Tờ mờ sáng thứ Tư hằng tuần, từ khắp các ngả đường, người dân địa phương đã di chuyển về địa điểm họp chợ. Họ đem theo nông sản mà gia đình nuôi trồng được xuống chợ bán lấy tiền mua thực phẩm, quần áo mới hoặc bánh, kẹo cho những đứa trẻ đang ngóng đợi ở nhà.
Ngay cổng chợ, nhiều đàn ông, phụ nữ người dân tộc Nùng, Bố Y, Mông trải tấm ni-lông bày bán các mặt hàng như rau, ớt, củ kiệu, đậu xị, tương ớt và một vài loại quả đặc trưng ở xã Thanh Bình.
Cạnh đó là khu vực ẩm thực bày bán các loại phở, bánh cuốn, bánh rán, bánh chưng… trên các dãy bàn dài. Người dân Thanh Bình đi chợ gặp nhau thường mời nhau vào khu ẩm thực gọi bát phở gà, phở thịt lợn, vừa ăn vừa hỏi thăm sức khỏe, tình hình gia đình, con cái và những mùa ngô, lúa trên nương. Do vậy, khu ẩm thực của phiên chợ nhộn nhịp từ sáng đến trưa. Những đứa trẻ may mắn được mẹ đưa xuống chợ cũng thích ngồi ở đây nhất, bởi lâu lắm chúng mới được thưởng thức một bát phở ngon lành hoặc cắn miếng bánh rán phủ đường ngọt lịm, thơm phức.
Khu vực bán nông cụ gồm dao, cày, cuốc… lại thu hút nhiều nông dân. Gia đình những người bán nông cụ thường làm nghề rèn nên họ có nhiều kiến thức để tư vấn, sửa chữa nông cụ cho bà con.
Nhưng đặc biệt nhất có lẽ là tiệm cắt tóc di động do những người đàn ông trung niên làm chủ. Mỗi tuần có 1 phiên chợ nên đàn ông ở các bản làng xuống chợ trao đổi, buôn bán còn tiện thể cắt tóc. Cả phiên chợ có gần chục tiệm cắt tóc di động nhưng luôn nườm nượp người xếp hàng chờ đến lượt. Với 30.000 đồng/lượt cắt tóc, ai cắt xong cũng soi gương, cười tươi vì “diện mạo” mới.
Còn những quầy hàng bán thổ cẩm, giày dép, quần áo trẻ em lại thu hút rất đông phụ nữ. Bán được nông sản của gia đình, phụ nữ sẽ ghé quầy hàng này để mua cho chồng, cho con bộ quần áo mới hoặc ướm thử chiếc váy sặc sỡ sắc màu chuẩn bị đi ăn cưới vào tuần sau.
Chợ phiên Thanh Bình họp đến trưa là tan, người người chào tạm biệt nhau và hẹn gặp ở phiên chợ tới…