Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe” có hiệu lực thi hành. Theo đó, một số hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ có mức phạt tăng mạnh so với trước như người điều khiển ôtô vượt đèn đỏ bị phạt 18-20 triệu đồng (mức cũ là 4-6 triệu đồng), đối với người điều khiển mô tô, xe máy vượt đèn đỏ bị phạt 4-6 triệu đồng (mức phạt cũ là 800 nghìn - 1 triệu đồng).
Mục tiêu chính của việc tăng mạnh mức phạt theo Nghị định 168 nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc và tình trạng coi thường pháp luật, “nhờn luật” hiện nay.
Việc tăng mạnh mức phạt hành chính tạo ra những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, trong đó có ý kiến băn khoăn về số tiền phạt lớn nếu vi phạm vượt đèn đỏ so với mức thu nhập hàng tháng của người lao động. Tuy nhiên, trong tình hình ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của nhiều người còn thấp, cố tình vi phạm, coi thường các quy tắc giao thông thì việc “đánh vào kinh tế” là một biện pháp có tính ngăn ngừa hữu hiệu, đòi hỏi người điều khiển phương tiện giao thông phải tuân thủ nghiêm túc hơn. Cùng với đó, có ý kiến phản ánh tình trạng cột đèn tín hiệu giao thông ở một số ngã ba, ngã tư bị lỗi khiến người tham gia giao thông lúng túng, lo ngại nếu vì lỗi tín hiệu đèn mà bị phạt sẽ “mất tiền oan”, bất hợp lý…
Lợi dụng tình hình trên, các trang mạng của tổ chức phản động như Việt Tân, “Nhật ký yêu nước” hay trang cá nhân của số chống đối chính trị đã xuyên tạc, bóp méo sự thật, lan truyền thông tin sai lệch.
Điển hình như, ngày 2/1/2024, trên trang của tổ chức Việt Tân có bài viết “Tăng mức phạt đối với vi phạm giao thông là để thưởng cho lực lượng CSGT”; trang RFA tiếng Việt có video với nhiều nội dung bình luận sai lệch về Nghị định 168. Trên một số diễn đàn mạng xã hội, các đối tượng cố tình bóp méo nội dung Nghị định 168, cho rằng việc tăng mức xử phạt giao thông chỉ là công cụ để “tận thu ngân sách” hoặc “làm lợi cho lực lượng Công an”...
Một số bình luận chỉ trích, việc tăng mức phạt là “hút máu dân”, “tận thu”, “bóc lột”, xuyên tạc việc các cột đèn giao thông bị lỗi là “cố ý để giăng bẫy thu tiền”, cho rằng Nhà nước đang tạo ra những màn kịch để đẩy người dân vào tình thế vi phạm, buộc phải nộp tiền.
Các đối tượng dựng lên kịch bản thiếu cơ sở để bào chữa cho tình trạng “nhờn luật”, thiếu ý thức trong khi tham gia giao thông như người dân chỉ vô tình vượt đèn đỏ trong tình huống khẩn cấp, tránh đường cho xe cứu thương cũng bị phạt nặng... Nhiều bình luận hướng lái từ việc tăng mức phạt theo Nghị định 168 đến chỉ trích chế độ, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, kích động mâu thuẫn, chống đối trong xã hội.
Những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các đối tượng phản động, chống đối, các tổ chức truyền thông thiếu thiện chí với Việt Nam đã tạo ra những luồng thông tin, dư luận xấu, ảnh hưởng đến việc thực thi Nghị định 168. Rõ ràng, mục tiêu chính của Nghị định 168/2024/NĐ-CP là bảo đảm an toàn giao thông và giảm thiểu những vụ tai nạn thương tâm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, tránh tình trạng coi thường pháp luật, “nhờn luật” vì xử phạt nhẹ không đủ sức răn đe.
Thực tiễn cho thấy, tăng mức xử phạt là một trong những biện pháp để bảo đảm răn đe, phòng ngừa. Nếu mọi người có ý thức chấp hành đúng luật giao thông, chấp hành tín hiệu đèn thì không bị xử phạt, nộp phạt. Việc xử phạt áp dụng đối với những trường hợp cố tình vi phạm, coi thường pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Theo thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 9 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 17.836 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.114 người, bị thương 13.385 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.506 vụ (9,22%), giảm 829 người chết (9,27%), tăng 2.413 người bị thương (21,99%), trong đó có những trường hợp tai nạn do không chấp hành tín hiệu giao thông, vượt đèn đỏ. Việc coi thường tín hiệu đèn, đi lại tuỳ tiện tạo ra thói quen xấu, gây ùn tắc, hỗn loạn giao thông, trái với nếp sống giao thông văn minh đô thị. Trong điều kiện việc tuyên truyền, nhắc nhở chưa đem lại hiệu quả với nhiều người thì mức phạt mạnh sẽ có tính răn đe, phòng ngừa cao.
Bên cạnh đó, những cáo buộc của các đối tượng cho rằng nghị định “làm lợi cho lực lượng Công an” là sai lệch. Các khoản tiền phạt thu được nộp vào ngân sách Nhà nước và sử dụng theo đúng quy định pháp luật, được nêu rõ trong quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Việc trích phần trăm số tiền xử phạt cho một số lực lượng là nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông chứ không phải “trích tiền để chia nhau” như luận điệu của một số đối tượng.
Ngoài ra, lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm theo chức năng được giao và người dân đều có quyền giám sát, phản ánh những thông tin nếu có tình trạng tiêu cực xảy ra. Chẳng hạn như tại Hà Nội, mọi công dân đều có thể phản ánh các tình trạng tiêu cực lên ứng dụng IHANOI với các thông tin xác thực hoặc qua các kênh báo chí... Do đó, không có chuyện làm lợi hay tăng mức phạt để “chia chác”, tiêu cực như những luận điệu mà các tổ chức phản động tung ra. Rõ ràng, những thông tin sai trái này cố tình gây hiểu nhầm, làm nhiễu dư luận, kích động người dân chống đối.
Để khắc phục tình trạng này, Cục CSGT đã có văn bản chỉ đạo Công an các địa phương, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát sửa chữa đèn tín hiệu, kiến nghị đơn vị vận hành, quản lý đèn tín hiệu giao thông sớm nâng cấp các đèn đã cũ. Người dân sẽ không bị phạt oan, phạt sai trong các trường hợp này. Khi lập biên bản xử phạt, lực lượng phụ trách đèn tín hiệu sẽ phối hợp với CSGT tại chốt, trích xuất camera, hình ảnh vi phạm của người điều khiển xe, cho xem trực tiếp diễn biến hành vi vi phạm và tín hiệu đèn thời điểm đó.
Đối với việc phạt nguội, lực lượng CSGT sẽ cho người vi phạm xem lại clip diễn biến toàn trình của vi phạm vượt đèn đỏ trước khi lập biên bản, đảm bảo người dân "tâm phục, khẩu phục"… Như vậy, không có chuyện đèn hỏng, người dân cũng bị phạt hay cho rằng lực lượng chức năng cố tình “giăng bẫy” hỏng đèn để xử phạt như luận điệu các thế lực xấu.
Ở các quốc gia phát triển như Hà Lan, Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... sự nghiêm minh của pháp luật là yếu tố cốt lõi để đảm bảo trật tự xã hội và an toàn giao thông. Ý thức của mỗi người dân kết hợp với tính răn đe mạnh mẽ của pháp luật đã tạo nên sự văn minh của đất nước họ. Chính vì vậy, các quốc gia này đã giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, tạo nên hình ảnh đẹp của một quốc gia văn minh khi du khách thập phương đến du lịch, học tập, làm việc...
Ở Việt Nam, với tốc độ đô thị hóa và mật độ giao thông tăng nhanh, việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển để đảm bảo giao thông an toàn là thực sự cần thiết. Việc áp dụng mức xử phạt cao theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP để từng bước xây dựng ý thức chấp hành pháp luật giao thông, tạo nền tảng cho một xã hội tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi của mọi người dân.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, những người luôn có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông hoàn toàn ủng hộ và hưởng ứng. Bản thân họ xem đây là sự cần thiết để đảm bảo tính răn đe và nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đối với những trường hợp thiếu ý thức chấp hành, “nhờn luật” như hiện nay. Dư luận chung cho thấy, người dân nghiêm túc tuân thủ luật pháp sẽ không cảm thấy bị ảnh hưởng mà ngược lại, họ ủng hộ vì việc chấp hành nghiêm các quy tắc giao thông sẽ tạo môi trường giao thông an toàn, văn minh, người dân đi đúng quy tắc giao thông giảm đi sự lo lắng các tai nạn do người thiếu ý thức gây ra.
Mỗi người dân cần tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc, sai sự thật từ các tổ chức phản động, các phần tử chống đối. Việc tăng mạnh mức phạt mới đầu có thể còn gây những phân tâm, băn khoăn của một bộ phận người dân song đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ chính cuộc sống, tính mạng, sức khoẻ và tài sản của mỗi người. Không nên để tác động của các luận điệu sai trái làm ảnh hưởng đến ý thức chấp hành pháp luật, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của xã hội.