Một ngày lang thang hóng gió, tôi bất ngờ nhìn thấy một cửa hàng băng đĩa cũ kỹ, nép mình “lạc lõng” giữa tuyến phố Cốc Lếu (thành phố Lào Cai). Cửa hàng chỉ rộng khoảng chục m2, như một “nốt trầm” giữa phố xá sầm uất. Có lẽ đây là cửa hàng bán băng đĩa duy nhất còn lại ở thành phố này.
Tò mò, tôi dừng xe bước vào.
Mới 11 giờ trưa, bà Mạc Thị Hiền (chủ quán) đã lui vào nằm ngả lưng trên chiếc giường nhỏ kê nép phía sau tủ quầy. “Bà nằm đấy khách tới mua không thấy người bán lại bỏ đi thì sao?” - tôi trêu. Bà Hiền cười “Ôi dào, cả ngày may ra được 1 - 2 khách. Trưa như này chắc chả có ma nào đâu”.
Nghe tôi giới thiệu là phóng viên Báo Lào Cai, muốn trò chuyện về nghề kinh doanh băng đĩa, bà Hiền kéo chiếc ghế mời tôi ngồi. Câu chuyện của chúng tôi xen lẫn tiếng thở dài của bà Hiền. Giọng bà đầy tiếc nuối khi nhắc lại một thời “hưng thịnh”.
Cách đây gần hai chục năm, băng đĩa là mặt hàng kinh doanh một vốn bốn lời, mang lại thu nhập “khủng” cho nhiều cửa hàng. Lúc ấy, tuyến phố Cốc Lếu phải có đến chục cửa hàng bán băng đĩa. Nhìn họ kinh doanh khấm khá, ai nấy mua nhà, tậu xe, bà Hiền bàn với chồng mua lại cửa hàng băng đĩa của gia đình chị Thúy Đào.
Những ngày cửa hàng đông khách, không có thời gian nghỉ. Hàng về bao nhiêu hết bấy nhiêu. Nhiều băng, đĩa “hot” không đủ bán, khách muốn mua phải đặt trước và tuyệt nhiên không có chuyện giảm giá. Ngày thường đã đông khách, dịp lễ, tết, lượng khách mua tăng gấp đôi, gấp ba. Khách mua các loại băng đĩa nhạc tết, hài tết… nườm nượp như chợ hoa xuân bây giờ vậy.
Ngày ấy, khách tới mua hàng tùy độ tuổi mà sở thích khác nhau. Khách trung niên mua nhạc bolero, nhạc đỏ; thanh niên thường thuê băng đĩa phim dài tập của Hồng Kông, Hàn Quốc, nhạc trẻ thị trường… Nhiều khách quen mua đến nỗi bà Hiền nhớ được khách yêu thích ca sỹ nào, thích xem phim thể loại nào.
Sau khi mua lại được cửa hàng chừng 3 đến 4 năm, thị trường bắt đầu suy thoái. Nếu như trước đây, một ngày có thể bán được 4 - 5 triệu đồng tiền hàng thì giờ mỗi ngày may ra có 1 - 2 khách. Chủ yếu là dân lái xe mua đĩa nghe trên ô tô, người già mua băng đĩa nghe nhạc bằng đầu máy CD cổ, hoặc một số khách có thú vui sưu tầm băng đĩa xưa… Còn riêng băng đĩa phim hiện đã bị “xóa sổ”.
Trong chiếc tủ kính cũ kỹ, bà Hiền lấy ra cho tôi một chiếc đĩa nhạc mang tên “Tình thôi xót xa” - của ca sỹ Lam Trường. “Đấy, như cái đĩa này cách đây chừng chục năm giá đã khoảng 300 - 400 nghìn đồng, nếu có chữ ký của ca sỹ thì còn cao hơn, thế mà giờ giảm giá cũng không ai mua, để mốc cả lên” - bà Hiền lại thở dài.
Hiện tại, bà Hiền phải thuê cửa hàng với giá 3 triệu đồng/tháng. Để có đủ tiền thuê nhà, bà phải kinh doanh thêm xôi sáng, trà đá. Vì băng, đĩa không bán được nên bà cũng không thiết tha sửa sang lại cửa hàng. Tấm biển hiệu đã bạc phếch không còn rõ nội dung. Bên trong cửa hàng là các kệ băng đĩa trống huếch. Trên tường treo những tấm băng rôn quảng cáo băng đĩa cũ kỹ. Bà Hiền bảo: Nghề bán băng đĩa giờ như “chợ chiều”. Con cái khuyên tôi bỏ nhưng tôi vẫn nghĩ đây là nghề văn hóa, với lại cũng yêu thích nó nên cố gắng giữ lại, chứ ai cũng biết nó không đem lại lợi nhuận gì, thậm chí còn lỗ vốn.
Nhịp sống chuyển mình, những người yêu băng đĩa xưa cũng bắt nhịp với công nghệ số. “Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, máy tính, tivi kết nối internet là có thể nghe nhạc, xem phim miễn phí, tội gì phải bỏ tiền mua băng đĩa” - bà Hiền nói giọng nghèn nghẹn.
Quả thực, nghe có vẻ phũ phàng nhưng đó là quy luật của cuộc sống. Cũng có thể một ngày không xa, tiệm băng đĩa cuối cùng của thành phố sẽ “xóa sổ”, nhưng tôi tin đâu đó vẫn có những vị khách đặc biệt yêu thích một thú vui xưa cũ. Chắc hẳn ở quán cafe hoặc nhà hàng nào đó, vẫn hiện hữu hình ảnh những chiếc băng đĩa nằm gọn trong không gian trưng bày riêng…