Giờ ra chơi, thay vì mỗi em một chiếc điện thoại “lướt” mạng xã hội thì học sinh Trường THPT số 2 huyện Bát Xát bắt đầu quay trở lại những trò chơi quen thuộc của tuổi học trò như đá cầu, nhảy dây, đẩy gậy... Em Phạm Quốc Bình, học sinh lớp 12A1 cho biết: Thời gian đầu còn chưa quen nhưng sau một tuần không “dán” mắt vào điện thoại giúp em tập trung hơn vào bài giảng, thích tham gia hoạt động học tập của lớp và gắn kết với các bạn hơn.
Từ năm học 2023 - 2024, Trường THPT số 2 huyện Bát Xát khuyến khích học sinh hạn chế sử dụng điện thoại trong giờ học. Qua gần một năm thực hiện, phong trào nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo phụ huynh và học sinh. Thầy Nguyễn Văn Quảng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: 18 lớp học đều được trang bị 18 tủ chứa điện thoại di động. Đầu giờ, học sinh cất vào nơi quy định, có cán bộ lớp giữ chìa khóa và chỉ mở tủ khi kết thúc tiết học cuối. Học sinh chỉ được lấy điện thoại khi có việc cấp thiết và được sự đồng ý của giáo viên. Bên cạnh đó, nhà trường cắt cử giáo viên trực sẵn sàng hỗ trợ học sinh kết nối liên lạc với gia đình nếu cần.
Tại Trường THPT Chuyên Lào Cai, việc học sinh không sử dụng điện thoại trong toàn bộ khung thời gian liên quan đến hoạt động giáo dục của nhà trường được thống nhất với phụ huynh từ đầu năm học 2023 - 2024.
Cô giáo Phạm Thị Thu Khuê, Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ, ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên, do chưa hoàn toàn trưởng thành nên các em chưa ý thức được cách sử dụng sao cho ích lợi và hiệu quả nhất. Vì thế, các thầy cô giáo chủ nhiệm quản lý nghiêm, không để học sinh sử dụng điện thoại trong khi học trên lớp và các hoạt động khác trong nhà trường, dễ làm sao nhãng việc học tập và rèn luyện thể chất, ngoại khóa...
Chị Nguyễn Thúy Hà có con học Trường THPT Chuyên Lào Cai cho biết: Tôi ủng hộ việc các trường áp dụng quy định không cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học khi không phục vụ việc học tập và không được phép của giáo viên. Việc bố trí tủ cất điện thoại của học sinh tại trường vừa bảo đảm an toàn, vừa thuận lợi để khi tan học, học sinh có thể nhanh chóng liên lạc với bố mẹ hoặc tự đặt phương tiện đi về nhà.
Ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết: Từ năm học 2022 - 2023, Sở có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới học sinh những mặt trái và tác hại của việc lạm dụng Internet và điện thoại thông minh. Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục hướng dẫn, tập huấn và có quy định cụ thể cho giáo viên sử dụng các nền tảng, phần mềm quản lý học tập chuyên dụng trong dạy học và đánh giá học sinh… Giáo viên không giao nhiệm vụ học tập và các nhiệm vụ khác cho học sinh trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram... Đồng thời, tích cực tổ chức các hoạt động tập thể, giáo dục kỹ năng sống trong giờ nghỉ giữa các tiết học và sau giờ học để lôi cuốn học sinh tham gia. Chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai về việc nâng cao hiệu quả quản lý việc sử dụng điện thoại di động trong nhà trường nhận được sự ủng hộ từ phía các bậc cha mẹ học sinh. Trước lo lắng của các bậc cha mẹ về phương thức liên lạc với con khi con tới trường, đại diện các nhà trường cho biết, khi gia đình có việc cấp thiết cần liên hệ với học sinh thì có thể gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm. Các trường đều quy định giáo viên chủ nhiệm lớp có trách nhiệm duy trì liên lạc với gia đình trong thời gian học sinh học tập tại trường.
Nhờ chủ trương đúng, sự kiên quyết và phối hợp chặt chẽ, đồng thuận giữa nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh cũng như tính tích cực, tự giác của học sinh nên đã hạn chế những tác động xấu, không mong muốn trong việc sử dụng điện thoại, ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập trong các trường học ở địa phương.