Với những nét tương đồng về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, những năm qua, 6 tỉnh Việt Bắc đã tích cực hợp tác, liên kết, phát triển du lịch nhằm khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên và các giá trị di sản văn hóa của các tỉnh trong vùng để giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế. |
NẰM trọn trong vùng trung du miền núi Bắc Bộ, vùng Việt Bắc có tổng diện tích tự nhiên trên 37,2 km2, dân số trên 4,5 triệu người, là vùng đất mang đậm nhiều dấu ấn lịch sử, tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa đa dạng, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc phong phú, được gìn giữ từ đời này qua đời khác. Với nhiều lợi thế, ở cấp độ khác nhau, các tỉnh trong vùng đều xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, là khâu đột phá để phát triển kinh tế, xã hội tại mỗi địa phương. |
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, trước đây, các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch của các tỉnh còn khiêm tốn, chưa tạo được sức mạnh thúc đẩy phát triển du lịch của mỗi địa phương, việc làm du lịch vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm” khiến cho việc kết nối tour tuyến còn rời rạc, việc hình thành, tạo ra các sản phẩm du lịch mới còn nhạt nhoà. Có lẽ vì thế mà mặc dù sở hữu tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn nhưng du lịch các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc vẫn ít hấp dẫn với du khách. Với cú huých “Qua những miền di sản Việt Bắc” năm 2009 lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Hà Giang phần nào đã khai thông điểm nghẽn trong phát triển du lịch của 6 tỉnh Việt Bắc. Và sau nhiều năm luân phiên tổ chức tại các tỉnh trong khu vực, chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” đã góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 là Việt Bắc được xác định là 1 trong 7 vùng du lịch của cả nước, được phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ. |
Ông Lê Đức Nhân, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chẳng mấy khi có dịp được tìm hiểu, khám phá các địa điểm du lịch tại các tỉnh phía Bắc của Tổ quốc, nên gia đình tôi quyết định lựa chọn tour du lịch về nguồn, vừa kết hợp tìm hiểu các khu di tích lịch sử như ATK Định Hóa của Thái Nguyên, Tân Trào của Tuyên Quang, Pác Bó của Cao Bằng vừa tìm hiểu thêm về đời sống văn hóa truyền thống của người dân nơi đây. Đây thực sự là một chuyến đi rất ý nghĩa đối với gia đình tôi”. |
VỚI tiềm năng, thế mạnh riêng, ở cấp độ khác nhau, các địa phương vùng Chiến khu Việt Bắc đều xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết 08, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh ủy các tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch, nhằm đưa ngành du lịch ở mỗi địa phương phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh, góp phần đưa du lịch toàn vùng phát triển lên tầm cao mới. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhiều quy định, đề án được tỉnh ban hành, tổ chức thực hiện. Đặc biệt, Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh ra đời đã góp phần định hướng, phát triển đồng bộ du lịch của tỉnh phù hợp với Quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2023 – 2030; Đề án tổ chức đổi mới Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2022 – 2030… Sau khi các nghị quyết, đề án, kế hoạch được ban hành, hầu hết các ngành, địa phương đều cụ thể hóa các nhiệm vụ vào chương trình, kế hoạch của ngành, của địa phương; gắn phát triển du lịch với phát triển văn hóa, con người, đưa du lịch Tuyên Quang vượt khó, đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển bền vững. |
Để thực hiện khát vọng phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của mỗi tỉnh, Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” được tổ chức hàng năm đều được các tỉnh chủ nhà có cách thức tổ chức quảng bá riêng, có chương trình kế hoạch cụ thể gắn kết các chuỗi sự kiện của tỉnh và của các tỉnh trong khu vực, tạo ra hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền quảng bá; các nội dung được dàn dựng công phu thể hiện những đặc trưng văn hóa, thế mạnh du lịch vùng miền các tỉnh và khu vực Việt Bắc. |
Hoạt động trưng bày, triển lãm được chú trọng thông qua các gian hàng giới thiệu các sản phẩm, các ấn phẩm du lịch, chương trình du lịch, thông tin, hình ảnh về tuyến, điểm du lịch để quảng bá giới thiệu cho khách tham quan và các nhà đầu tư đối tác tiếp cận. Các sản phẩm từ các làng nghề, HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ phục vụ du lịch phong phú đặc sắc về chủng loại, tinh xảo trong chế tác, đa dạng về hình thức mẫu mã; các gian hàng ẩm thực quảng bá, giới thiệu về văn hóa ẩm thực địa phương thu hút đông đảo du khách tham quan. Đặc biệt năm 2022, lần đầu tiên 3 tour du lịch liên tuyến của 6 tỉnh Việt Bắc được ra mắt trong chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc”. Các tour được chọn lọc dựa trên những dấu ấn đặc trưng của từng địa phương để giới thiệu cho du khách và gắn kết các điểm thông qua một chủ đề xuyên suốt như: “Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn”; “Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc” và tour du lịch “Từ chiến khu Cách mạng Tân Trào đến Mặt trận biên giới Vị Xuyên”. Có thể nói, đây là 3 sản phẩm du lịch chuyên biệt đầu tiên mà 6 tỉnh trong vùng Việt Bắc phối hợp thực hiện, góp phần khẳng định thương hiệu chung của du lịch 6 tỉnh Việt Bắc đối với du khách trong và ngoài nước. |
Chị Chẩu Thanh Nga, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Cô Sơn Nữ (Tuyên Quang) cho biết, trước đây, công ty chủ yếu triển khai các tour trong ngày cho học sinh đi tham quan, học tập tìm hiểu lịch sử hay trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt, văn hóa truyền thống của người dân địa phương. Giờ đây nhờ đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch theo vùng, các sản phẩm du lịch đa dạng hơn, tăng trải nghiệm cho du khách, kéo dài thời gian lưu trú, lượng khách hàng đặt tour của công ty ngày càng tăng. Công ty cũng tăng cường liên kết với doanh nghiệp các tỉnh trong khu vực Việt Bắc để mang đến cho du khách những trải nghiệm tốt nhất tại mỗi điểm trong hành trình. |
TẠI hội thảo “Tiềm năng, nguồn lực và hiện trạng liên kết phát triển du lịch các tỉnh Chiến khu Việt Bắc" tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang vào tháng 4 – 2023, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, 6 tỉnh Chiến khu Việt Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội. Đồng chí cho rằng, các địa phương cần đánh giá sâu sắc về tiềm năng, lợi thế và xác định mục tiêu xây dựng, định vị thương hiệu du lịch vùng, đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch, thu hút đầu tư và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính liên kết. Đồng thời, xác định cách tiếp cận mới trong xây dựng liên kết vùng; nhìn nhận một cách toàn diện về những khó khăn, thách thức, xác định rõ điểm nghẽn cần khơi thông. |
Đặc biệt, Chương trình “Điện ảnh - Kết nối di sản và du lịch Tuyên Quang” kết nối các doanh nghiệp, điện ảnh đến với Tuyên Quang, Đoàn đại biểu với các thành viên của Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh Việt Nam, Viện phim Việt Nam, Tham tán Văn hóa đại sứ quán một số nước phát triển điện ảnh, các đạo diễn, nhà biên kịch… sẽ khảo sát các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh… tại các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình. Qua đó lựa chọn các bối cảnh phù hợp thực hiện sản xuất phim điện ảnh, truyền hình, phim tài liệu… |
Chương trình “Trưng bày, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt” và Lễ hội bia Hà Nội là nơi du khách có thể tận hưởng các phong vị ẩm thực mang đậm bản sắc vùng miền nổi tiếng được chế biến bởi những bàn tay tài hoa, khéo léo của các đầu bếp, nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng. Đến với Hội chợ Thương mại, Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023, nhân dân và du khách thập phương dễ dàng lựa chọn những sản phẩm nông nghiệp nông thôn chất lượng, hàng trăm sản phẩm OCOP cả các địa phương. |
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết thêm, theo kế hoạch liên kết phát triển du lịch năm 2023, 6 địa phương tiếp tục phối hợp trong việc quảng bá, cung cấp thông tin hỗ trợ lẫn nhau về thời gian và nội dung các lễ hội, các sự kiện văn hóa quan trọng… Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động liên kết, quảng bá, xúc tiến du lịch trong vùng, trong nước và quốc tế. Với xu hướng phát triển du lịch văn hoá, du lịch xanh gắn với phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh liên kết vùng miền, mang lại sự trải nghiệm tích cực cho du khách, miền di sản kỳ diệu Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang chắc chắn tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của du khách. |