
Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2025 có chủ đề "Tăng cường hợp tác phương Nam nhằm thúc đẩy quản trị bao trùm và bền vững hơn", là một trong những sự kiện đa phương quan trọng, có sự tham dự của khoảng 20 lãnh đạo cấp cao các nước, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế.
Việc Việt Nam trở thành nước đối tác của BRICS, cũng như tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khẳng định vai trò và đóng góp trách nhiệm tại các cơ chế đa phương với mong muốn nỗ lực đóng góp, nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương bao trùm, toàn diện trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên BRICS.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) được thành lập năm 2006, đến nay có 10 nước thành viên, gồm: Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Iran, Ethiopia, Ai Cập, Indonesia và UAE. Ngoài ra, còn có 10 nước đối tác, trong đó có Việt Nam, Malaysia và Thái Lan. Trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến chuyển sâu sắc cả về chính trị, kinh tế và khí hậu, BRICS nổi lên như một mô hình hợp tác mới mang tính chiến lược, đóng vai trò ngày càng rõ nét trong việc định hình lại trật tự toàn cầu. BRICS cũng hướng tới việc xây dựng những thể chế thay thế, giảm phụ thuộc vào các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, đồng thời khuyến khích sự nổi lên của các nền kinh tế đang phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao về chủ đề: Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế, tài chính và trí tuệ nhân tạo; dự và phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao về chủ đề: Môi trường, COP 30 và y tế toàn cầu; và dự Công bố Tuyên bố Khung của các nhà Lãnh đạo về Tài chính khí hậu và Khởi động đối tác BRICS về Xoá bỏ Bệnh dịch xã hội.
Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các nước thành viên của BRICS tập trung vào các chủ đề tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như: y tế, trí tuệ nhân tạo và biến đổi khí hậu. Nước chủ nhà Brazil kỳ vọng các thỏa thuận đạt được trong hội nghị năm nay sẽ thúc đẩy hợp tác hiệu quả, góp phần giải quyết những thách thức phát triển bền vững của các nền kinh tế mới nổi.