Khi hồ sơ của bạn đã được đánh giá tốt, phù hợp với tiêu chí tuyển dụng, bạn sẽ nhận được cuộc hẹn phỏng vấn việc làm. Đây là cơ hội quan trọng nhất để bạn thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy được những giá trị và cả tiềm năng trong tương lai của mình. Nhưng, có thể do bạn đã cố gắng tạo ấn tượng thật tốt “một cách thái quá” lại tạo thành những sai lầm “không thể cứu vãn” được.
Vậy đó là những lỗi sai nào nên tránh khi kiếm việc nhanh tại TPHCM và bất kỳ nơi nào khác?

Thiếu trung thực
Bạn muốn thể hiện mình là người có năng lực nên đã “lỡ miệng” nói quá về chức vụ từng được đảm nhận ở chỗ làm cũ, thành tích đạt được hay mức lương nhận được… Rất nhiều ứng viên đã bị đánh rớt vì sai lầm này khi cuộc phỏng vấn tưởng chừng đã diễn ra rất tốt đẹp.
Thực tế, nhà tuyển dụng có nhiều cách để kiểm tra thông tin về lịch sử làm việc của bạn. Vậy nên lời khuyên của các chuyên gia nhân sự là nên trung thực. Những lời nói dối, tâng bốc bản thân quá mức sẽ đem lại “tác dụng ngược”. Sự trung thực luôn cần thiết ở bất cứ môi trường làm việc nào.
Thái độ thiếu tôn trọng
Năng lực và đạo đức của ứng viên là điều nhà tuyển dụng quan tâm hàng đầu, trong đó đạo đức được xem là yếu tố có tính chất quyết định.
Đạo đức ứng viên ở vòng phỏng vấn được thể hiện qua thái độ của bạn đối với mọi người xung quanh: với nhà tuyển dụng, với nhân viên công ty, bộ phận bảo vệ và cả người dọn dẹp vệ sinh… Đôi khi một hành động, lời nói thiếu tế nhị sẽ làm bạn đánh mất thiện cảm và chắc chắn sai lầm này không thể cứu vãn cho dù bạn đủ năng lực đáp ứng tiêu chí tuyển dụng.

Do đó, để cuộc phỏng vấn được diễn ra tốt đẹp, bạn nên cẩn trọng trong thái độ ứng xử của mình đối với tất cả mọi người. Luôn tôn trọng, hòa nhã, vui vẻ với những người bạn gặp. Đặc biệt cần giữ thái độ tôn trọng nhà tuyển dụng dù kết quả bạn có được nhận việc hay không.
Nói về điểm yếu của mình như một điều hiển nhiên
Phỏng vấn việc làm là “cơ hội vàng” duy nhất để bạn tạo thiện cảm và chinh phục nhà tuyển dụng với những ưu thế của mình. Với tầm quan trọng đó, bạn nên tận dụng khoảng thời gian quý giá này đề cập đến những tiềm năng và lợi ích mà bạn mang lại cho công ty.
Ngược lại vẫn có một số ứng viên quá tự ti hoặc thiếu kỹ năng giao tiếp đã đề cập đến điểm yếu của mình một cách “hồn nhiên”. Chẳng hạn: “Tôi biết mình còn thiếu kinh nghiệm, chưa từng làm công việc này nhưng sẽ cố gắng hết sức để làm tốt” hay “Trước đến nay tôi rất ít khi làm công việc di chuyển mà tôi cũng không thích điều đó. Tuy nhiên tôi mong muốn được nhận công việc này, tôi cam kết rằng mình sẽ nỗ lực thay đổi bản thân để thích ứng với tính chất công việc hay di chuyển này…”
Thực tế ngay khi đưa ra câu trả lời chứa điểm yếu của mình bạn đã bị mất điểm. Bởi vì nhà tuyển dụng sẽ không đánh giá cao bất kì cam kết (lời hứa hẹn) nào của ứng viên.
Quên tương tác sau phỏng vấn
Có thể sau khi cuộc phỏng vấn việc làm kết thúc bạn không để ý nên quên nói lời cảm ơn, quên email phản hồi. Đây là một sơ suất nhưng đồng thời cũng là một sai lầm khá lớn gây mất thiện cảm của nhà tuyển dụng.
Hành động này cho thấy bạn chưa thực sự chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng giao tiếp. Điều này cũng làm cho nhà tuyển dụng suy nghĩ lại dù bạn đáp ứng được các tiêu chí về năng lực.

Để tránh sai lầm đáng tiếc này, bạn nên chú ý kỹ năng giao tiếp và nhớ nói lời cảm ơn chân thành nhất đến người đã bỏ thời gian vì bạn, hoặc bạn có thể bổ sung email phản hồi ngay sau khi phỏng vấn kết thúc.
Sai lầm vốn là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên, nếu bạn lưu ý và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì cơ hội có được công việc mong muốn sẽ nhiều hơn. Tránh mắc các sai lầm trên đây khi phỏng vấn việc làm để nâng cao cơ hội của mình nhé.