Tháng 6/2023, Tỉnh đoàn Lào Cai xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên, thanh niên trở thành lực lượng tiên phong trong tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Kế hoạch được triển khai nhằm thực hiện đồng bộ các mục tiêu, giải pháp để đoàn viên, thanh niên trở thành lực lượng tiên phong trong tổ công nghệ số cộng đồng, qua đó nâng cao nhận thức, thái độ, trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân, giúp người dân sớm tiếp cận môi trường số, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số vào mọi mặt của đời sống xã hội, giúp phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Kế hoạch này cũng góp phần phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng đoàn viên, thanh niên trong việc phát huy hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng, lực lượng tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, tác nhân thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn ở các thôn, tổ dân phố.
Thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương) có 17 tổ công nghệ số cộng đồng tại 17 thôn, tổ dân phố với lực lượng nòng cốt là các bí thư chi đoàn, đoàn viên, thanh niên. Đặc thù địa phương vùng cao, hạ tầng số tại nhiều nơi chưa được đầu tư đồng bộ nên nhiều người dân chưa có cơ hội tiếp cận với những tiện ích mới từ công nghệ số. Chuyển đổi số vẫn là một khái niệm mới, mơ hồ với nhiều người dân địa phương. Trước thực tế đó, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã hỗ trợ người dân theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “cầm tay chỉ việc”, trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác để có thể sử dụng thành thạo các tiện ích cơ bản về công nghệ số như sử dụng VNeID, thanh toán trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến...
Chị Sin Hoài Thu, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Mường Khương cho biết: Nếu so với các địa phương vùng thấp, khu đô thị thì Mường Khương còn nhiều hạn chế trong thực hiện chuyển đổi số. Để vượt qua những khó khăn đó, lực lượng đoàn viên, thanh niên phải luôn tự cố gắng, quyết tâm cao hơn, trước hết là tự nâng cao năng lực số cho bản thân, sau đó trở thành những “cánh tay nối dài”, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận dễ dàng hơn với những tiện ích hiện đại, thông minh trong thời kỳ công nghệ 4.0. “Chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện các đợt cao điểm hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Các nhiệm vụ được giao luôn đảm bảo 100% kế hoạch” - chị Sin Hoài Thu cho biết.
Năm 2023, Tỉnh đoàn Lào Cai phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai các phong trào, hoạt động nhằm phát triển đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh Lào Cai trở thành lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số; nâng cao nhận thức, thái độ, trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ.
Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn và các địa phương, trong năm 2023, Lào Cai duy trì hoạt động của 1.562 tổ công nghệ số cộng đồng với 7.363 thành viên, trong đó thành viên là đoàn viên, thanh niên chiếm khoảng 40%. Nhiệm vụ của các thành viên trong tổ là tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến người dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, nắm kỹ năng sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản như định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử, tài khoản mobile money, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia, cài đặt app báo cháy 114…
Chị Giàng Thị Mai, Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức các hoạt động phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của các cấp bộ đoàn, tổ công nghệ số cộng đồng trong chuyển đổi số, tham gia thúc đẩy thực hiện xã hội số. Triển khai các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ cài đặt và sử dụng các ứng dụng công nghệ phục vụ khai báo, theo dõi y tế như sổ sức khỏe điện tử, phần mềm VNeID; hỗ trợ vận hành nền tảng hỗ trợ khám - chữa bệnh từ xa, thanh toán không dùng tiền mặt. Ứng dụng giải pháp công nghệ, đẩy mạnh việc số hóa các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh để phát triển du lịch; chuẩn hóa nội dung số kết hợp công nghệ để giới thiệu điểm đến, các tour - tuyến du lịch, sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh và phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh.