Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Săn mây” trên đỉnh núi Trái Tim

Săn mây” trên đỉnh núi Trái Tim

Tôi bắt đầu một buổi sáng thức dậy trong căn homestay của người Mông ở thôn Hòa Sử Pán dưới chân núi Trái Tim cùng bữa sáng nóng hổi xì xụp bên lò sưởi củi bập bùng ánh lửa. Thời điểm này ở nơi được ví là “thủ phủ” của du lịch homestay khá đông khách nhưng phần lớn là khách Tây. Những vị khách thức dậy từ rất sớm cùng người dân và khi mặt trời chưa tỉnh giấc, tôi đã nghe tiếng những bước chân trekking trên đường.

Hòa Sử Pán thuộc xã Sử Pán cũ, nay là xã Mường Hoa (tên xã sau khi Sử Pán sáp nhập với xã Hầu Thào), cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 15 cây số, xuôi về phía Nam. Cùng với Cát Cát, Tả Van, Bản Hồ, Tả Phìn, Thanh Kim… nơi này có sức hấp dẫn lạ lùng, không chỉ bởi văn hóa bản địa mà còn bởi cách người dân làm du lịch cộng đồng và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

Trong hành trình khám phá lần này, chúng tôi chọn đỉnh núi Trái Tim - nơi được người dân và du khách ví là điểm ngắm mây đẹp nhất ở Mường Hoa. 8 thành viên trong đoàn của tôi mỗi người một nghề nhưng cùng chung niềm háo hức trở thành người có “nhân phẩm tốt” - tức có thể bắt gặp biển mây trong mùa “săn mây” đẹp nhất năm.

untitled-design-1.png
Chúng tôi xuất phát khi sương vẫn còn vương trên những tán cây.

Ăn xong bữa sáng, nghỉ ngơi chừng dăm phút, chúng tôi quyết định lên đường. Buổi sớm, sương vẫn còn vương trên những tán cây. Con đường lên đỉnh núi dẫn chúng tôi qua thôn nhỏ. Thật thích thú khi chúng tôi bắt đầu hành trình đi qua ngôi làng có những chiếc cổng độc đáo do các gia đình tự thiết kế như một sự chào đón. Chị Tẩn Tả Mẩy - porter của đoàn, có kinh nghiệm 7 năm dẫn khách, nhà ở thôn Giàng Tà Chải, xã Tả Van vừa đi vừa không quên giới thiệu: Hòa Sử Pán là một trong những địa chỉ làm du lịch cộng đồng mạnh ở Sa Pa. Đồng bào Mông đã tự trang trí nhà và cổng bằng tre, gỗ, nông sản, nông cụ… Bên ngoài cổng còn khắc họ tên chủ nhà, địa chỉ, số điện thoại và gắn tên để bất cứ ai đi qua cũng phải ngắm nhìn và nhớ mãi không quên.

Đi gần hết đoạn đường, chị Mẩy hướng mắt về ngọn núi trước mặt, chỉ cho chúng tôi đó là núi Trái Tim, đích đến của hành trình. Chị không quên lý giải: Người dân gọi là núi Trái Tim bởi đó là 2 ngọn núi cạnh nhau có điểm lõm ở giữa, nếu nhìn từ xa vào ngày trời quang sẽ thấy giống hình trái tim.

untitled-design-3.png
Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp những thùng rác thân thiện được bố trí để người leo núi có ý thức bảo vệ môi trường.

Hầu như ngày nào chị Mẩy cũng có lịch dẫn khách tham quan, có ngày trekking 7 - 8 tiếng đồng hồ. Ở khu vực này, ngoài dẫn khách đi bộ, ngắm lúa, xem vẽ sáp ong, thêu thổ cẩm thì đối với khách thích leo núi, chị sẽ dẫn lên núi Trái Tim.

Núi Trái Tim không quá cao, chỉ hơn 1.000 m, khá dễ để chinh phục bởi đường lên đã được người dân thiết kế các bậc thang, một số đoạn dốc còn có thêm lan can để người dân bám vào khi leo núi. Chúng tôi men theo đường nhỏ quanh co lên núi, xuyên qua cánh rừng tái sinh. Trên đường, thi thoảng bắt gặp vài người Mông gùi trên lưng những bó cỏ lớn. Thấy tôi giơ máy ảnh lên chụp lại khoảnh khắc ấy, chị Mẩy giới thiệu: “Trời sẽ lạnh sâu vào mấy ngày tới nên người dân địa phương đi cắt cỏ về dự trữ cho trâu, bò ăn đó”.

Trong hành trình của chúng tôi có những người bạn đã nhiều lần leo núi nhưng cũng có cả người chập chững thử trải nghiệm. Vậy nên, chuyến đi này chúng tôi không chỉ nhằm mục đích chinh phục đỉnh cao, chụp vài tấm hình thật lung linh đăng Facebook, mà còn muốn kết nối sâu sắc với thiên nhiên, thưởng ngoạn vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng. Cả đoàn chầm chậm bước đi, chờ đợi nhau cùng lên đến đích, thong dong tản bộ dưới tán rừng, quan sát những chồi non mùa xuân, ngắm nhìn từng chi tiết nhỏ, hít thở thật sâu và lặng lẽ cảm nhận thanh âm của núi rừng, mùi thơm của cây cỏ…

Sau khoảng 2 giờ leo bộ, chúng tôi lên đến tâm của núi Trái Tim, nơi có một căn lán nhỏ làm bằng tôn. Đây là địa điểm được cán bộ kiểm lâm dựng để phục vụ cho quá trình quản lý rừng.

Phương Dung - cô giáo công tác tại Sa Pa chia sẻ: “Nếu chỉ đơn giản là ngắm mây thì ở Sa Pa có nhiều điểm khiến mình không phải tốn nhiều sức. Nhưng hôm nay mình muốn trải nghiệm theo cách mới, không chỉ ngắm mây mà còn khám phá núi rừng và tận hưởng cảm giác may rủi ngắm biển mây”.

Sau vài phút nghỉ chân, chờ đợi một số thành viên đi chậm, chị Mẩy ngắt mấy cành cây nhỏ, vài loại lá ven đường bỏ vào chiếc gùi sau lưng. “Phụ nữ Dao ai cũng biết các loại lá thuốc từ cây rừng. Các chị thường tự hái thuốc cho gia đình tắm nhưng chỉ ngắt lá hoặc cành nhỏ để vài tháng sau cây còn xòe tán, phát triển thêm cho nhiều người cùng hái”, chị Mẩy nói. Chị cũng kể về núi Trái Tim, về những ai chinh phục đỉnh núi này khi leo lên đến tâm, từ điểm chính giữa của núi Trái Tim nếu là nữ sẽ leo sang núi bên phải, là nam sẽ leo sang núi bên trái. Bởi vì, núi bên phải thấp hơn, thoai thoải, vừa với ai sức khỏe yếu hơn, còn núi bên trái cao, đường đi khó hơn và tốn nhiều sức để leo lên.

Xuất phát từ hơn 8 giờ sáng, tới gần nửa buổi chúng tôi chọn từ vị trí tâm rẽ sang phải. Lúc này có chút gió nhẹ và mưa phùn, trời vẫn còn mù mịt sương, xác suất “săn” được mây có vẻ không cao. Thế nhưng, cả đoàn bỗng reo hò, vỡ òa cảm xúc khi trước mắt là một vườn đào. Những nụ hoa ngậm sương gió ở độ cao hơn 1.000 m đã bắt đầu hé nở, chúm chím đón gió xuân. Chỉ vài ngày nữa thôi khi quay lại đỉnh núi này, chắc chắn du khách sẽ thỏa sức ngắm cả một vườn đào bung nở rực rỡ.

untitled-design-4.png
Chị Tẩn Tả Mẩy và các thành viên trong chuyến leo núi ngạc nhiên khi thấy những cành đào chúm chím nụ trên núi.

Ngắm những nụ hồng khoe sắc, tôi nhớ lời giới thiệu của anh Châu A Quả, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Hoa trước khi bắt đầu hành trình khám phá đỉnh núi Trái Tim: Phóng viên lên núi giờ này có lẽ sẽ được ngắm những bông hoa đào nở sớm. Trước đại dịch Covid-19, trên núi Trái Tim có cháy rừng, để đảm bảo công tác chữa cháy, kiểm lâm đã thực hiện đường băng trắng. Sau khi lửa được dập tắt, kiểm lâm cùng với chính quyền địa phương quyết định biến đường băng trắng thành băng xanh. Để tạo cảnh quan cho du khách, vừa đảm bảo việc bảo vệ, phát triển rừng, những cây đào được mang lên núi trồng. Đến nay, khi leo núi Trái Tim du khách sẽ đi qua dãy đào có tuổi đời khoảng 3 năm.

untitled-design-2.png
Một bên đỉnh núi Trái Tim mù mịt sương khiến chúng tôi không khỏi thất vọng.

Đi qua vườn đào, chúng tôi lại bắt gặp những bụi lau đung đưa trước gió, trong màn sương bảng lảng, đỉnh núi Trái Tim dần hiện ra, khung cảnh mờ ảo tựa như phim cổ trang nhưng lại không như kỳ vọng của chúng tôi. Chị Mẩy cất tiếng: “Nếu trời quang, mây tạnh thì từ vị trí này cũng có thể ngắm trọn thung lũng Mường Hoa trù phú dưới chân núi”. Khung cảnh có phần hụt hẫng nhưng câu nói của chị Mẩy khiến chúng tôi thêm phần háo hức, quyết định dồn hết sức lực để chinh phục đỉnh còn lại của núi Trái Tim. Chị Việt Hưng - người đã leo hầu hết các ngọn núi lớn nhỏ ở Tây Bắc, kinh nghiệm săn được mây có thừa lúc này cũng động viên chúng tôi: “Cố gắng nhanh chân lên nhé! Chị thấy mặt trời ló dần rồi, lên tới đỉnh núi cao hơn, qua lớp sương mù sẽ có biển mây”.

untitled-design-6.png
Khung cảnh tuyệt đẹp trên đỉnh còn lại của núi Trái Tim.

Cả đoàn lại như đoàn tàu tiến về phía trước. Đi thêm chừng 2 tiếng nữa thì người đi đầu reo to: “Tới nơi rồi! Đỉnh núi Trái Tim”. Thế nhưng, kết quả cũng không khác là bao, vẫn một màn sương dày đặc không rõ cả mặt người trước mắt. Chúng tôi ngậm ngùi ngồi trên đỉnh núi, với chút hy vọng mong manh chờ mặt trời phá tan màn sương. Và rồi, điều kỳ diệu cũng đến, gió thổi tới, sương mờ dần, mặt trời ló rạng và mây cũng lấp ló phía trước. Chúng tôi hò reo trong vui sướng. Trước mặt, một biển mây trắng xóa, rộng lớn dần hình thành như chốn bồng lai tiên cảnh. Những đám mây ở rất gần cuồn cuộn như sóng biển, tưởng chừng như vươn tay ra là có thể chạm vào thứ bồng bềnh trước mắt. Khi cơn gió nhẹ thổi đến, biển mây như tách ra thành nhiều đám mây trắng bảng lảng vờn quanh đỉnh núi như những khối bông gòn lớn, tạo thành bức tranh thiên nhiên hữu tình miên man như đến vô tận. Tôi hít một hơi thật sâu, cảm nhận cái lạnh chỉ hơn 10 độ C. Mọi mệt mỏi cùng bao muộn phiền dường như cũng tan theo làn mây kia.

untitled-design-7.png
untitled-design-5.png
Biển mây trắng bồng bềnh trên đỉnh núi khi mây mù tan.

Sau khi thỏa sức chụp hàng trăm bức ảnh lưu lại khoảnh khắc với thiên nhiên và bạn bè, chúng tôi quyết định xuống núi khi chiều tà. Hoàng hôn bên sườn núi cùng những giờ phút hạnh phúc trên đỉnh núi trước đó như níu bước chân, ai nấy tản bộ xuống lòng thung. Về đến thôn, chúng tôi trở lại nhà chị Mẩy ngâm chân nước lá cây rừng sau chặng đường dài mỏi mệt, nghe mấy chị porter kể chuyện về những mùa “săn mây” no đủ, những đoàn khách quốc tế liên tục đặt tour trekking. Niềm vui trong giọng nói ấm áp của các chị như hòa tan cái se lạnh của vùng cao. Tôi tự nhủ, không chỉ dừng lại ở một chuyến đi, biết đâu đó tôi sẽ còn quay lại nơi này khi cả hàng đào bung nở cùng những người bạn đồng hành. Hẹn gặp lại đỉnh núi Trái Tim vào một ngày đầu năm mới và khám phá thêm nhiều điều thú vị ở nơi đây.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Kết nối giữa văn hóa truyền thống và hiện đại để thu hút du khách

Kết nối giữa văn hóa truyền thống và hiện đại để thu hút du khách

Việc đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống vào phục vụ du lịch đang mở ra hướng phát triển mới cho ngành công nghiệp không khói. Những show diễn văn hóa không chỉ góp phần quảng bá bản sắc dân tộc mà còn gia tăng trải nghiệm cho du khách, nhất là tại các điểm đến du lịch biển - nơi kinh tế đêm đang từng bước được khai thác hiệu quả.

INFORGRAPHIC: Những lưu ý để có chuyến trekking an toàn

INFORGRAPHIC: Những lưu ý để có chuyến trekking an toàn

Trekking là hoạt động trải nghiệm hấp dẫn để du khách khám phá thiên nhiên và giúp nâng cao sức khoẻ. Tuy nhiên, các chuyến trekking sâu trong rừng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hiểm. Trang bị kĩ năng, kiến thức trước mỗi chuyến đi sẽ giúp du khách có chuyến trekking an toàn.

Việt Nam là điểm được ưa thích hàng đầu của người Australia

Việt Nam là điểm được ưa thích hàng đầu của người Australia

Trang tin Sky News (Australia) mới đây đăng bài viết cho biết khi du khách Australia muốn tìm kiếm “những cuộc phiêu lưu văn hóa có ý nghĩa”, Việt Nam đã được họ đưa vào đầu danh sách bởi du lịch ở quốc gia Đông Nam Á này có chất lượng tốt và giá rẻ hơn so với bất kỳ điểm đến phổ biến nào khác.

Không gian xanh giữa lòng phố

Không gian xanh giữa lòng phố

Một ngày mới bắt đầu bằng nụ cười, bằng sự vận động và tinh thần tích cực, chan hòa cùng thiên nhiên, đó chính là điều mà công viên Đồng Tâm, phường Yên Bái mang lại mỗi buổi sớm.

Các nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch trong 6 tháng cuối năm 2025

Các nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch trong 6 tháng cuối năm 2025

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đánh giá, ngành du lịch đang đứng trước những cơ hội để khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế, vươn lên là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Trong nửa cuối năm 2025, toàn ngành xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai hiệu quả để đạt được các mục tiêu đã đề ra theo kế hoạch.

Mùa xanh ở thung lũng Lâm Thượng

Mùa xanh ở thung lũng Lâm Thượng

Dưới nếp nhà sàn mộc mạc bên dòng suối mát, từ những cánh đồng tốt tươi chuyển mình theo mùa cho đến bữa cơm ấm áp trong điệu then ngọt ngào, văn hóa Tày ở thung lũng Lâm Thượng (Lào Cai) đang được giữ gìn và lan tỏa bởi chính những người con quê hương.

'Sống chậm' ở bản Sưng

'Sống chậm' ở bản Sưng

Có một nơi mà thời gian như ngưng đọng. Bước chân vội vã nơi phố thị dường như chẳng thể len lỏi tới được. Ở đó, người ta sống với núi rừng, với gió và nụ cười mộc mạc thuần hậu. Nơi ấy là xóm Sưng, nằm nép mình dưới chân núi Biều, xã Cao Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Chàng trai người Mông và giấc mơ “gắn sao” cho homestay

Chàng trai người Mông và giấc mơ “gắn sao” cho homestay

Vùng đất Mù Cang Chải sở hữu bức tranh thiên nhiên cuốn hút với cảnh ruộng bậc thang hùng vỹ, núi đồi trập trùng và nét văn hóa bản địa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông. Giữa bức tranh hùng vỹ ấy, có chàng trai người Mông đã ấp ủ và hiện thực hóa giấc mơ lớn lao. Đó là Thào A Su, sinh năm 1994, ở bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn, tỉnh Yên Bái (cũ), nay thuộc xã Púng Luông, tỉnh Lào Cai.

Khách du lịch có xu hướng thích trải nghiệm với homestay

Khách du lịch có xu hướng thích trải nghiệm với homestay

Làn sóng dịch chuyển từ du lịch tiêu dùng sang du lịch trải nghiệm đang ngày càng rõ rệt. Đây không chỉ là bước ngoặt cho ngành du lịch cộng đồng, mà còn là cơ hội lớn để những bản làng giữ gìn hồn quê, phát triển, xây dựng bền vững các homestay.

Du lịch Lào Cai hứa hẹn bứt phá

Du lịch Lào Cai hứa hẹn bứt phá

Sáu tháng đầu năm 2025, ngành du lịch Lào Cai tăng trưởng ấn tượng, thu hút hơn 8,7 triệu lượt du khách, doanh thu đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng. Từ ngày 1/7, sau khi sáp nhập, tỉnh Lào Cai mới được kỳ vọng tiếp tục trở thành trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc, hướng tới mục tiêu đón 16,5 triệu lượt du khách vào năm 2030.

Xây dựng hình ảnh du lịch từ tài nguyên văn hóa

Xây dựng hình ảnh du lịch từ tài nguyên văn hóa

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều du khách chọn Lào Cai để tham quan, nghỉ dưỡng, bởi cái họ tìm đến không chỉ là không khí trong lành, cảnh quan núi rừng hùng vĩ, mà còn là trải nghiệm văn hóa, điều mà không resort nào ở nơi khác có thể sao chép được.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng thêm nhiều dư địa để đột phá

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng thêm nhiều dư địa để đột phá

Việc hợp nhất tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái không chỉ là sự thay đổi về địa giới hành chính, mà còn mở ra một không gian phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp. Với những tiềm năng, lợi thế được cộng hưởng, sự liên kết sẽ được hình thành, doanh nghiệp kỳ vọng có thêm động lực và cơ hội để vươn tầm.

fb yt zl tw