Ở Lạng Sơn, ngoài những điểm đến về du lịch như quần thể hang động Nhị Thanh - Tam Thanh, khu du lịch Mẫu Sơn, địa danh ải Chi Lăng gắn với những chiến thắng vang dội của đất và người xứ Lạng, du khách còn được đến với những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như Chùa Tam Thanh ở phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn; đền Bắc Lệ, huyện Hữu Lũng; đền mẫu Đồng Đăng, huyện Cao Lộc… Cùng đó, các chợ ở thành phố Lạng Sơn như chợ đêm Kỳ Lừa, chợ Đông Kinh, chợ Tân Thanh với lượng hàng hóa phong phú đa dạng trong nước và nước bạn là điều hấp dẫn du khách bốn phương đến đây.
Thế nhưng tại khách sạn Hướng Dương trên đường Lê Lai, chúng tôi rất lấy làm lạ bởi tất cả các đồ dùng, đồ sinh hoạt đến các họa tiết bài trí trong khách sạn như ti vi, bàn ghế, điện thoại di động, bát, đĩa, chăn ga, gối đệm, quần áo, giày, dép… không có gì là hàng hóa của nước bạn. Tò mò, tôi hỏi một bạn trẻ:
- Em à, ở trong chợ Đông Kinh chị thấy hàng hóa rất đẹp và rẻ. Sao không thấy mọi nhà ở đây dùng nhỉ?
- Mọi nhà chỉ thích dùng các loại chăn, đệm bông… do Việt Nam sản xuất vừa êm, ấm mà không hại sức khỏe chị ạ!
Đem những thắc mắc của mình với các bạn đồng nghiệp ở Lạng Sơn, mọi người cũng đều cho biết rằng ở đây người dân chỉ chuộng hàng Việt. Bản thân những đồng nghiệp của tôi ở đây là những người trẻ nhưng đều chọn cho mình những bộ quần áo, chiếc điện thoại… có tem nhãn Việt Nam sản xuất.
Không giống như những người dân ở vùng giáp biên khác, người dân Lạng Sơn có đủ điều kiện để sản xuất rau và chăn nuôi đáp ứng một phần sinh hoạt của chính mình và tạo ra những đặc sản nổi tiếng như vịt quay, lợn quay. Không những vậy, Lạng Sơn còn có một vùng chuyên canh sản xuất rau sạch, có lẽ vì thế mà du khách gần xa đến đây không thể bỏ qua được các món ngon về các loại rau ngồng vừa giòn lại vừa ngọt, rau sâu mọc trên lưng chừng núi vừa thơm mùi thảo quả, lại bùi như trám đen, pha một chút chát chát như chuối xanh chấm với mẻ.
Ở Lạng Sơn, rau ngải rất nhiều, khắp các vệ đường, chân đồi, khe núi chỗ nào cũng thấy rau ngải chen chúc mọc bạt ngàn, chẳng thế mà vừa mở mắt ra đã thấy bà bán bánh ngải gõ cửa mời chào ăn thử rồi mua về làm quà cho gia đình.

Bánh trôi nước xứ Lạng.
Ngày ở Lạng Sơn cảm giác thật ngắn. Đêm về, thành phố Lạng Sơn như không ngủ. Dòng người từ khắp các nẻo đường đổ về chợ đêm Kỳ Lừa càng về đêm càng đông hơn. Hầu hết khách đến mua hàng là người ở các tỉnh khác đến. Sau khi chọn cho mình những món hàng ưng ý, lúc ra về đã rất khuya, để xua đi cái giá lạnh, mọi người đều tự thưởng cho mình món bánh trôi nóng đặc sản ở đây. Gọi là bánh trôi nhưng bánh làm bằng bột gạo nếp, xoa tròn, đập bẹp xuống, rắc vừng lên bề mặt, không có nhân, sau đó thả vào nồi nước dừa, cho thêm đường vào đun xôi cùng với vài lát gừng. Khi bánh chín, người ta múc cả bánh cùng nước với nhau, rắc lên trên miệng bát những viên lạc rang giòn, thơm cùng những sợi dừa trắng muốt làm cho bát bánh trôi càng thêm phần hấp dẫn. Chỉ cần đưa bát bánh lên bờ môi đã thấy được cái rét như bị đẩy xa, chỉ còn lại vị ngọt ngào, đậm đà trong hương bánh mà thôi…
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, không đến, không đi làm sao biết được người xứ Lạng còn nhiều điều đáng trân trọng và học tập.
Thanh Thủy