Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Xuyên đêm chinh phục Ky Quan San

Xuyên đêm chinh phục Ky Quan San

Khi mặt trời xế bóng và màn sương bao phủ khắp núi rừng cũng là lúc những đống lửa ấm áp được nhóm lên giữa lưng chừng đại ngàn Ky Quan San. Ngọn lửa rực hồng giúp đôi chân bớt mỏi, bàn tay bớt cóng và tiếp thêm động lực để chúng tôi tiếp tục chinh phục đỉnh núi cao thứ 4 Việt Nam.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
3-6505.jpg

Những giọt mưa cuối đông lất phất bay cũng đủ làm hành trình chinh phục đỉnh Ky Quan San trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Thế nhưng, với sức hút riêng có, hoang sơ mà hùng vĩ cùng quyết tâm vượt qua giới hạn của bản thân, chúng tôi đã quyết định khoác ba lô lên đường chinh phục đỉnh Ky Quan San.

Dãy Ky Quan San còn được gọi với cái tên khác là “Bạch Mộc Lương Tử” có đỉnh núi cao 3.046 m so với mực nước biển - cao thứ 4 Việt Nam, xếp sau đỉnh Fansipan, Pu Si Lung, Pu Ta Leng. Dãy Ky Quan San là ranh giới tự nhiên phân chia 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Chinh phục đỉnh Ky Quan San lần này, chúng tôi chọn xuất phát điểm từ xã Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát). Sau gần 1 giờ leo bộ, đoàn đã đặt chân đến khu vực rừng già với thảm động - thực vật vô cùng phong phú. Những cây gỗ cổ thụ sừng sững giữa đại ngàn. Thi thoảng lại thấy một vài con cầy hương, sóc đen đuổi nhau lao vun vút qua lối mòn rồi mất hút sau những lùm cây. Ông Ngô Kiên Trung, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết: Những cánh rừng nguyên sinh ở đây được chúng tôi và cộng đồng dân cư bảo vệ rất nghiêm ngặt, không có sự xâm hại của con người. Những loài động vật, thực vật ở đây không chỉ góp phần tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường mà còn là tài sản vô giá để phát triển du lịch.

Mải mê chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ và ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng khiến cung đường chinh phục đỉnh Ky Quan San với chúng tôi trở nên ngắn và dễ dàng hơn. Quá trưa, đoàn tạm nghỉ, chúng tôi bỏ xôi nắm mang theo ra ăn để có thêm năng lượng tiếp tục hành trình. Đến độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển, các thành viên trong đoàn vỡ òa trong cảm xúc sung sướng, mệt nhọc tan biến khi được tận mắt chứng kiến những cây hoa đỗ quyên cổ thụ khoe sắc đỏ rực cả cánh rừng. Với vẻ đẹp kiều diễm, kiêu sa, đỗ quyên được mệnh danh là “đệ nhất hoa”, “nữ hoàng hoa” của đại ngàn Ky Quan San. Ngoài hoa đỗ quyên, ở độ cao này thi thoảng chúng tôi còn bắt gặp những khóm hoa cẩm tú cầu. Không có bàn tay chăm sóc của con người nhưng hoa cẩm tú cầu trên đỉnh Ky Quan San vẫn đủ rực rỡ, khoe sắc níu chân du khách.

2-3237.jpg

Một ngày chinh phục đỉnh Ky Quan San trôi qua, chúng tôi dừng chân ở điểm nghỉ 2.100 m so với mực nước biển. Đây là điểm nghỉ tạm duy nhất trên hành trình chinh phục đỉnh Ky Quan San do nhóm porter (những người hỗ trợ khuân vác hành lý cho du khách leo núi) xã Sàng Ma Sáo xây dựng để phục vụ du khách. Vừa đến lán nghỉ, porter Sùng A Nụ - người ở thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo - và “đồng nghiệp” vội vào bếp chuẩn bị cho bữa ăn tối. Chưa đầy 1 giờ đồng hồ, nhóm của Nụ đã chuẩn bị xong bữa cơm tối khá tươm tất, với các món ăn quen thuộc như đậu sốt cà chua, thịt lợn đen rang cháy cạnh, thịt ba chỉ xào mầm thảo quả, rau dớn rừng xào tỏi… Sau một ngày leo núi vất vả, tiêu tốn nhiều năng lượng, ai cũng thấy rất đói, vì thế bữa cơm giữa đại ngàn Ky Quan San không khác gì thưởng thức “sơn hào hải vị” chất chứa tình cảm của người dân bản địa với chúng tôi nói riêng, khách du lịch nói chung.

Xong bữa cơm tối, porter Sùng A Nụ kiếm củi khô nhóm lửa, đun nước hãm ấm chè xanh cổ thụ hái trên rừng để chúng tôi quây quần thưởng thức. Những câu chuyện thú vị về đất và người giữa đại ngàn Ky Quan San được kể bởi porter tạo thêm sự tò mò, háo hức cho mỗi chúng tôi. Porter Sùng A Nụ kể: Những năm gần đây, du khách chinh phục đỉnh Ky Quan San ngày càng đông, vì thế công việc của chúng tôi cũng đều hơn, thu nhập cũng ổn định hơn. Chúng tôi mong tuyến du lịch chinh phục đỉnh Ky Quan San được quảng bá rộng rãi để đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm, góp phần vào sự phát triển chung của du lịch Lào Cai.

a1-14-7236.jpg
Porter Sùng A Nụ.

Vì đã thấm mệt nên hơn 9 giờ đêm là cả đoàn đã nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. 5 giờ sáng hôm sau, chúng tôi được đánh thức bằng ánh bình minh xuyên qua các khe ván gỗ. Theo hướng dẫn của porter, chúng tôi di chuyển khoảng 700 m để đến đỉnh núi Muối “săn mây”. Thật may mắn khi thời tiết ủng hộ, việc săn mây trở nên thuận lợi hơn, đạt kết quả ngoài mong đợi. Từ trên cao nhìn xuống, dòng sông mây cuộn chảy, bao quanh những ngọn núi tạo ra một khung cảnh vô cùng lãng mạn, huyền ảo. Dù ai cũng muốn tiếp tục ở lại để ngắm mây trời nhưng thời gian không cho phép nên đành trở lại lán nghỉ để ăn sáng và tiếp tục hành trình. Dù trong điều kiện khó khăn nhưng nhóm porter của Sùng A Nụ đã chuẩn bị cho chúng tôi bữa sáng khá tươm tất: Mỗi người 1 bát mỳ tôm và 2 quả trứng gà luộc. Nguồn năng lượng này đủ để chúng tôi chinh phục phần còn lại của đỉnh cao Ky Quan San.

Qua điểm nghỉ chân 2.100 m mới thực sự là thử thách với chúng tôi trên con đường chinh phục đỉnh Ky Quan San. Những dòng suối với đá cuội phủ rêu trơn trượt cắt ngang đường đi, hoặc những dốc đá thẳng đứng, có những đoạn phải đu dây để ngược núi khiến cho bất kỳ ai khi quyết định vượt qua đều phải rùng mình. Đến độ cao khoảng 2.400 m so với mực nước biển, đây được coi là vương quốc của những loài hoa rừng với đủ loại sắc màu… Ở độ cao này cũng xuất hiện những loài thảo dược vô cùng quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như Hoàng Liên lá gai, Hoàng Liên ô rô…

a1-18-2445-5018.jpg
a1-19-8937-9889.jpg
Những cây thuốc quý trên đỉnh Ky Quan San.

Độ cao 2.600 m là khu vực được người dân địa phương gọi với cái tên “sống lưng khủng long”. Việc di chuyển qua “sống lưng khủng long” vô cùng khó khăn, nếu mất tập trung rất dễ xảy ra tai nạn và hậu quả khôn lường. Qua “sống lưng khủng long”, chúng tôi được thong dong di chuyển qua cánh rừng đỗ quyên cổ thụ. Thử thách cuối cùng trong hành trình chinh phục đỉnh Ky Quan San là vượt qua khu vực rừng trúc nguyên sinh. Gần đến trưa, mặc dù đã cạn kiệt năng lượng nhưng bước chân của mỗi người chúng tôi vẫn thoăn thoắt xuyên qua rừng trúc, hướng về đỉnh Ky Quan San. Cuối cùng, bao mệt nhọc, vất vả trong suốt hành trình cũng tan biến khi chúng tôi được đặt chân lên đỉnh.

4-8800.jpg

Anh Nguyễn Mạnh Thắng - du khách đến từ Hà Nội - cho biết: Quả thực, chinh phục đỉnh Ky Quan San khá vất vả. Nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc vì nghĩ không thể bước thêm nữa, nhưng nhờ có mọi người động viên và quyết tâm của bản thân, tôi đã chinh phục thành công đỉnh Ky Quan San. Khi đặt chân lên đỉnh núi cao thứ 4 Việt Nam, tôi đã vượt qua được giới hạn của bản thân, quên hết mệt mỏi, hòa mình vào đất trời, thỏa sức chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ nơi núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc.

Chinh phục Ky Quan San khó khăn, vất vả là điều không thể phủ nhận nhưng thành quả nhận lại cũng rất xứng đáng. Khi sức khỏe còn cho phép, bản thân còn muốn chinh phục những đỉnh cao và thử thách giới hạn của bản thân thì không có lý do gì cản trở chúng ta cất bước lên đường chinh phục Ky Quan San…

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Kỳ cuối: Chạm mặt quần thể đỗ quyên khổng lồ

Chinh phục Sinh Tcha Pao - “săn” đỗ quyên khổng lồ Kỳ cuối: Chạm mặt quần thể đỗ quyên khổng lồ

Tiếp tục hành trình chinh phục đỉnh Sinh Tcha Pao, chúng tôi thức dậy giữa đại ngàn khi những chú chim rừng vừa cất tiếng hót gọi bình minh. Dưới tán lá dày đặc của rừng nguyên sinh, trời vẫn chưa sáng. Cả đoàn lục tục nhóm lửa, nấu nước pha mì tôm làm bữa sáng.

Đầu tư phát triển du lịch tâm linh

Đầu tư phát triển du lịch tâm linh

Du lịch tâm linh là xu hướng phổ biến hiện nay. Nhu cầu du lịch tâm linh của người dân Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển.

Kỳ 1: Gian nan chinh phục Sinh Tcha Pao

Chinh phục Sinh Tcha Pao - “săn” đỗ quyên khổng lồ Kỳ 1: Gian nan chinh phục Sinh Tcha Pao

Với những người yêu thích khám phá, chinh phục núi cao, Sinh Tcha Pao, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn như lời mời gọi hấp dẫn bởi cung đường núi hoang sơ, vắng dấu chân người, đầy thử thách với con dốc “tức thở” cùng vách đá cao dựng đứng. Sinh Tcha Pao còn hấp dẫn với quần thể đỗ quyên khổng lồ, khoe sắc rực rỡ mỗi độ tháng Ba về mà hiếm đỉnh núi nào có được.

Bức họa đồ mùa nước đổ trên vùng cao Lào Cai

Bức họa đồ mùa nước đổ trên vùng cao Lào Cai

Tháng 5, những cơn mưa rào mùa hạ ùa về làm cho những tràn ruộng bậc thang trên khắp rẻo cao Lào Cai bừng tỉnh. Mùa này, đồng bào vùng cao bắt đầu vào vụ cày cấy, làm cho khung cảnh ruộng bậc thang trở nên đẹp như bức tranh họa đồ khổng lồ với những đường nét mềm mại, màu sắc sinh động, nhất là buổi bình minh hay dưới ánh mặt trời buổi hoàng hôn.

Bát Xát - Bức họa mùa nước đổ

Bát Xát - Bức họa mùa nước đổ

Nếu du khách đang tìm kiếm một chốn du lịch vừa hùng vĩ với núi đồi, vừa lãng mạn với cỏ cây, hoa lá thì huyện Bát Xát là nơi đáng đến trong chuyến trải nghiệm vào mùa nước đổ.

Chương trình chia sẻ kết quả khảo sát thực trạng du lịch tỉnh Lào Cai

Chương trình chia sẻ kết quả khảo sát thực trạng du lịch tỉnh Lào Cai

Chiều 8/5, Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam và nhà thầu Tư vấn Quản lý Dự án GREAT 2 (Dự án thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tỉnh Lào Cai) phối hợp với Sở Du lịch tổ chức chương trình chia sẻ kết quả khảo sát thực trạng du lịch tỉnh Lào Cai.

Du khách Việt ngày càng ưu tiên lựa chọn du lịch bền vững

Du khách Việt ngày càng ưu tiên lựa chọn du lịch bền vững

Du khách Việt Nam khẳng định rằng du lịch bền vững đóng một vai trò quan trọng trong lựa chọn mong muốn thực hiện các chuyến đi bền vững hơn trong vòng 12 tháng tới. Đây là một phần kết quả trong báo cáo Du lịch Bền vững 2024 của nền tảng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến toàn cầu Booking.com.

fb yt zl tw