Theo các tài liệu lịch sử, vùng đất có vị trí chiến lược trọng yếu Lào Cai luôn gắn chặt với sự hình thành, phát triển, các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Thời kỳ Hùng Vương sơ khai dựng nước, miền đất Lào Cai thuộc bộ Tân Hưng, 1 trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang; đến triều đại nhà Lý cách đây 1.000 năm, tỉnh Lào Cai gắn với địa danh Đăng Châu; thời kỳ nhà Trần, tỉnh Lào Cai thuộc huyện Thủy Vỹ, châu Quy Hóa, trấn Thiên Hưng. Cuối triều Nguyễn, phần lớn vùng đất Lào Cai thuộc huyện Thủy Vỹ, châu Văn Bàn, còn lại thuộc châu Chiêu Tấn, châu Lục Yên, phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa.
Trước khi thành lập tỉnh, miền đất Lào Cai được chính quyền thực dân Pháp định danh là Tiểu quân khu thuộc Đạo quan binh số 4. Đến năm 1903, thực dân Pháp cho xây dựng mạnh tại Sa Pa, với thị xã Lào Cai là phát triển kho bãi, sân bay quân sự, quảng trường, bệnh viện, nhà thờ lớn, tập trung đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối Lào Cai với Hà Khẩu (Trung Quốc). Trước nhu cầu phát triển và yêu cầu của chế độ cai trị, ngày 12/7/1907, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ban hành Nghị định số 288 bãi bỏ Đạo quan binh số 4, chính thức chuyển Lào Cai từ quân quản sang chế độ dân sự. Từ đây, tỉnh Lào Cai có tên trên bản đồ Việt Nam thời kỳ hiện đại.
Ngày 5/3/1947, tại thị xã Lào Cai, Hội nghị toàn thể đảng viên tỉnh Lào Cai diễn ra, trong đó bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 7 đồng chí, đây cũng là dấu mốc ra đời của Đảng bộ tỉnh Lào Cai. Từ đây, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai có tổ chức đảng lãnh đạo trực tiếp các phong trào cách mạng, lá cờ búa liềm giương cao để các tầng lớp quần chúng bị áp bức, nô lệ vùng lên đấu tranh giải phóng quê hương, dân tộc. Sau khi tỉnh Lào Cai giải phóng, dưới dự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, toàn dân và toàn quân Lào Cai một lòng thực hiện thắng lợi các phong trào cách mạng, tiến hành tiễu phỉ, trừ gian, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng xã hội chủ nghĩa và chi viện sức người, sức của cho miền Nam đấu tranh chống Mỹ xâm lược.
Đất nước thống nhất, sau 15 năm sáp nhập (từ 1976) dưới “mái nhà chung” tỉnh Hoàng Liên Sơn, tháng 10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập, kể từ đây Lào Cai tự tin cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.
Phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo và đổi mới, hơn 30 năm tái lập, từ một tỉnh thuộc diện nghèo nhất cả nước, Lào Cai đã vươn lên trở thành điểm sáng của vùng Tây Bắc, dẫn đầu về một số lĩnh vực, chỉ tiêu phát triển quan trọng của cả vùng Trung du, miền núi phía Bắc. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế trong hơn 3 thập niên vừa qua đạt bình quân gần 10% mỗi năm, quy mô nền kinh tế đến nay cao hơn 2.000 lần so với năm tái lập tỉnh; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng gần 300 lần; thu nhập bình quân của người dân tăng hơn 120 lần so với năm 1991; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, các mặt văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế phát triển toàn diện và vững chắc, an sinh xã hội được đảm bảo.
Có nhiều bài học kinh nghiệm quý của Lào Cai được rút ra, đầu tiên phải kể đến là sự sáng tạo trong lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nổi bật là về cơ chế, chính sách sát với yêu cầu thực tiễn và có tính lan tỏa rộng lớn. Chủ trương “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển” là điển hình nổi bật đã giúp Lào Cai thu hút, huy động được nguồn lực to lớn và tạo sức lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Hoặc thành tựu từ những sáng tạo, đi đầu trong hoạt động đối ngoại, ngoại giao nhân dân, trong quy hoạch, phát triển, trong tranh thủ nguồn ngoại lực, khai thác tiềm năng, lợi thế…
Nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh 2020 - 2025, tinh thần sáng tạo tiếp tục được thể hiện bằng chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với thông điệp “5 hơn - 5 rõ”. Đến nay, tỉnh Lào Cai đã phân cấp 54 nhiệm vụ cho cấp dưới, có hàng trăm nhiệm vụ cấp huyện phân cho cấp thấp hơn. Cùng với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong phát triển kinh tế là việc xác định 4 trụ cột, bao gồm kinh tế cửa khẩu, sản xuất công nghiệp, phát triển du lịch - dịch vụ và sản xuất nông nghiệp. Để khai thác tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, Đảng bộ tỉnh coi trọng phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo nền tảng, động lực để thực hiện quyết tâm xây dựng Lào Cai thành “cực tăng trưởng” của vùng Trung du, miền núi phía Bắc, là trung tâm kết nối khu vực và cả nước. Lào Cai khẳng định ngày càng rõ vị trí “trung tâm”, vai trò “đầu cầu” của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Sau đại dịch Covid-19, sức ảnh hưởng của tình hình quốc tế và trong nước khiến tỉnh Lào Cai gặp một số khó khăn, thách thức, điểm rõ rệt nhất là tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại, trong nửa năm đầu 2023, con số chỉ bằng 1/2 mức trung bình của năm 2022. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề có tính thời điểm, ngắn hạn. Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo và với đường lối, chủ trương lãnh đạo đúng, khoa học của Đảng bộ tỉnh, cùng với tiềm năng, thế mạnh, vị trí chiến lược đặc biệt, Lào Cai đang hội tụ cả thế và lực để “cất cánh”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Lào Cai là tỉnh phát triển của vùng Trung du, miền núi phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2045 là tỉnh phát triển của cả nước.
Trách nhiệm hôm nay và mai sau của mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân Lào Cai tự hào viết tiếp “bản hùng ca” của quê hương. Đó vừa là nhu cầu tự thân, cũng là trách nhiệm của tỉnh Lào Cai với vùng và cả nước, như lời phát biểu của đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai ngày 28/6/2023, trong đó có đoạn nhấn mạnh: “Phải thống nhất về mặt nhận thức và quan điểm rằng xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh khá của cả nước, tương xứng với vị trí, vai trò và tiềm năng, lợi thế là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt với tỉnh, với vùng Trung du, miền núi phía Bắc và với cả nước”.