Đạo đức của Đảng ta là đạo đức cách mạng. Nói cách khác là đạo đức chính trị của Đảng. Đó là đạo đức mang bản chất giai cấp công nhân, phát triển trên nền móng đạo đức dân tộc Việt Nam từ truyền thống tới hiện đại, phù hợp đạo đức nhân loại.
>>> Bài 1: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII - Một quyết sách chính trị mang tầm chiến lược
Vấn đề đạo đức có mối quan hệ hữu cơ với các lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nó chi phối toàn bộ hoạt động, mục tiêu, lý tưởng chính trị và phẩm chất chính trị của Đảng nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng nói riêng. Xây dựng về đạo đức trong công tác xây dựng Đảng tự nó trở nên hết sức quan trọng, xét cả trên phương diện lý luận và thực tiễn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc của người cách mạng. Người khẳng định: “Làm cách mạng là công việc to tát, nếu không có đạo đức thì làm sao làm nổi; làm sao lãnh đạo được nhân dân”. Vấn đề đạo đức của đảng viên và xây dựng đạo đức trong Đảng, ngay từ lúc chuẩn bị thành lập Đảng, đã được coi là vấn đề rất quan trọng. Và sau này, khi Đảng ra đời và trưởng thành, luôn được quan tâm xứng đáng và ngang tầm trọng trách trong tất cả các giai đoạn cách mạng nước nhà, dưới ngọn cờ của Đảng. Đặc biệt, đạo đức xuyên thấm trong cả ba phương diện xây dựng Đảng: Chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Ảnh minh họa. |
Mục tiêu chính trị của Đảng ta là gì, nếu không phải là vì độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Đó là lý tưởng chính trị. Đó cũng chính là đạo đức chính trị. Mục đích cao nhất của đạo đức chính trị của Đảng Lao động Việt Nam, ngay từ tháng 2-1951, nói gọn, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, là: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. Trung với nước, hiếu với dân là một phẩm chất đạo đức, đồng thời là lý tưởng chính trị của những chiến sĩ cộng sản chân chính, về tư tưởng chính trị. Tư tưởng đạo đức không chỉ thể hiện nhận thức đúng đắn về các giá trị đạo đức, mà còn chi phối hành động đạo đức. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, không thể không quan tâm đến xây dựng tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên.
Xây dựng Đảng về tổ chức, dù hàng vạn chi bộ hay cơ sở đảng, hàng triệu đảng viên, nhưng được tổ chức chặt chẽ, để Đảng trở thành một khối thống nhất như “cha con một bụng”, trăm người như “huynh đệ một nhà”, “muôn cành chung một cội”. Để tạo nên một tổ chức như vậy, không thể chỉ quan tâm đến các nguyên tắc (dù hết sức căn bản), mà coi nhẹ, hoặc lãng quên giáo dục đạo lý, tình thương, lẽ phải… tức là đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đó là đạo đức chính trị. Cổ nhân nói: Đức hạnh là nền tảng của mọi thứ và chân lý là bản chất của đức hạnh.
Rõ ràng: Đối với Đảng ta, chính trị là đạo đức.
Yếu tố đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh về đạo đức đã nằm trong tất cả các hoạt động xây dựng Đảng, trong mục tiêu xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Không phải ngẫu nhiên, suốt gần 50 năm, ngay từ “Tư cách của người cách mạng" và trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (năm 1927) và trong “Mười hai điều xây dựng Đảng cách mạng chân chính” ở tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Và trong Di chúc (năm 1969), Người vẫn căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư". Khi Đảng cầm quyền, vấn đề đạo đức và quyền lực luôn là một vấn đề sinh tử.
Đạo đức của Đảng biểu hiện tập trung ở mục tiêu, lý tưởng chính trị và hành động chính trị của Đảng. Đó là tiên phong thực hiện sứ mệnh giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho muôn dân. Từ mục tiêu, lý tưởng đó, toàn Đảng và từng cán bộ, đảng viên trong mọi suy nghĩ và hành động phải quán triệt và thấm nhuần sâu sắc phương châm: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh". Đạo đức của Đảng còn biểu hiện cụ thể, sinh động và chân thực ở phẩm chất đạo đức, lối sống, cách ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng: Đó là tiên phong trong lao động, học tập, công tác và chiến đấu, luôn gương mẫu trong lời nói và việc làm; sự trung thực, thẳng thắn, khiêm tốn, giản dị; là tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ", quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết; gắn bó máu thịt với nhân dân; luôn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; yêu thương con người; ít lòng ham muốn về vật chất; có tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung;... Đó là đạo đức chính trị. Tiền nhân nói: Không bao giờ có một người thực sự vĩ đại, mà không phải là người thực sự đạo đức.
Rõ ràng: Đối với Đảng ta, chính trị là đạo đức.
Đạo đức của Đảng nói chung và đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng, như Bác Hồ từng huấn thị: “Không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Để giáo dục, xây dựng và rèn luyện đạo đức cần phải làm theo các nguyên tắc: “Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức"; “Xây đi đôi với chống” và “Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời”. Để xây dựng Đảng về đạo đức, làm cho Đảng ta xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”, theo Hồ Chí Minh, cần phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân; thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình một cách có hiệu quả; dựa vào nhân dân; làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát; mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác, tự nguyện tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống.
Từ thực tiễn suốt 87 năm lịch sử của Đảng, không phải tới Đại hội XII, Đảng mới đề cập đến vấn đề rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên và công việc này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt phải đặc biệt quan tâm, qua từng kỳ đại hội. Tùy tình hình, mức độ và yêu cầu thực tiễn đặt ra trong từng giai đoạn, từng nhiệm kỳ để Đảng xác định cụ thể về nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về đạo đức. Bởi lẽ, đạo đức là "cái gốc", là nền tảng và là động lực để tạo nên sức mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng.
Từ khi ra đời, nhất là hơn 72 năm cầm quyền, Đảng ta trở thành người đồng chí, người bạn của hơn 80 đảng cộng sản và công nhân, các đảng cầm quyền và liên minh các đảng cầm quyền khắp các châu lục, đầy tin cậy và tôn trọng. Dưới ngọn cờ của Đảng, nước ta đặt mối giao hảo chính trị, hợp tác toàn diện ở các tầm mức khác nhau với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trong tình bạn thủy chung, đối tác tin cậy… Vị thế chính trị quốc gia, nhờ đó, được khẳng định và uy tín chính trị dân tộc không ngừng được nâng cao. Nền tảng làm nên và là giềng mối bảo đảm các mối quan hệ chính trị ấy chính là tình hữu ái nhân loại, tình đồng chí, tình bầu bạn…Nghĩa là đạo đức chính trị!
Cách đây 58 năm, vào tháng 8-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chính trị là linh hồn…Chính trị là đức…, đức là chính trị”. Nói khái lược, Đảng ta đặt vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức trong tổng thể công tác xây dựng Đảng toàn diện là nhu cầu tự thân; đồng thời, là đòi hỏi khách quan từ công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế hiện nay. Rõ ràng, xây dựng Đảng về đạo đức là điểm mới mẻ, công việc rất quan trọng được Đại hội XII bổ sung và khẳng định. Nó góp phần quyết định hoàn thiện bản chất của Đảng, phát triển công tác xây dựng Đảng ở tầm mức mới cả về định tính và định lượng, ở quy mô và tính chất, cả pháp lý và đạo lý nhằm không ngừng nâng cao sức sống, bảo đảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm trọng trách lịch sử dân tộc giao phó.
Và Đại hội XII của Đảng lĩnh nhiệm yêu cầu lịch sử và trọng trách cần phải có của Đảng và quyết định phải: Xây dựng Đảng về đạo đức. Đây là công việc ngang hàng trong tổng thể các công việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Do vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 là khâu đột phá, có ý nghĩa tiên phong tiếp tục phát triển khoa học về Đảng và công tác xây dựng Đảng. Với 27 biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là những mặt phi đạo đức chính trị, phản đạo đức chính trị cần kiên quyết tẩy trừ cấp bách. Điều đó càng cho thấy xây dựng Đảng về đạo đức là một trong bốn phương diện xây dựng Đảng một cách chỉnh thể, mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII có ý nghĩa đi trước mở đường, khai phá mới mẻ một cách hệ thống và chỉnh thể. Mục tiêu "xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức", do đó trở nên hoàn bị, hài hòa và thiết thực, ngang tầm vị thế và trách nhiệm lịch sử cầm quyền của Đảng hiện nay.
Đó cũng là yêu cầu phát triển, là chân trời sáng tạo của khoa học xây dựng và phát triển Đảng kiểu mới, kế tục từ V. I. Lê-nin đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà Đảng và tất cả chúng ta nghiêm cách và nỗ lực thực thi, nhằm góp phần xây dựng Đảng ta thực sự là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân, xứng đáng là đứa con nòi của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng của đạo đức, của văn minh, của đoàn kết và thống nhất, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn thịnh, văn minh, tiến bộ và nhịp bước cùng thời đại.