Dự cuộc họp có các đồng chí Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội; lãnh đạo các sở, ngành, thành viên UBND tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.
Tháng 8/2024, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục được duy trì, phát triển ổn định. Một số lĩnh vực đạt kết quả nổi bật. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh lũy kế đến hết tháng 8/2024 ước đạt 6.658 tỷ đồng, bằng 72,5% dự toán Trung ương giao, bằng 52% dự toán UBND tỉnh giao, bằng 146,7% cùng kỳ năm trước.
UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ngay từ đầu năm, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm kích cầu nền kinh tế. Đến ngày 31/8, giá trị giải ngân đạt 2.704 tỷ đồng (tăng 320 tỷ đồng so với cuộc họp thường kỳ tháng 8/2024), bằng 41% kế hoạch.
Giá trị xuất - nhập khẩu, trao đổi, mua bán hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trong tháng tăng nhẹ so với tháng trước và cùng kỳ năm 2023. Tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, hoạt động thông quan hàng hóa được đảm bảo diễn ra bình thường, cửa khẩu không xảy ra tình trạng ùn tắc phương tiện chở hàng xuất - nhập khẩu.
Tổng giá trị xuất - nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu trong tháng 8/2024 đạt 367,2 triệu USD, tăng 12,48% so với tháng 7/2024; lũy kế đạt 2.271,63 triệu USD, tăng 71,65% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 8/2024, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh của các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn tăng nhẹ so với tháng trước, đặc biệt là giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11%.
Tình hình sản xuất nông - lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh cơ bản duy trì và ổn định.
Tháng 8 cũng là tháng trọng điểm du lịch trong năm, do vậy lượng khách du lịch đến Lào Cai tiếp tục tăng so với tháng trước 12,5%. Tổng lượng khách đến Lào Cai lũy kế năm 2024 đạt hơn 5,62 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 2.658 tỷ đồng và lũy kế đạt 18.509 tỷ đồng, bằng 68,05% kế hoạch năm.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, tình hình kinh tế - xã hội còn một số khó khăn như: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt thấp so với kỳ vọng; xuất - nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn do cửa khẩu phụ Bản Vược và Mường Khương vẫn chưa khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa nên hoạt động thông quan chỉ thực hiện được qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành và Cửa khẩu quốc tế ga đường sắt.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố nêu một số khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, tình hình triển khai một số công trình, dự án lớn trên địa bàn, đồng thời kiến nghị các giải pháp tháo gỡ.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành giáo dục và các địa phương quan tâm chỉ đạo duy trì tỷ lệ chuyên cần, giám sát các khoản thu trong trường học, quản lý học sinh bán trú. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương quan tâm phòng chống bão lũ, bảo vệ cơ sở vật chất trường học; ngành y tế chủ động phương tiện, vật tư y tế sẵn sàng khi có tình huống xảy ra…
Kết luận cuộc họp, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều trong khi nhiệm vụ, mục tiêu đề ra còn rất lớn, vì vậy các ngành, địa phương cần quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, tập trung vào 2 nhóm nhiệm vụ trọng tâm là thu ngân sách nhà nước và giải ngân vốn đầu tư công.
Về một số nhiệm vụ cụ thể, đồng chí Hoàng Quốc Khánh đề nghị các ngành, địa phương tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm đạt và vượt kế hoạch thu ở tất cả các ngành, các cấp, gắn với quản lý chi ngân sách nhà nước các cấp bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.
Thực hiện quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ dự án, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia. Quyết liệt triển khai thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước.
Tập trung thực hiện các dự án trọng điểm, chiến lược có sức lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh: Quyết tâm cao hoàn thiện thủ tục khởi công dự án Cảng hàng không Sa Pa trong năm 2024; đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối như cầu Bản Vược, đường Kim Thành - Ngòi Phát, IC19, Đại lộ Trần Hưng Đạo kéo dài, trụ sở hành chính huyện Bảo Thắng và Bắc Hà.
Tập trung hoàn thành quy hoạch và thu hút đầu tư các khu công nghiệp: Võ Lao, Cam Cọn, Bản Qua, Cốc Mỳ - Trịnh Tường; cụm công nghiệp Thống Nhất (thành phố Lào Cai), Bát Xát, Văn Bàn…
Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Các dự án logistics có quy mô lớn, các dự án sân golf (tại phường Bắc Cường, Xuân Tăng và xã Bảo Hà - huyện Bảo Yên), nhà ở xã hội.
Duy trì kết quả của 62 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, không để trường hợp bị thu hồi quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của các xã đã hoàn thành.
Thực hiện tốt phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” cho hộ người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2024 - 2025, đảm bảo mục tiêu đến tháng 9/2025 hoàn thành xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Đẩy mạnh thực hiện Đề án số 86 về tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đồng thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân.
Chỉ đạo thực hiện tốt Đề án số 06; tập trung chuẩn hóa thủ tục hành chính nội bộ, đưa toàn bộ các thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của cơ quan, đơn vị lên Cổng Dịch vụ công của tỉnh để thực hiện công khai, minh bạch.
Về nhiệm vụ phòng chống cơn bão số 3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương triển khai nghiêm túc Công điện của UBND tỉnh về việc tăng cường chủ động, quyết liệt triển khai ứng phó với bão số 3; ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng triển khai các biện pháp khi có tình huống xảy ra.