Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News
Rẻo cao biên giới khắc khoải chờ mưa

Rẻo cao biên giới khắc khoải chờ mưa

Nắng trải vàng trên những mái ngói, sấy những đụn đất vốn đã cằn cỗi trở nên cứng như gạch nung. Nông dân trên rẻo cao xa xôi của “xứ Mường” khắc khoải trông trời, khoảng trời xanh trong ngằn ngặt lặng im, tuyệt nhiên chẳng một gợn mây, chẳng một dấu hiệu nào báo hiệu những cơn mưa sắp tới…!

Dìn Chin và Tả Gia Khâu là 2 xã vùng cao, xa xôi nhất nhì huyện Mường Khương. Nằm chon von trên các mỏm núi cao giáp ranh sông Chảy, khu vực này được ví như “Trường Sa cạn”. Những triền núi có độ dốc lớn khiến nước mưa tưởng như chảy tuột xuống dòng sông phía dưới. Trải qua chừng nửa năm trời không có trận mưa nào nên những mạch nước gần như “kiệt sức”, rệu rã vắt những dòng nước nhỏ không đủ thỏa cơn khát ngày mùa.

Mọi năm, đến tháng 5 là vùng này đã bước vào mùa mưa, người dân sẽ ra đồng cấy vụ lúa duy nhất trong năm. Năm nay hạn kéo dài, trên các chân ruộng bám theo triền núi dốc vẫn vàng khô màu đất. Những mảng đất đã cày lật từ tháng 4 trải qua hơn tháng trời nắng hạn khô như rang chờ mưa xuống để được hoàn thành sứ mệnh của một vụ mùa.

4.jpg

Trưa tháng 5, bà Nùng Thị Dín (thôn Dìn Chin, xã Dìn Chin) ra ruộng xem mạ. Những cây mạ đang héo hắt trên nền đất ruộng cứng như mặt sân. Theo bà Dín, những luống mạ đã gieo hơn 1 tháng chỉ chờ có mưa là sẽ đem ra cấy. Cả cái tràn ruộng này có 6 mảnh, vì không có nguồn nên cũng chẳng có mương nước nào để dẫn nước về cấy. Đối với người dân nơi này, việc gieo trồng đều phụ thuộc “nước trời”. Bà Dín ngửa mặt lên trời mà than: Cứ nắng như thế này khéo năm nay không cấy được lúa. Mấy hôm trước có mưa nhưng còn chưa kịp ướt đất thì đã tạnh, rồi lại nắng tới giờ!

Chuyện chờ nước không phải riêng gì bà Dín, cũng chẳng riêng gì năm nay. Người dân Dìn Chin, Tả Gia Khâu đều đã quen với mùa hạn đều đặn mỗi năm “ghé thăm” từ tháng 10 đến tận đầu tháng 5 năm sau. Thế nhưng, cái hạn năm nay khiến người dân trên rẻo cao này lo âu nhiều hơn thường lệ bởi cảm tưởng như nó sẽ kéo dài ra mãi.

2.jpg

Dọc con đường nhỏ không khó để gặp những nương ngô gieo từ tháng 3 nhưng vẫn thấp tịt và còi cọc. Hằng năm, độ này là ngô đều đã cao quá đầu người và bắt đầu ra bắp. Thế nhưng, năm nay hạn nặng, những cây ngô mới chỉ cao ngang hông người lớn đã xoắn nõn, trổ cờ màu đỏ tía. Người nông dân chỉ biết tặc lưỡi tiếc rẻ: “Ngô này chỉ còn cách chặt làm thức ăn cho trâu vì nếu ra bắp thì bắp to bằng… ngón tay. Những nương ngô như này chắc chắn mất trắng”.

Không chỉ thiếu nước sản xuất, nắng hạn cũng làm cho các nguồn nước trở nên cạn kiệt, khiến nước phục vụ sinh hoạt cũng trở nên hiếm hoi. Là những xã thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán nên trên địa bàn Dìn Chin và Tả Gia Khâu đã được đầu tư xây dựng các bể lớn để tích nước.

Thời điểm giữa tháng 5, tại xã Dìn Chin có tới 6/7 bể cạn nước, 1 bể chỉ còn 20% tổng dung tích. Còn tại xã Tả Gia Khâu, chỉ 3/9 bể còn nước với lượng nước 20 - 30%.

Toàn bộ khu vực này đều trong tình trạng “báo động đỏ”, người dân luôn phải dùng nước tiết kiệm nhất có thể. Bài học về cách sử dụng nước tiết kiệm có lẽ là bài học mà không học sinh nào tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tả Gia Khâu không thuộc. Sử dụng nước tiết kiệm đã trở thành thói quen mỗi ngày của các em nhỏ và các thầy, cô giáo trong trường.

3.jpg

Ngôi trường nằm trên một mỏm núi, các nguồn nước vốn đã hiếm hoi lại đều nằm thấp hơn ngôi trường này. Bởi vậy, toàn bộ lượng nước mà thầy và trò nhà trường sử dụng phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Để có nước sử dụng, một bể chứa lớn có dung tích lên tới 300 mét khối và hàng chục bể lớn, nhỏ được bố trí trong trường. Mỗi đợt mưa xuống, nước từ trời cao ào ào đổ xuống những mái nhà (luôn được cọ sạch để sẵn sàng đón nước), rồi được dẫn theo các máng và ống lớn đổ về bể, tích trữ lại để dùng dần.

5.jpg

Thầy Long Văn Ngạn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tả Gia Khâu tâm sự: Như một thói quen, đêm nằm mà nghe tiếng lộp độp trên mái tôn là các thầy cô giáo đồng loạt thức dậy kiểm tra lại các đường ống, các máng dẫn vì lo sợ nếu tắc sẽ khiến nước mưa không được hứng về bể.

Thời điểm này, năm học đã gần kết thúc, bể chứa cũng mới được bổ sung từ xe cứu hỏa, đủ dùng đến hết năm học nên thầy Ngạn mới có thể thở phào một chút, bởi nỗi lo thiếu nước đã vơi phần nào. Thế nhưng, còn những năm học sau, những mùa hạn có thể còn tới nữa nên người thầy dù đã quen với những mùa hạn vẫn khắc khoải, mong ngóng những năm mưa thuận, gió hòa, mong trường có thêm kinh phí… xây thêm bể chứa, trữ thật nhiều nước để không còn những nỗi lo mùa hạn.

Từ tháng 10 năm ngoái đến nay là giữa tháng 5, trên địa bàn xã không có trận mưa nào tử tế!

Nguyễn Đức Luân, Chủ tịch UBND xã Tả Gia Khâu.

Cái sự “không tử tế” mà Chủ tịch UBND xã nhắc tới là bởi khi các địa phương khác trong cùng huyện đã có mưa “tiếp sức” cho những con suối, những khe, mạch nước nhỏ thì trên địa bàn xã chỉ lác đác mưa. Nắng trên cao cứ thế hong mặt đất cằn cỗi, nắng tới nỗi tưởng như nước phải lẩn sâu xuống lòng đất để tránh nóng, cây cối cũng vì thế mà héo khô, ngắc ngoải.

Theo ông Luân, nắng hạn đã khiến hơn 70 ha ngô bị ảnh hưởng, trong đó có 40 ha không thể phục hồi, người dân mất trắng. Thường xuyên chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt, nhiều hộ phải di chuyển hàng cây số đến các khe nước còn ít ỏi, vớt vát từng can nước về dùng tiết kiệm, chỉ phục vụ những nhu cầu căn bản nhất. Nước phục vụ sản xuất, chăn nuôi gần như không có.

han2.JPG
Các bể trữ nước đang cạn dần.

Tình trạng thiếu nước tại Tả Gia Khâu trầm trọng tới nỗi có thời điểm địa phương này phải nhờ Công an tỉnh (đơn vị hỗ trợ xã Tả Gia Khâu xây dựng nông thôn mới) dùng xe cứu hỏa giúp… cứu hạn. Thời điểm các bể chứa trên địa bàn xã gần như cạn sạch nước, lực lượng công an đã vận chuyển 24 chuyến, mỗi chuyến 9 khối nước từ nguồn nước duy nhất còn nước của xã để bơm vào bể tích nước phục vụ nhu cầu sử dụng của các trụ sở, trường học trên địa bàn.

“Năm nay hạn nặng hơn, kéo dài và gây thiệt hại hơn những năm trước. Chúng tôi chỉ mong có mưa để người dân đủ nước sinh hoạt và sản xuất”, ông Nguyễn Đức Luân trầm ngâm nói.

Có lẽ không chỉ người dân, cả những cán bộ - những người cùng sinh sống trên mảnh đất này đang chung một nỗi khắc khoải, mong ngóng “một trận mưa ra mưa”, làm đầy những khe nước đã cạn khô tự bao giờ...

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực số cho tuyến y tế cơ sở

Nâng cao năng lực số cho tuyến y tế cơ sở

Sáng nay (21/11), Bộ Y tế phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức lễ khởi động dự án: ''Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam''.

Sáng tạo vì học sinh thân yêu

Sáng tạo vì học sinh thân yêu

Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang đòi hỏi mỗi giáo viên phải tự nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu giảng dạy. Trong đó, giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần, mà phải sáng tạo trong tổ chức, điều hành các hoạt động dạy học.

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Trong trận lũ vừa qua, Bảo Yên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều cán bộ cơ sở mặc dù nhà ở bị ngập lụt, tài sản bị cuốn trôi nhưng vẫn ưu tiên lo cho dân. Họ tạm gác việc nhà, tập trung hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống. Chỉ khi mọi người được an toàn, họ mới trở về lo cho gia đình mình.

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, những nhà giáo trên địa bàn tỉnh luôn dành trọn tâm huyết, tình yêu học trò qua từng trang giáo án. “Người đưa đò” thầm lặng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ, trở thành những “Chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu của Microsoft”, là tấm gương sáng cho học sinh về rèn đức, luyện tài.

Nữ hiệu trưởng ưu tú

Nữ hiệu trưởng ưu tú

Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, 13 năm làm công tác quản lý, trong đó 6 năm đảm nhiệm vai trò hiệu phó và 7 năm làm hiệu trưởng, dù ở cương vị nào, cô Phạm Thị Khánh Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lào Cai cũng nỗ lực hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Bằng sự nhạy bén và chuyên môn vững vàng, cô Hường đã xây dựng một tập thể đoàn kết, kiến tạo môi trường giáo dục và học tập hạnh phúc.

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Thời gian qua, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai đã không ngừng nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đưa nhà trường trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của ngành giáo dục thành phố Lào Cai.

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 3, thầy giáo Lý Văn Hoàng (sinh năm 1996) công tác tại Trường THPT Chuyên Lào Cai, nhưng thầy và học trò đã có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao tại nhiều cuộc thi.

fbytzltw