Theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động phải đạt từ 80% trở lên. Tuy nhiên, hiện tại, xã Trịnh Tường mới đạt 60% (364,54/612,01 ha). Nguyên nhân là do một số công trình thủy lợi đã hỏng đập đầu mối nên khó khăn trong việc lấy nước sản xuất. Các công trình thủy lợi bị hư hỏng chủ yếu sau các đợt mưa lũ lớn, đặc biệt năm 2017, xã có 4 đập đầu mối bị lũ phá hỏng, cuốn trôi đập đầu mối đến nay vẫn chưa thể sửa chữa, xây dựng lại.
Các đập đầu mối bị cuốn trôi khiến tổng diện tích 157,7 ha/122 hộ không thể chủ động nguồn nước sản xuất, trong đó thôn Nà Lặc 3 ha/5 hộ; thôn Tùng Chỉn II 45 ha/18 hộ; thôn San Hồ 60 ha/30 hộ; thôn Lao Chải (phục vụ 3 thôn Lao Chải 15,7 ha/15 hộ, Sín Chải 19 ha/27 hộ, Tả Cồ Thàng 15 ha/27 hộ). Những năm qua, người dân các thôn này đã phải đắp đập thủ công bằng sức người, thuê máy móc đắp đập đất chặn dòng chảy lấy nước phục vụ sản xuất. Vì không được xây dựng kiên cố nên chỉ sau một trận mưa lớn, nước suối dâng, những công trình này bị phá hủy, người dân phải đắp lại đập.
Chị Tẩn Tả Mẩy, thôn Tùng Chỉn II cho biết: Đập ngăn nước làm tạm bằng đất, đá nên cứ có lũ lớn là bị cuốn trôi và vào mùa cấy phải đắp lại. Những trận lũ lớn, đập như bị san phẳng thì sức người không tự đắp được mà phải thuê máy móc, huy động nhân công đắp lại, mỗi năm có 4 - 5 lần phải thuê máy làm, rất tốn kém.
Tương tự, công trình thủy lợi tại thôn Lao Chải cũng bị lũ lớn phá hủy từ năm 2017. Do công trình ở vị trí có độ dốc cao nên không thể thuê máy móc đắp đập tạm, cứ sau mỗi đợt lũ, người dân phải góp công, góp sức đắp lại đập mới có thể có đủ nước phục vụ sản xuất.
Ông Phạm Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường cho biết: Ngoài đập dâng nước bị hỏng, nhiều hệ thống mương dẫn cũng bị thiệt hại do mưa lũ. Chính quyền địa phương và người dân phải sử dụng các nguồn lực tại chỗ để khắc phục tạm thời, sửa chữa những công trình có chi phí nhỏ trong khả năng của địa phương. Những công trình có mức đầu tư lớn bị hỏng, xã phải chờ chủ trương đầu tư của huyện.
Để đảm bảo nước tưới tiêu, xã Trịnh Tường đã đề nghị huyện Bát Xát gấp rút đầu tư xây mới 4 đập đầu mối thủy lợi ở các thôn do mưa lũ quét từ năm 2017. Ngoài ra, đầu tư xây dựng hệ thống mương chuyển tiếp, mương bê tông thay thế một số công trình mương đất hiện có. Đến nay, công trình thủy lợi thôn Tùng Chỉn II (tuyến Đoong Dé) đã có chủ trương đầu tư, các công trình khác đang đợi các cấp thẩm định, phê duyệt chủ trương.
Chúng tôi hy vọng trong năm 2024, các công trình thủy lợi trên địa bàn xã sẽ được đầu tư xây dựng kiên cố phục vụ sản xuất. Thời điểm này, người dân các thôn vùng thấp đang bước vào gieo cấy vụ xuân, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, sửa chữa hệ thống mương dẫn, chủ động phương án đắp đập tạm… để có nước phục vụ sản xuất.
Thủy lợi là tiêu chí quan trọng về hạ tầng kỹ thuật trong xây dựng nông thôn mới. Hệ thống thủy lợi được đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới là cơ sở để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đây là tiêu chí khó bởi yêu cầu đầu tư lớn, liên quan đến các vấn đề dân sinh, kinh tế.
Theo thống kê của Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lào Cai đảm bảo tưới chủ động ổn định ở mức 98,72% tổng diện tích canh tác vụ đông - xuân và 87% tổng diện tích vụ mùa. Đến nay, toàn tỉnh có 126/127 xã đạt tiêu chí số 3 về Thủy lợi và phòng, chống thiên tai thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới. Trịnh Tường là địa phương duy nhất chưa đạt tiêu chí này.