Hắt hơi không chỉ là một phản xạ tự nhiên nhằm "tống khứ" vi trùng và các vật thể lạ có ý định xâm nhập vào cơ thể, mà còn mang ý nghĩa quan trọng khác mới được giới khoa học chứng minh.
Khi con người hít phải các hạt bụi không khí li ti, ngay lập tức, những bộ phận cảm biến trong mũi và xoang phát hiện ra sự có mặt của chúng. Bộ phận cảm biến sẽ ra lệnh cho các sợi lông mũi nằm trong xoang và mũi "tống khứ những kẻ phá đám".
Theo chuyên gia tai mũi họng tại Đại học Pennsylvania và Trung tâm Y tế Philadelphia VA, Mỹ - Noam Cohen, hắt hơi không chỉ giúp thông mũi mà còn kích hoạt các cơ quan thụ cảm lông mũi đẩy lông mũi tăng truyền động trong vòng 2 phút. Do đó trong thời điểm này, mũi hoạt động tương tự như cơ chế cài đặt lại trên máy vi tính.
Ông Cohen cho rằng, lông mũi giống như một "đám lông di chuyển liên tục" đẩy các vật chất có khả năng gây hại cho phổi và thực quản ra khỏi cơ thể. Chúng hoạt động nhờ dịch nhầy. Thông thường, mũi con người tiết ra khoảng 1 lít dịch nhầy/ngày. Trong đó, phần lớn dịch nhầy đã vô tình bị chúng ta nuốt vào cơ thể.
Điều đáng nói là dù hắt hơi rất nhiều, song những bệnh nhân viêm xoang và rối loạn gene như bệnh xơ nang lại thường gặp khó khăn trong việc đào thải dịch nhầy ra bên ngoài.
Chính mâu thuẫn trên đã khiến nhà nghiên cứu Cohen và các cộng sự tự hỏi liệu hắt hơi có đóng vai trò trong việc giúp lông mũi loại bỏ dịch nhầy và liệu quá trình này có bị suy yếu đối với những bệnh nhân viêm xoang.
Do đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập các tế bào từ mũi của những người khỏe mạnh và bệnh nhân viêm xoang. Họ đã nuôi các tế bào trên phòng thí nghiệm khoảng vài tuần cho tới khi chúng hình thành chất lót tương tự như trong xoang của con người.
Sau đó, các nhà khoa học thổi luồng không khí nhẹ vào chất lót này, tương tự như thực hiện quá trình "hắt hơi trong ống thí nghiệm". Theo ông Cohen, nếu thổi gió vào các tế bào trên, lông mũi sẽ rung lên nhanh hơn.
Tuy nhiên, khi nhóm nghiên cứu lấy mô của các bệnh nhân viêm xoang và thổi gió vào những mô này thì lông mũi lại không hề rung lên nhanh hơn. Điều đó cho thấy bệnh nhân viêm xoang không có cơ chế phản ứng tế bào giống như người khỏe mạnh.
Điển hình như chứng viêm mãn tính và các độc tố tồn tại trong xoang liên quan tới hoạt động của vi khuẩn cũng sẽ ngăn không cho các sợi lông mũi hoạt động đúng chức năng.
Phát hiện mới của các nhà khoa học Mỹ đang mở ra hy vọng trong việc điều trị dứt điểm căn bệnh viêm xoang mãn tính cho người bệnh. Bởi hiện tại, giới khoa học chưa tìm ra phương pháp hữu hiệu trong điều trị căn bệnh đang ảnh hưởng tới 14 – 16 triệu người tại Mỹ.
Thông thường, bệnh nhân sẽ phải sử dụng các biện pháp điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật để giảm triệu chứng của bệnh song chúng lại gây ra chứng sung huyết, giảm khả năng cảm nhận mùi vị thậm chí gây đau hoặc sưng mặt cho người bệnh.