lớn lao của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; từ thực tiễn đấu tranh bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, thực tiễn phòng, chống âm mưu hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh nói riêng, đã, đang và sẽ đặt ra một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, phòng, chống âm mưu hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh là “mệnh lệnh cuộc sống”, là tình cảm và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hai là, nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn phát triển tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với nghiên cứu chuyên sâu Chủ nghĩa Mác-Lênin; trong đó phải khẳng định cho được giá trị bền vững của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những vấn đề cần bổ sung, phát triển hoặc bị lịch sử vượt qua trên lập trường của GCCN.

Ba là, không ngừng nâng cao năng lực tư duy lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là năng lực nghiên cứu cơ bản, năng lực vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam gắn với năng lực nhận diện, đấu tranh có hiệu quả với kẻ thù tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bốn là, kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có tính nguyên tắc đối với Đảng ta, là nhiệm vụ quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng, lý luận, nhất là trong bối cảnh mới của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta; trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng tuyệt đối không được xa rời hoặc từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách sâu rộng ở cơ sở trong tình hình mới.

Năm là, tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, quản lý hiệu quả nguồn thông tin gắn với thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh các hiện tượng xuyên tạc, bôi nhọ lãnh tụ, hạ bệ Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Quân đội nhân dân
fb yt zl tw