Tôi cùng đoàn công tác cơ quan có dịp về thăm Quảng Trị vào cuối tháng 4/2023, đúng dịp cả nước kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023). Dịp đó, dòng người từ khắp mọi miền về với nơi được ví là “đất lửa” để dâng nén tâm nhang, tưởng nhớ, tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Tuy là dải đất hẹp của “khúc ruột” miền Trung nhưng hiếm có nơi nào ở nước ta lại có nhiều di tích, chứng tích lịch sử về chiến tranh cách mạng như ở Quảng Trị.
Cảm xúc thiêng liêng và xúc động là những gì mà chúng tôi cảm nhận khi đặt chân đến Thành cổ Quảng Trị. Chính tại nơi đây, trong 81 ngày đêm (từ ngày 28/6 - 16/9/1972), quân và dân ta đã phải hứng 328 nghìn tấn bom đạn, tương đương với 7 quả bom nguyên tử của kẻ thù trút xuống. Thành cổ uy nghi nay chỉ còn vài đoạn tường đổ nát. Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 8/9/1972 viết: “Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử”.
Đến Thành cổ Quảng Trị, nghe những câu chuyện đầy cảm xúc và tự hào về các chiến sỹ tuổi ngoài đôi mươi, mang trong mình biết bao hoài bão, khát vọng nhưng đã nằm xuống nơi đây. Có nhiều người viết sẵn tâm thư với những dòng từ biệt quê hương, gia đình. “Em thương yêu! Mọi lá thư đến với em là nguồn động viên em khi xa anh. Song lá thư này đến tay em là nỗi buồn nhất và có lẽ là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời của em... Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em. Song vì chiến tranh thì em ơi, hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì với em, chỉ mong em khỏe, yêu đời... Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới anh”, là những dòng thư mà chiến sỹ Lê Văn Huỳnh, quê ở Thái Bình viết cho gia đình trước lúc ra trận. Anh để lại sự tiếc thương vô hạn cho người thân, cho người vợ thương nhớ khóc ròng nơi quê nhà. Chúng tôi xúc động, cảm phục tinh thần quả cảm trước tinh thần của người lính kiên trung. Những giọt nước mắt nhớ thương, lặng lẽ rơi trước hoa cỏ xanh tươi trên nấm mồ chung những “người lính Cụ Hồ” dưới tháp đuốc Thành cổ sáng soi rạng rỡ.
Cũng như liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, biết bao nhiêu thanh niên ưu tú trên khắp mọi miền đã ngã xuống mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Các anh ở lại đây, tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn ở huyện Gio Linh, luôn thanh thản, yên giấc ngàn thu.
Hòa vào dòng người về viếng nghĩa trang như chúng tôi, có những người vợ tới thăm chồng, các con, cháu tới viếng cha ông, hoặc những cựu binh da đã đồi mồi, bước đi chậm rãi, trở về chiến trường xưa thăm đồng đội. Tới nghĩa trang, ai cũng giữ yên lặng khi đi lại, nói chuyện để không làm ảnh hưởng tới “giấc ngủ” của các liệt sỹ.
Dẫu đã nghe nhiều câu chuyện về Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn nhưng đến đây chúng tôi mới thấy nơi này rộng lớn quá. Đứng trước hơn 10.300 ngôi mộ liệt sỹ nằm cạnh nhau, trải dài trên đồi núi mênh mông tưởng chừng như vô tận, chúng tôi càng trân trọng hơn sự hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh.
Họ là những anh bộ đội, những cô thanh niên xung phong tuổi xuân đang phơi phới đã chia tay gia đình, người thân lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Biết bao điều hiện hữu, những trang sử được học ngày nào như hiện ngay trước mắt khiến chúng tôi càng thấu hiểu hơn về giá trị của hòa bình, độc lập.
Chúng tôi tìm đến khu mộ liệt sỹ tỉnh Lào Cai, thắp nén hương thơm cho 42 chiến sỹ của tỉnh Lào Cai đã hy sinh vì đất nước. Các chiến sỹ nằm lại đây bởi đơn giản Quảng Trị hoặc bất cứ nơi nào trên đất nước đều là quê hương. Thời gian, không gian như lắng đọng trong giai điệu “Hồn tử sĩ” - khúc tráng ca của những người anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc. Trong mỗi người trào dâng niềm xúc động, nghẹn ngào, đó không chỉ niềm thương tiếc, xót xa mà xen lẫn sự khâm phục, lòng biết ơn vô tận.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng tên người, tên đất Quảng Trị đã đi vào sử sách, vang dội cùng non sông, đất nước Việt Nam như cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, Thành cổ, Khe Sanh, Đường 9... Thật tự hào khi đến với mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, tôi tự nhủ bản thân càng phải ý thức hơn nữa vai trò trách nhiệm của mình đối với đất nước, quê hương, không ngừng trau dồi rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ đi trước để có được cuộc sống bình yên, ngập tràn hạnh phúc như hôm nay…