Mở rộng diện tích chè
Hiện tổng diện tích chè toàn tỉnh là 7.346 ha, trong đó có 4.868 ha chè kinh doanh, 2.478 ha chè kiến thiết cơ bản. Năm 2023, toàn tỉnh sẽ trồng mới 1.055 ha, nâng tổng diện tích chè tập trung toàn tỉnh lên 8.401 ha, bằng 99,8% mục tiêu Nghị quyết 10 đến năm 2025 (đạt 8.420 ha), bằng 84% mục tiêu Nghị quyết 10 đến năm 2030 (đạt 10.000 ha) và vượt 20% mục tiêu Đề án số 01 (mục tiêu Đề án 01 đến năm 2025 đạt 7.000 ha).
Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để đạt kết quả trên, tỉnh đã ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển chè theo hướng vừa mở rộng quy mô diện tích, vừa nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, hữu cơ.
Các tiến bộ khoa học, công nghệ đã được áp dụng có thể kể đến như sử dụng phân bón hữu cơ, tiết kiệm nước trong thâm canh chè. Hầu hết diện tích chè của tỉnh được sản xuất theo hướng áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP)…
Cơ cấu sản phẩm chè qua chế biến có sự dịch chuyển theo hướng tăng tỷ lệ chè xanh chất lượng và chè chất lượng cao phục vụ nội tiêu (trà Việt Ô long, Việt Hương trà, Phong Hải danh trà, chè xanh Ô long…) chiếm khoảng 20% sản lượng. Công tác quản lý, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu chè ngày càng được quan tâm. Đến nay có 12 sản phẩm chè đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, trong đó có 4 sản phẩm chè đạt hạng 4 sao.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 14 doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản phẩm chè với tổng công suất chế biến đạt hơn 180 tấn chè búp tươi/ngày. Ngoài ra, có hơn 350 lò chế biến mini quy mô hộ gia đình, trung bình mỗi xưởng có công suất 1 - 2 tạ búp tươi/ngày.
Sản phẩm chè hiện nay chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và nội tiêu, giá trung bình đạt 2.600 USD/tấn. Trên địa bàn tỉnh có một số công ty, hợp tác xã sản xuất chè đáp ứng được các thị trường khó tính, xuất khẩu sang thị trường Đài Loan với các loại sản phẩm chè Ô long. Đặc biệt, sản phẩm chè tại huyện Bắc Hà đạt tiêu chuẩn hữu cơ được Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà liên kết xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ (mỗi năm đạt 120 tấn).
Năng suất chè còn thấp
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiềm năng phát triển chè tại các địa phương trong tỉnh còn rất lớn, tuy nhiên công tác chỉ đạo phát triển chè khác nhau, có những nơi rất thuận lợi mở rộng diện tích. Như tại huyện Mường Khương, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quyết liệt chỉ đạo và được sự đồng thuận của người dân nên đến nay diện tích chè tập trung của huyện đạt 4.915 ha, chiếm 66,9% diện tích chè toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, có địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai trồng chè mới, như huyện Bát Xát nhiều năm không đạt kế hoạch trồng chè mới: Năm 2019 chỉ đạt 44,4% kế hoạch giao, năm 2020 đạt 40% kế hoạch giao.
Nguyên nhân chủ yếu là do việc liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn lỏng lẻo, doanh nghiệp không thu mua chè búp tươi cho người dân dẫn đến tình trạng người dân bỏ nương chè, nhiều diện tích chè bỏ hoang, không chăm sóc. Đến hết năm 2022, Bát Xát còn 209 ha chè (giảm 349 ha so với năm 2020).
Tại huyện Bảo Yên, diện tích chè cũng giảm mạnh do những năm gần đây giá trị sản phẩm quế tăng cao, vì lợi ích trước mắt nên người dân trồng xen quế và chặt bỏ chè.
Hiện nay, năng suất chè còn thấp so với tiềm năng phát triển, bình quân đạt 76,3 tạ/ha, bằng 88,3% mục tiêu đến năm 2025 (đến năm 2025 năng suất bình quân đạt 86,37 tạ/ha), bằng 71,6% năng suất chè bình quân của cả nước (94 tạ/ha). Năng suất lao động và hiệu quả kinh tế chưa cao, thu nhập của người trồng chè chưa xứng tầm với tiềm năng phát triển và dư địa của cây chè.
Liên kết sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu
Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để khẳng định cây chè là cây trồng chủ lực và xây dựng thương hiệu chè của tỉnh thì không chỉ cần quan tâm đến phát triển vùng nguyên liệu, mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Có như vậy mới dám nghĩ tới việc đưa sản phẩm chè của Lào Cai đến các thị trường khó tính.
Chính quyền cấp xã, cấp huyện cần chỉ đạo tốt việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất và chất lượng của vùng chè kinh doanh. Đổi mới công tác tuyên truyền, hướng dẫn sâu rộng trong Nhân dân về liên kết sản xuất. Tiếp tục đẩy mạnh sự chỉ đạo của các cấp chính quyền trong quản lý nhà nước tại vùng nguyên liệu chè; giữ vai trò làm trọng tài vừa chỉ đạo vừa giám sát quá trình thực hiện thông qua hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân.
Các công ty, doanh nghiệp có kế hoạch chi tiết, giải pháp căn cơ để quản lý, phát triển vùng nguyên liệu và thu mua nguyên liệu chè búp tươi cho nông dân trong vùng, quy định và thống nhất phẩm cấp chè búp tươi, giá thu mua từng thời điểm đảm bảo công khai, minh bạch, dễ theo dõi, giám sát; chia sẻ lợi ích hài hòa với người trồng chè. Đóng vai trò chủ đạo trong hướng dẫn, quản lý, giám sát quy trình kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ người trồng chè liên kết thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ sản xuất chè an toàn.
Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chế biến chè không ngừng đa dạng hóa sản phẩm chế biến, thay đổi mẫu mã, bao bì đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng sang thị trường xuất khẩu chè cao cấp, khó tính; chú trọng phát triển thị trường nội tiêu…