Tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi huyện Văn Bàn vừa qua, tiết dạy về hoạt động mua bán hàng hóa của cô Vũ Thanh Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Khánh Yên đã trở nên đặc biệt nhờ ứng dụng AI trong quá trình giảng dạy. Tiết dạy không chỉ nhận được sự đánh giá cao từ các chuyên gia giáo dục mà còn giúp cô Thủy giành giải Nhất tại hội thi.

Mở đầu tiết dạy là hình ảnh cô giáo Thủy “ảo” được thiết kế bằng AI dưới dạng một nhân vật hoạt hình với màn giới thiệu đầy gần gũi và hài hước. Để làm được điều này, cô Thủy đã sử dụng các phần mềm, như Camtasia, iSpring, iMindMap10 và các trang web như Lumalabs, Hedra để thiết kế và chuyển ảnh thành video, tạo nên một nhân vật sinh động, dễ thương.
Ngoài hội thi, tại các tiết dạy trên lớp, cô Thủy cũng kết hợp nhuần nhuyễn giữa các công cụ công nghệ để tạo ra những bài giảng đầy lôi cuốn khiến học sinh hứng thú hơn trong việc tiếp nhận kiến thức.

Tiết dạy thực hành “Viết số đo đại lượng dưới dạng số thập phân” diễn ra tại lớp 5A3, Trường Tiểu học Bắc Lệnh (thành phố Lào Cai) do cô giáo Nguyễn Thị Thơm thực hiện đã mang đến trải nghiệm học tập đầy hứng thú và sáng tạo.
Ngay từ khi tiết học bắt đầu, không khí lớp học đã trở nên sôi động khi cô Thơm khai thác học liệu số trên trang Vioedu kết hợp với AI để minh họa bài giảng. Các công cụ tương tác trực tiếp như Classpoint được cô giáo tận dụng để tạo ra những câu hỏi trắc nghiệm nhanh, giúp học sinh kiểm tra mức độ hiểu bài ngay lập tức.
Bên cạnh đó, các ứng dụng trò chơi giáo dục, nền tảng học liệu trực tuyến, như hoc10.com, Canva cũng được tích hợp, tạo ra những bài tập trực quan, sinh động và hấp dẫn.

Điều dễ nhận thấy, học sinh lớp 5A3 hào hứng tham gia hoạt động nhóm, trao đổi sôi nổi về cách chuyển đổi số đo đại lượng sang số thập phân. Nhờ sự hỗ trợ của AI, giáo viên có thể theo dõi kết quả của từng học sinh ngay trong quá trình học tập, từ đó đưa ra những điều chỉnh phù hợp để giúp các em hiểu bài sâu hơn.
Không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy kiến thức toán học, tiết học còn lồng ghép giáo dục kỹ năng công dân số, hướng dẫn học sinh sử dụng thiết bị kỹ thuật số hiệu quả và có trách nhiệm. Bên cạnh đó, những giá trị đạo đức, lối sống như sự quan tâm của các thành viên trong gia đình cũng được lồng ghép thông qua các bài tập tình huống thực tế.
Nhờ sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy, cô Thơm không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức mà còn phát triển nhiều kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.

Đánh giá về hiệu quả ứng dụng AI trong giảng dạy, cô giáo Trần Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Lệnh nhấn mạnh: Nhờ AI, giáo viên có thể thiết kế bài giảng sinh động, sát thực tế và phù hợp năng lực của từng học sinh. Chúng tôi nhận thấy, học sinh tiếp thu kiến thức nhanh hơn, thích thú hơn với các môn học, đặc biệt là Tiếng Anh, Toán và Khoa học. Nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ và đào tạo giáo viên để khai thác tối đa tiềm năng của AI trong giảng dạy.

Không chỉ Trường Tiểu học Bắc Lệnh mà Trường Tiểu học Bắc Cường (thành phố Lào Cai) cũng đẩy mạnh ứng dụng AI vào hoạt động dạy và học.
Thầy Trần Văn Hùng, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học Bắc Cường đã sử dụng AI để cải thiện kỹ năng giao tiếp cho học sinh thông qua các ứng dụng nhận diện giọng nói.
“Các em có thể luyện phát âm ngay tại lớp với phần mềm AI, giúp điều chỉnh giọng nói cho đúng chuẩn hơn. Nhờ vậy, chất lượng học Tiếng Anh đã được nâng lên rõ rệt”, thầy Hùng chia sẻ.
Ngoài ra, trường cũng tổ chức các buổi dự giờ Tiếng Anh song ngữ, giáo viên có thể sử dụng AI để hỗ trợ giảng dạy trực tiếp trên lớp. AI không chỉ giúp mô phỏng các tình huống giao tiếp thực tế mà còn hỗ trợ cá nhân hóa bài học cho từng học sinh, giúp các em có thể học theo tốc độ của mình.

Đối với Trường Tiểu học Bắc Cường, ứng dụng AI không chỉ dừng lại ở môn Tiếng Anh mà còn được thử nghiệm ở nhiều môn học khác. Mục tiêu của trường là xây dựng môi trường học tập thông minh, nơi mỗi học sinh đều có thể phát huy tối đa năng lực của mình.

Đánh giá về việc ứng dụng AI vào hoạt động giáo dục trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Thời gian qua, nhiều cán bộ, giáo viên tại các đơn vị trường đã có nhiều sáng tạo, cách làm hay, với nhiều phần mềm sinh động trong ứng dụng dạy và học, góp phần thu hút học sinh.
Những thành công ban đầu trong ứng dụng AI tại các trường học ở Lào Cai là minh chứng cho tiềm năng của công nghệ này trong giáo dục.
Trong thời gian tới, việc đào tạo giáo viên về AI, mở rộng hợp tác với các chuyên gia công nghệ và đầu tư cơ sở hạ tầng số sẽ là những yếu tố quan trọng giúp giáo dục Lào Cai tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại và sáng tạo.