Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News
Trái tim trên đá

Trái tim trên đá

Đứng giữa bản Mông xinh đẹp, phóng tầm mắt về phía đỉnh Nhìu Cồ San, không khó để thấy dòng thác trắng phau như bạc “rót” từ đỉnh núi qua đại ngàn xanh thắm, giữa bạt ngàn mây trắng.

Nơi dòng thác ấy, làn nước chảy qua phiến đá róc rách như lời tâm tình lứa đôi và đặc biệt hơn cả là sự xuất hiện của một trái tim khắc sâu trên đá núi như biểu tượng vĩnh cửu cho tình yêu của trai gái bản Mông nơi đây.

z5161234915160_e395da75b9d466644057cea920da59e7.jpg

Sau nhiều lần hẹn hò, hôm nay chúng tôi mới có dịp đến thôn Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát). Khen ai khéo chọn, mặc dù đang là ngày đông nhưng hôm nay ở Nhìu Cồ San lại có nắng vàng trải nhẹ, bầu trời xanh thẳm, thi thoảng vài làn mây trắng theo gió dịu dàng lướt qua bản Mông khiến những người có mặt đều ngơ ngẩn trước vẻ đẹp đến nao lòng của thiên nhiên.

Chỉ tay về dòng thác như dải lụa nơi đại ngàn xa xa, cô gái Mông - Lý Thị Cú với khuôn mặt bừng đỏ khi gặp người lạ, bẽn lẽn nói: Người Mông trong thôn Nhìu Cồ San gọi là thác, nhưng gần đây nhiều người lại gọi là thác Trái Tim.

Khi tôi hỏi tại sao lại có tên gọi như vậy, Cú chỉ cười và trả lời ngắn gọn: Các anh cứ lên thác thì sẽ biết!

Nghe câu trả lời của cô gái Mông xinh đẹp, chúng tôi dường như bị cuốn hút. Anh cán bộ kiểm lâm địa bàn - Nguyễn Mạnh Hùng cùng các thành viên tổ bảo vệ rừng bàn và thống nhất đường lên thác Trái Tim. Do thông thạo địa hình nên Cú dẫn đoàn. Bước chân quen thuộc của cô gái Mông hằng ngày gùi đồ cho khách chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San cứ thoăn thoắt như lướt trên mặt đất khiến chúng tôi theo sau bở hơi tai. Sau khi đến thác Ong Chúa, cả đoàn dừng chân để chuẩn bị cho chặng đường leo núi phía trước với nhiều dốc cao. Vừa nghỉ, Cú vừa chia sẻ về tên gọi thác Ong Chúa. Em bảo, ở khu vực quanh thác trước đây có nhiều tổ ong và người ta bắt được cả ong chúa nên từ đó có tên gọi như vậy.

z5161241808537_8907c97cfdba0e44d901ac80e29902e0.jpg

Đôi ba câu chuyện vừa dứt, Cú tiếp tục dẫn đoàn, đôi chân vẫn dẻo dai nhưng đã thủng thẳng hơn trước, bởi không muốn bỏ xa chúng tôi. Nhờ vậy, tôi mới có cơ hội bắt chuyện với Cú. Em kể: Cách đây 6 năm, hằng tuần trai gái trong thôn rủ nhau lên thác chơi. Mỗi lần lên đây, chúng em đều lấy nước trong trái tim trên phiến đá để té vào nhau. Người bị em té nước nhiều nhất là anh Giàng A Sài, giờ cả hai đã nên duyên vợ chồng.

Cô gái Mông cười híp mí chia sẻ, cũng không quên kèm chút hồ nghi: Liệu có phải nhờ nước của trái tim đó mà chúng em thành vợ chồng không nhỉ?

Câu chuyện mộc mạc, chân tình của Lý Thị Cú khiến tôi thêm phần tò mò và dường như giúp chặng đường ngắn lại, bớt gian nan. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ leo núi, vượt qua không ít con dốc dựng đứng đến choáng váng cả đầu óc, cuối cùng chúng tôi cũng đến được thác Trái Tim. Tiếng nước chảy róc rách, gió thổi những nhánh cây xô nhau xào xạc, tiếng chim rừng hót líu lo tạo nên bản đồng ca đại ngàn. Đặt chân lên phiến đá khổng lồ, nhìn về phía trước là bản Mông xinh đẹp - Nhìu Cồ San ẩn hiện dưới làn mây trắng, mỗi khi cơn gió vụt qua “đuổi” mây đi tạo ra khoảng nắng vàng rực rỡ trên cánh rừng nguyên sinh.

z5161234927622_f5dcf824edebc8efc3d26faf4a4b5fc9.jpg

Trên phiến đá khổng lồ ấy, làn nước trong vắt chảy từ tận đỉnh Nhìu Cồ San xuống mang theo vài chiếc lá rừng đỏ, vàng khiến những mệt mỏi của quãng đường đi rừng trước đó như tan biến. Điều đặc biệt và khiến tất cả những người đặt chân đến đây thích thú là hình trái tim in sâu trên phiến đá. Trong trái tim ấy, nước long lanh như tấm gương phản chiếu mây trời. Không biết hình trái tim này có từ bao giờ, nhưng chúng tôi chắc chắn đó là kỳ quan của tạo hóa. Mặc dù đã thấy trên zalo, facebook của một số người bạn nhưng tận mắt nhìn mới cảm nhận được sự kỳ thú của trái tim này. Không hiểu “bàn tay” tạo hóa khéo léo đến mức nào mà khắc hình trái tim rất “mượt” trên phiến đá, lại ở vị trí mà bất kỳ ai qua đây đều dễ dàng nhìn thấy. Hơn nữa, dù kích thước tương đối lớn nhưng hình trái tim tròn trịa, không thừa chi tiết nào.

Giàng A Chao - chàng trai người Mông ở thôn Nhìu Cồ San cũng là thành viên tổ bảo vệ rừng, đồng thời là người đưa khách du lịch chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San - cho hay: Cách đây gần chục năm, người dân trong thôn đi mở tuyến đã phát hiện ra hình kỳ lạ này trên đá. Sau này, khi các đoàn khách chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San đến đây nghỉ chân đều selfie (tự chụp hình - PV) ghi lại “kiệt tác” này và cái tên thác Trái Tim ra đời như vậy.

Bất ngờ về thác Trái Tim một thì bất ngờ về chàng trai người Mông lên tới mười. Giàng A Chao khiến chúng tôi cuốn vào “huyền tích” về thác Trái Tim: Chuyện kể rằng, xa xưa có một chàng tiều phu nghèo nhưng tốt bụng và chăm chỉ, chịu khó. Ngày ngày, chàng tiều phu lên rừng lấy củi về chia cho dân làng. Do củi ngày càng hiếm nên chàng trai phải đi sâu vào rừng, trèo non, vượt thác. Rồi một ngày, khi gần đến thác, chàng trai bất ngờ thấy nàng tiên đang vui chơi bên dòng nước trong vắt. Ngẩn ngơ trước nhan sắc của nàng tiên, chàng tiều phu vô tình dẫm phải cành cây mục gây ra tiếng động, khiến nàng tiên giật mình, bay vội về trời. Chàng tiều phu chỉ biết ngẩn ngơ nhìn theo bóng nàng ngày càng xa. Chờ đợi nàng tiên quay trở lại trong vô vọng, chàng tiều phu thất vọng, trái tim hóa đá…

Dẫu biết câu chuyện của Giàng A Chao “bước ra” từ cổ tích nhưng chúng tôi vẫn bị thuyết phục bởi sự hóm hỉnh, cái duyên kể chuyện và sự hiểu biết của chàng trai người Mông này.

z5161234933440_5a2c51f2853305b39445afd55383d37c.jpg

Sau khi có tên thác Trái Tim, cung đường trekking từ bản Mông xinh đẹp lên đỉnh Nhìu Cồ San ngày càng hấp dẫn du khách, đặc biệt với những người do chưa biết hoặc chưa kịp ghi lại khoảnh khắc bên “kiệt tác” giữa đại ngàn hoặc muốn nên duyên như cô gái người Mông - Lý Thị Cú. Với tôi, lý do nào cũng thuyết phục để tìm đến thác Trái Tim, để được tận mắt nhìn thấy, được khỏa tay trong làn nước mát lạnh khiến bản thân có thêm trải nghiệm thú vị, thêm yêu bản Mông xinh đẹp dưới chân núi Nhìu Cồ San, thêm quý trọng sự lạc quan của những cô gái, chàng trai người Mông nơi đây.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hội thảo xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai - Lai Châu - Hà Giang

Hội thảo xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai - Lai Châu - Hà Giang

Sáng 16/11, tại xã Y Tý, huyện Bát Xát đã diễn ra Hội thảo xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai; sản phẩm "Kết nối con đường di sản" từ Sin Suối Hồ (Lai Châu) qua đường đá cổ Pavie - Bát Xát - Bắc Hà (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang) và “Nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe gắn với cây thảo dược và nông nghiệp" tại xã Y Tý.

[Ảnh] Khu rừng cổ tích trên cung đường đá cổ Pavie

[Ảnh] Khu rừng cổ tích trên cung đường đá cổ Pavie

Ngày 15/11, Sở Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh: Hà Giang, Lai Châu; UBND các huyện: Phong Thổ (Lai Châu), Bát Xát, Bắc Hà (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang); Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lai Châu và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức khảo sát đường đá cổ Pavie xuất phát từ Sin Suối Hồ (Phong Thổ - Lai Châu) sang xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát - Lào Cai).

Sa Pa - Xứ sương mù tỉnh giấc

Sa Pa - Xứ sương mù tỉnh giấc

Khi những dấu chân khai mở của Sun Group tìm đến thị trấn trong sương, đỉnh Fansipan đã trở thành “điểm đến đời người”, Sa Pa lặng lẽ ngày nào giờ như sống lại một thời từng là thị trấn nghỉ dưỡng của người Pháp.

Lào Cai giới thiệu sản phẩm du lịch tại Hội chợ Du lịch Tây Bắc – Điện Biên năm 2024

Lào Cai giới thiệu sản phẩm du lịch tại Hội chợ Du lịch Tây Bắc – Điện Biên năm 2024

Hội chợ Du lịch Tây Bắc - Điện Biên năm 2024 với chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận” được tổ chức từ ngày 14 - 17/11, tại Quảng trường 7/5 thành phố Điện Biên Phủ. Gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch của tỉnh Lào Cai đã thu hút người dân và du khách.

[Infographic] Có gì tại Festival mùa đông Bắc Hà năm 2024?

[Infographic] Có gì tại Festival mùa đông Bắc Hà năm 2024?

Nhằm tạo sản phẩm du lịch đặc sắc, đồng thời bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc tại Bắc Hà nói riêng và trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung, từ ngày 15/11 - 7/12, huyện Bắc Hà tổ chức Festival mùa đông năm 2024 với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn.

fbytzltw