Năm học 2024 - 2025, thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 2 vui mừng khi ngôi trường mới khang trang với tổng trị giá 10 tỷ đồng do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Lào Cai (Agribank Chi nhánh Lào Cai) đầu tư xây dựng được bàn giao, đưa vào sử dụng. Ngôi trường có quy mô công trình nhà 4 tầng, gồm 10 phòng học, 6 phòng công vụ với tổng diện tích 1.654 m2.
Thầy giáo Nguyễn Tiến Công, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước đây, trường chỉ có 1 dãy nhà 2 tầng, 2 dãy nhà cấp 4 làm phòng học đã xây dựng từ năm 2009 nên khá cũ và chật chội. Nhà trường còn thiếu một số phòng học chức năng và phải tận dụng cả khu nhà bán trú của học sinh để làm phòng làm việc cho giáo viên. Có trường, lớp học mới, nhà trường đã đón được toàn bộ học sinh ở 2 điểm trường lẻ về điểm trường chính, sớm 1 năm so với lộ trình đề ra.
Ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố cho biết: Xã có 4 đơn vị trường học (1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS), hơn 1.000 học sinh. Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, các trường học trên địa bàn xã Hoàng Thu Phố đã tiếp nhận nhiều nguồn tài trợ, viện trợ để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy học. Đặc biệt, Trường PTDT bán trú Tiểu học số 1 Hoàng Thu Phố và Trường PTDT bán trú Tiểu học số 2 Hoàng Thu Phố mới được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 23 tỷ đồng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Năm học 2024 - 2025, xã Nậm Mòn có 1.029 học sinh từ bậc mầm non đến THCS. Để đảm bảo cơ sở vật chất năm học mới, UBND xã đã chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn tập trung rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị như đồ dùng dạy học, sách giáo khoa, vận động quyên góp sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để xây dựng trường, lớp ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Ông Giàng Seo Nhà, Chủ tịch UBND xã Nậm Mòn cho biết: Xã đã chỉ đạo các nhà trường sử dụng nguồn vốn duy tu, sửa chữa hàng năm để bổ sung, sửa chữa cơ sở vật chất. Đến nay, tỷ lệ kiên cố và bán kiên cố phòng học trên địa bàn xã đạt 100%.
Với đặc thù là huyện vùng cao, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số nên điều kiện kinh tế - xã hội tại Bắc Hà còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác giáo dục của huyện luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo và được ưu tiên các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, củng cố và phát triển hệ thống, mạng lưới giáo dục từ mầm non đến THPT. Để nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, các trường trên địa bàn đã huy động sức dân, sự ủng hộ của các cá nhân, doanh nghiệp xây dựng nhiều công trình phụ trợ như nhà đa năng, khuôn viên, hệ thống dẫn nước sinh hoạt về trường... đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở vật chất và thiết bị dạy học trong xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Đến nay, toàn huyện có 61 trường học, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, 807 phòng học; 348 phòng học bộ môn và kho thiết bị; 38 phòng thư viện; 385 phòng làm việc; 442 phòng ở cho học sinh bán trú; 204 phòng công vụ... Tỷ lệ lớp học kiên cố đạt hơn 80%, không còn phòng học tạm. Dự kiến về quy mô ở các cấp học đến năm 2030, toàn huyện có 62 trường và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã xây mới 232 phòng học, 156 phòng chức năng, 4 nhà đa năng, 211 phòng bán trú cho học sinh và nhiều công trình phụ trợ. Kết quả giải ngân đến hết năm 2023 là hơn 145 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Nam Chinh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bắc Hà cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, như một số trường học trên địa bàn huyện khó khăn về cơ sở vật chất, đặc biệt là các trường liên cấp, trường có số lượng học sinh và học sinh bán trú đông, trường mới thành lập hoặc sau sáp nhập, các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên.
Giai đoạn 2026 - 2030 huyện Bắc Hà có nhu cầu đầu tư 120 phòng học, 186 phòng bộ môn, 124 phòng chức năng, 440 phòng ở cho học sinh bán trú, 56 phòng công vụ giáo viên, 28 nhà đa năng và các công trình phụ trợ. Để đầu tư số phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ trên đòi hỏi nguồn lực khá lớn. UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát toàn bộ nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, dự báo sát nhu cầu cần thiết đối với cơ sở vật chất trường lớp học giai đoạn 2026 - 2030 để trình HĐND huyện xem xét thông qua Nghị quyết đầu tư công. Đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn mua sắm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại.